Việc đưa hoạt động xã hội dần trở lại bình thường cần dựa trên số liệu về ca nhiễm mới và ở từng khu vực, theo các chuyên gia.
"Khi số ca nhiễm nCoV thấp và có bệnh nhân hồi phục, Việt Nam nên giảm cách ly xã hội đi kèm các biện pháp y tế để dần phục hồi nền kinh tế", Giáo sư Lê Văn Cường, Đại học Kinh tế Paris, Pháp, nói với VnExpress về điều kiện nới các hoạt động giãn cách xã hội nhằm ngăn Covid-19 ở Việt Nam.
Đến ngày 21/4, tổng số ca nhiễm ở Việt Nam là 268, trong đó 216 ca đã hồi phục và không có người tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Cuối tháng ba, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc từ ngày 1/4 đến 15/4 để ngăn chặn Covid-19. Sau đó lệnh được kéo dài đến ngày 22/4 với TP HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao và 15 tỉnh thành có nguy cơ. Ngày 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ nới lỏng từng bước biện pháp giãn cách xã hội, nhưng phải có kiểm soát đúng mức. Ông cũng lưu ý phải tránh tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Giáo sư Cường cho rằng Việt Nam đã làm tốt công tác cách ly để kiểm soát ca nhiễm. Khi xử lý các ca nhiễm trong nước (16 bệnh nhân đầu tiên), các công sở, xí nghiệp vẫn hoạt động, Việt Nam không có thêm ca mới trong 22 ngày liên tiếp. Ca nhiễm thứ 17 được phát hiện vào đầu tháng ba là nguồn "nhập khẩu".
"Việt Nam nên cách ly xã hội theo từng khu vực, không nên áp dụng trên quy mô lớn", ông Cường nói.
Tỏ ra thận trọng hơn, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, từng là Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington D.C giai đoạn 1978 - 2014, cho rằng để xác định các hoạt động nào nên được nới lỏng, Việt Nam cần dựa trên số liệu về Covid-19 của từng vùng.
"Các số liệu này do giới chức y tế công bố, dựa trên các xét nghiệm ngẫu nhiên", ông Hinh, hiện sống ở Virginia, Mỹ, nói.
Theo Tiến sĩ Hinh, các quốc gia nói chung thực hiện ba giai đoạn xử lý Covid-19. Khi chưa có vaccine và dịch lây lan mạnh, các nước thực hiện cách ly xã hội, phong toả để làm chậm tốc độ lây lan, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhưng khi dịch được kiểm soát, có các yếu tố bảo đảm Covid-19 không quay trở lại, một phần các hoạt động xã hội được quay trở lại bình thường để dần khôi phục kinh tế. Và khi có vaccine, các hoạt động được khôi phục hoàn toàn như trước khi có dịch.
"Để chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II, các nước thường căn cứ vào số ca nhiễm mới giảm liên tục trong 14 ngày - là thời gian ủ bệnh", ông Hinh nói.
Đề cập các biện pháp đi kèm để giảm giãn cách xã hội, Giáo sư Cường cho rằng chính phủ nên phân công trách nhiệm cho từng lĩnh vực. Các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại cần quy định nhân viên đeo khẩu trang khi làm việc; bảo đảm khoảng cách an toàn, bố trí vách ngăn nhựa. Các nhà hàng, quán ăn phải tuân thủ các quy định y tế như để khách ngồi cách xa nhau, rửa tay xà phòng. Các trường học cũng cần tổ chức lại không gian để giữ an toàn cho học sinh, bằng cách đóng khung từng bàn học hoặc tách lớp. Chính quyền địa phương nên điều cán bộ y tế đến kiểm tra tình trạng sức khoẻ của người dân tận nhà, mỗi tuần một lần, để kịp thời cách ly người nhiễm. Các khu của người nghèo cần được chú ý vì họ không có điều kiện đến bệnh viện, dễ trở thành các ổ dịch.
Giáo sư Cường đề xuất chính phủ nên xem xét các doanh nghiệp có thể trụ được sau dịch để ưu tiên hỗ trợ. Khi các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Việt Nam cần có chính sách trợ cấp để tăng cầu trong nước, hướng sản xuất vào thị trường nội địa để vực dậy doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam có thể đón nhận dòng đầu tư của doanh nghiệp rời Trung Quốc chuyển sang.
Theo Tiến sĩ Hinh, để giảm giãn cách xã hội, cũng cần tăng xét nghiệm và giám sát, cách ly kịp thời người bị nhiễm nCoV, đảm bảo năng lực y tế để chữa trị cho họ và gia đình họ.
"Việt Nam cũng cần tăng rà soát các dữ liệu nhằm thay đổi chính sách mở cửa kịp thời", ông Hinh nói.
Tiến sĩ Hinh cho rằng có hai cách để kiểm soát Covid-19 hiệu quả trong giai đoạn II. Một là giám sát dựa vào bộ máy hành chính hoặc công nghệ như ứng dụng trên điện thoại đã được sử dụng ở Hàn Quốc hay Singapore. Hai là dựa hoàn toàn vào xét nghiệm trên quy mô lớn để người dân trên cả nước được xét nghiệm sau mỗi 14 ngày. Đây là cách Paul Romer, cựu phó chủ tịch WB, đề xuất cho Mỹ. Phương pháp này tốn kém cả về tài chính và hành chính cho các nước đang phát triển. Ông Hinh cho rằng Việt Nam nên dựa vào cả giám sát lẫn xét nghiệm tùy theo từng vùng để kiểm soát Covid-19.
Trong giai đoạn II, các hoạt động xã hội dần được khôi phục nên gồm các doanh nghiệp và trường học. Tuy nhiên, theo ông Hinh, chính quyền vẫn nên hạn chế các sự kiện đông người như đám cưới, tiệc tùng; đảm bảo vệ sinh ở các không gian công cộng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan virus. Việt Nam cần hạn chế sinh hoạt chung của những người cao tuổi, người có bệnh lý nền và nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Bên cạnh đó, chính phủ nên cân nhắc việc mở cửa du lịch quốc tế, tránh để có thêm ca nhiễm nhập khẩu. Đây cũng là kinh nghiệm của Singapore.
"Covid-19 vẫn cần được kiểm soát cho đến khi có vaccine điều trị. Do đó Việt Nam cần phục hồi kinh tế một cách thận trọng trong khoảng 12-18 tháng tới", Tiến sĩ Hinh khuyến cáo.
Ngày đăng: 09:05 | 22/04/2020
/ vnexpress.net