Từ nay đến 2021, Trung Quốc gia tăng ép các nước ASEAN chấp nhận một Bộ Quy tắc ứng xử theo ý Bắc Kinh.

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines tiếp cận một bãi cạn ở Biển Đông năm 2014. Ảnh: AFP.

Từ đầu tháng 7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, trao đổi với VnExpress về các hoạt động này.

- Việc Trung Quốc điều tàu khảo sát và tàu hộ tống đến vùng nam Biển Đông của Việt Nam cho thấy điều gì?

- Tranh chấp ở Biển Đông tồn tại từ nửa đầu thế kỷ 20, đến cuối những năm 1980, các vụ việc liên quan đến tranh chấp các đảo, chủ yếu ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đầu những năm 1990, tranh chấp mới lan ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước ven bờ. Trong gần 30 năm qua có 7 vụ việc nghiêm trọng, mang tính chất phép thử phản ứng của Việt Nam và các nước.

Có thể nói hoạt động của Trung Quốc ở nam Biển Đông lần này có tính chất "làm thật", khi tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động dài ngày. Tàu Hải Dương 8 đã khảo sát địa chất suốt từ đầu tháng 7, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực này rộng bằng cả đồng bằng sông Cửu Long.

Trung Quốc có thể không chỉ đánh giá trữ lượng dầu khí, băng cháy, các khoáng sản kim loại, mà còn xem xét địa chất đáy biển để phục vụ hoạt động của giàn khoan, tàu ngầm.

- Vì sao Trung Quốc ''làm thật"?

- Trước đây Trung Quốc chưa đủ lực lượng để làm, nhưng hiện họ có sự trợ giúp về hậu cần từ các đảo nhân tạo ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giúp họ có thể cản trở hoạt động của các bên cùng có tranh chấp.

Tại vùng Nam Biển Đông, Trung Quốc cũng đưa tàu cảnh sát biển và dân quân vào cản phá hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Chủ trương của Trung Quốc là không để các nước khai thác tài nguyên trong khu vực "Đường lưỡi bò", ép các bên "gác tranh chấp, cùng khai thác". Nếu các nước không chấp nhận thì Trung Quốc sẽ phá. Vài năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên cho tàu quấy phá hoạt động khai thác dầu khí của cả Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông.

- Mục tiêu của Bắc Kinh là gì?

- Trung Quốc có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc là vượt Mỹ, trở thành số một trên thế giới. Bắc Kinh theo đuổi mô hình muốn trở thành cường quốc toàn cầu thì cần là cường quốc biển. Trung Quốc hiểu rõ muốn thực hiện điều đó thì cần giành thế thượng phong ở Biển Đông và Hoa Đông. Do đó, việc hiện thực hóa "Đường lưỡi bò" sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu chiến lược này.

Còn trong ngắn hạn, Bắc Kinh đang áp dụng "áp lực tối đa" với các bên trong ASEAN cùng có tranh chấp, nhắm đến việc ép các nước chấp nhận các điều khoản theo ý Trung Quốc trong Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

- Áp lực tối đa này kéo dài bao lâu?

- Sau khi hoàn thành việc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, năm 2018 Trung Quốc đề xuất nên sớm hoàn tất COC trong ba năm. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu các nước ASEAN không được cùng khai thác tài nguyên và cùng tập trận với các nước ngoài khu vực. Trung Quốc ngầm ý là ASEAN chỉ được hợp tác với Bắc Kinh và hy vọng các nước ASEAN sẽ "mệt mỏi, chấp nhận xuôi theo".

Với Việt Nam, Trung Quốc vừa gây áp lực trực tiếp, vừa lợi dụng thái độ "dĩ hòa vi quý" của các thành viên ASEAN để ép Hà Nội. Do đó, từ nay đến năm 2021, Trung Quốc sẽ gia tăng "áp lực tối đa" với ASEAN để ép các nước thành viên chấp thuận COC theo ý Bắc Kinh.

- Trung Quốc sẽ phải trả giá gì nếu bất chấp để đạt được mục đích?

- Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận trả giá để đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Về kinh tế, Trung Quốc đã chi một số tiền lớn để xây 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, sau đó còn chi thêm để bảo trì thiết bị trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Biển Đông. Ước tính con số lên đến hàng chục tỷ USD.

Về uy tín, các hành động xâm phạm của Trung Quốc làm hỏng quan hệ với một số nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Bắc Kinh cũng bị dư luận thế giới lên án.

Giáo sư Vuving, ngoài cùng bên trái, trong một hội thảo. Ảnh: APCSS.

- Ông đánh giá thế nào khi Mỹ lên tiếng mạnh mẽ về hoạt động của Trung Quốc ở nam Biển Đông ?

- Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã chỉ rõ đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa là đảo Ba Bình không có đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý bao quanh. Do đó, toàn bộ quần đảo Trường Sa không có EEZ. Nói cách khác, EEZ thuộc đất liền của Việt Nam ở nam Biển Đông không bị chồng lấn với EEZ của quần đảo Trường Sa vì nó không tồn tại.

Khi Tòa trọng tài đã làm rõ điều đó, Mỹ có thể lên tiếng mạnh mẽ, lên án tàu Trung Quốc khảo sát và quấy nhiễu hoạt động của Việt Nam trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam.

- Những biện pháp Việt Nam có thể thực hiện để bảo vệ chủ quyền của mình?

- Việt Nam cần có tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh dài hơi.

Khi Trung Quốc muốn có vị trí số một ở khu vực, một số cường quốc khác như Mỹ, Nhật, Ấn Độ cũng chống lại tham vọng đó của Bắc Kinh. Biển Đông vẫn là đấu trường chủ yếu của các cường quốc này trong nhiều thập kỷ tới. Do đó, Việt Nam có thể "nương vào dòng chảy địa chính trị lớn" trong khu vực để bảo vệ lợi ích của mình.

Cần lưu ý cạnh tranh trên biển khác với trên đất liền. Nếu như trên đất liền các lực lượng có nhiều địa hình hỗ trợ (rừng, núi), thì trên biển chỉ có duy nhất nước che chắn cho họ. Trên mặt nước mọi thứ đều là lộ thiên. Hà Nội cần chuẩn bị đủ thực lực để bảo vệ hoạt động của mình và đẩy lui sự xâm phạm của nước ngoài.

Việt Nam cần phát triển các công nghệ cao như vật thể lặn/bay không người lái, công nghệ tàng hình, công nghệ phá sóng. Cuộc chạy đua công nghệ chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD) là không thể tránh khỏi.

Cùng với thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, Việt Nam cần huy động được sự ủng hộ của các cường quốc ở khu vực và thế giới để đối phó với sức ép của nước lớn, tạo nên mặt trận quốc tế chống lại "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.

Bên cạnh các hội nghị ASEAN còn có Cấp cao Đông Á, Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), gồm các nước ASEAN và 8 đối tác, Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ), nơi các nước lớn có tiếng nói quan trọng. Việt Nam cũng nên tận dụng các diễn đàn này để giúp đẩy thảo luận đa phương về vấn đề Biển Đông.

Thái độ với vấn đề Biển Đông: Tính khả năng kiện TQ?
Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết trước hành vi xâm phạm của Trung Quốc
Cảnh sát trắng đêm dẫn độ hơn 380 nghi phạm từ ‘sào huyệt’ cờ bạc ở Hải Phòng trao trả cho Trung Quốc

Ngày đăng: 14:41 | 01/08/2019

/ vnexpress.net