Theo các chuyên gia, đối tượng mua nhà ở xã hội cần được mở rộng, hướng đến cả những người có mức thu nhập thuộc diện phải đóng thuế.
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì người thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (bao gồm cả hình thức mua, thuê, thuê mua) phải đồng thời đảm bảo 3 điều kiện.
Thứ nhất, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu (dưới 10m2/người).
Thứ hai, phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này (trừ học sinh, sinh viên).
Thứ ba, phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Nhà ở xã hội nên được mở rộng cho người đóng thuế thu nhập. (Ảnh: Người Lao Động)
Với quy định nêu trên, việc xác minh điều kiện khá phức tạp, rườm rà, gây khó khăn cho người dân. Đặc biệt, điều kiện không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân gây cản trở lớn khi mức thuế này đã lạc hậu.
Một chủ đầu tư làm nhà ở xã hội tại Hà Nội cho biết, trong 5 năm qua, giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi. Trước đây, tại Hà Nội, giá nhà ở xã hội chỉ khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 nhưng nay đã gần 20 triệu đồng/m2.
Khung thu nhập thấp dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hàng tháng cho khoản vay ngân hàng. Điều này sẽ khiến cho bài toán an cư của người thu nhập thấp trở nên khó khăn.
Chị Lê Phương Dung (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, giá nhà ở xã hội mới nhất ở Hà Nội vừa được mở bán đã là gần 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó theo quy định, mọi thành viên trong gia đình phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng một tháng.
“Một gia đình có con nhỏ mà tổng thu nhập của hai vợ chồng không quá 22 triệu đồng/tháng thì sau khi trả các khoản chi phí sinh hoạt, học tập của con, họ sẽ rất khó dành tiền trả ngân hàng để mua nhà”, chị Dung nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nam, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường bất động sản VARS, Tổng Giám đốc CTCP G-Home, chia sẻ, ngay cả khi Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được thực thi tối đa, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi đó, quá trình từ triển khai xây dựng đến mở bán dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế pháp luật, quy định và điều kiện thụ hưởng chính sách.
"Chính sách về nhà ở cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần thay đổi phù hợp hơn, nhà ở xã hội không phải là bán cho người giàu nhưng cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao", ông Nam kiến nghị.
Nhiều thủ tục khiến việc mua nhà ở xã hội trở nên khó khăn. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Theo Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), người được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội chủ yếu là có thu nhập thấp, không thể mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, thực tế nhiều người không thuộc nhóm này vẫn không có khả năng mua nhà, như người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp.
Một khảo sát trước đó của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về nhà ở xã hội cho thấy, những người có thu nhập 10 - 15 triệu đồng/tháng thực tế cũng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng cho khoản mua nhà.
Trong khi đó, với một căn nhà xã hội giá 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% giá trị (khoảng 300 triệu đồng), vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là 8,2%, mỗi tháng người mua phải trả cả vốn lẫn lãi 10 triệu đồng.
Trước đó, tại một buổi thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đề xuất "công nhân, người lao động không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân mới được mua nhà ở xã hội" là không hợp lý và nên bỏ.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần xem xét lại quy định về mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay, vì theo ý kiến của rất nhiều công nhân, người lao động, quy định này đến thời điểm hiện nay đã lạc hậu.
Phần thu nhập của người lao động có thể vượt mức để phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng nếu phải nuôi 2 con với mức chi phí hiện thì họ không có dư sau khi đã chi trả cho các khoản thiết yếu. Nếu giữ quy định này, họ sẽ không thể có tiền để mua nhà.
“Do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình", bà Tuyết đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, nên cho người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân được mua nhà ở xã hội bởi hiện nay, ngưỡng đóng thuế thu nhập khá thấp, trong khi họ phải đóng mức giảm trừ gia cảnh (vợ con), đáng lẽ ra cần phải biểu dương trong xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XV dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở xã hội.
Trong đó, Điều 75, Điều 90 của dự thảo nêu điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; nếu thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện nhà ở và thu nhập. Trong đó, điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Nếu thuê nhà lưu trú, công nhân thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.
https://vtc.vn/chuyen-gia-nen-cho-nguoi-dong-thue-thu-nhap-duoc-mua-nha-o-xa-hoi-ar828564.html
Ngày đăng: 09:40 | 21/10/2023
CHÂU ANH / VTC News