Giá dịch vụ kiểm định mới do Cục Đăng kiểm VN đề xuất được điều chỉnh tăng từ 26-28% so với quy định hiện hành.

Vì sao lựa chọn phương án giá mới?

Cục Đăng kiểm VN vừa trình Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) đối với xe cơ giới đang lưu hành.

chuyên gia nói về phương án giá dịch vụ kiểm định mới

Cục Đăng kiểm đề xuất quy định giá trần dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Phương án xây dựng giá dựa trên cơ sở cập nhật các yếu tố hình thành giá trong phương án giá đã được sử dụng để ban hành giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại Thông tư số 238 của Bộ Tài chính, mức giá điều chỉnh tăng từ 26-28% so với mức giá hiện hành.

Theo Cục Đăng kiểm, việc điều chỉnh giá theo phương án trên đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc điều chỉnh giá khi có biến động từ các yếu tố chi phí đầu vào. Đây cũng là phương án giá thấp nhất trong 3 phương án mà Cục Đăng kiểm nghiên cứu.

Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng cho biết, biểu mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới đang lưu hành mà Cục đề nghị điều chỉnh lần này sẽ là mức giá tối đa. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành dịch vụ để đưa ra các mức giá cạnh tranh trong mức giá trần đã được Nhà nước quy định, người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi hơn.

Chưa kể, trong gần 10 năm qua, mức giá kiểm định xe chưa hề được thay đổi, do đó, Cục Đăng kiểm nhận thấy việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là cần thiết.

Trước đó, trong các năm 2021, 2022, nhiều đơn vị đăng kiểm (tại Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang) đã kiến nghị xem xét, tăng giá dịch vụ đăng kiểm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Hoan, lãnh đạo phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V cho biết, đề xuất tăng giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn hợp lý. Hiện năng suất kiểm định của trung tâm mỗi ngày chỉ dao động từ 70-90 xe, giảm mạnh so với giai đoạn trước đây.

Trong khi đó, nhân sự được bổ sung ngày càng đông với 31 người. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gặp khó khăn trong việc chi trả lương, hỗ trợ đời sống các đăng kiểm viên.

“Trung tâm Đăng kiểm 2903V trực thuộc Cục Đăng kiểm nên nếu khó khăn về tài chính vẫn có Cục hỗ trợ để cân đối nhưng các trung tâm tư nhân sẽ là khó khăn lớn, không thể duy trì trong thời gian dài”, ông Hoan nói và cho biết, hiện một số TTĐK báo lỗ nhiều tháng liền, muốn bỏ nhưng vì số tiền đầu tư quá nhiều, nếu dừng hoạt động sẽ thất thoát lớn nên đang cố gắng cầm cự để ngóng giá dịch vụ kiểm định mới.

Với mức tăng 26-28%, ông Hoan cho rằng hợp lý để các TTĐK duy trì hoạt động lâu dài bởi việc điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới không thường xuyên.

Có lo cạnh tranh không lành mạnh?

chuyên gia nói về phương án giá dịch vụ kiểm định mới

Dư luận có ý kiến trái chiều về việc xây dựng giá trần, giá sàn cho dịch vụ đăng kiểm

Ủng hộ quy định giá trần dịch vụ đăng kiểm, tuy nhiên, một lãnh đạo TTĐK ở Hà Nội lo ngại nếu để các trung tâm đăng kiểm tự điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, không có giá sàn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giảm giá không lành mạnh.

Đặc biệt, với các đơn vị đăng kiểm không mất chi phí thuê đất, mặt bằng, thiết bị kiểm định sử dụng nhiều năm đã đủ khấu hao sẽ sẵn sàng xây dựng mức giá kiểm định thấp, tăng cạnh tranh với các đơn vị lân cận, các đơn vị mới thành lập (giá thuê mặt bằng lớn, chi phí đầu tư thiết bị cao nên không thể xây dựng giá kiểm định quá thấp).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét quy định mức giá tối thiểu để ngăn các TTĐK xây dựng phương án giá quá thấp.

Ngoài ra, theo ông Quyền, mức tăng giá dịch vụ kiểm định cần dự đoán được xu hướng tăng giá của các yếu tố hình thành giá trong tương lai. Bởi nếu lấy thông số ở thời điểm hiện tại, có thể chỉ phù hợp trong khoảng thời gian ngắn, sau đó lại phải điều chỉnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành tại Nghị định 149/2016, giá dịch vụ đăng kiểm thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính quyết định mức giá cụ thể (không có giá tối đa hay tối thiểu).

“Ở thời điểm hiện tại, nếu Cục Đăng kiểm muốn thay đổi hình thức định giá từ giá cụ thể sang giá trần, Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải trình Chính phủ sửa Nghị định 149”, ông Thoả nói và cho biết: Tương lai khi Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1/7/2024), ông tán thành quy định mức giá tối đa dịch vụ kiểm định xe cơ giới, do hoạt động đăng kiểm đến nay đã có tính cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ cần phải có Nghị định mới thay thế Nghị định 149 để hướng dẫn thực hiện Luật Giá (sửa đổi).

Trước lo ngại, nếu không quy định giá sàn có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Thoả nhìn nhận: Cũng giống như giá vé máy bay, không quy định giá sàn sẽ tạo tính cạnh tranh giữa các đơn vị, từ đó có lợi cho người tiêu dùng.

“Nếu cạnh tranh không lành mạnh đã có Luật Cạnh tranh xử lý”, ông Thoả nhấn mạnh.

Về phương án điều chỉnh giá của Cục Đăng kiểm, ông Thoả cho biết, việc điều chỉnh dựa trên cơ sở cập nhật các yếu tố hình thành giá trong phương án giá không sai tuy nhiên chưa thuyết phục.

Theo ông để thuyết phục, cần xây dựng phương án giá dựa trên cơ sở phân tích rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, tổng giá thành dịch vụ là bao nhiêu, tăng bao nhiêu so với mức giá hiện hành, lợi nhuận là bao nhiêu. Từ đó mới đánh giá được tính hợp lý của mức giá mới.

 https://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-noi-ve-phuong-an-gia-dich-vu-kiem-dinh-moi-d596255.html

Ngày đăng: 08:56 | 05/07/2023

Yến Chi / Giao thông