Việt Nam sắp đón chuyên gia Mỹ tới để nghiên cứu vắc-xin chống dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, nghiên cứu vắc-xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Sắp tới, Việt Nam sẽ hợp tác với Mỹ và Hà Lan để cùng phối hợp nghiên cứu sản xuất loại vắc-xin này. Được biết, phía Mỹ đã có thông báo về kết quả sản xuất vắc xin này rất khả quan.Thông tin này được Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị “Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi” ngày 26/12.
“Vào tháng 1/2020 tới, Mỹ sẽ cử những chuyên gia liên quan tới nông nghiệp sang phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong thời gian không xa, cùng với những giải pháp an toàn sinh học, chúng ta đang tạo điều kiện để hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cũng theo ông Cường, hiện nay, Bộ NN&PTNT không chỉ phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường đại học của Nhà nước mà còn mở rộng phối hợp với các tập đoàn lớn cùng tham gia vào công tác nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vắc xin, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện đã nghiên cứu vắc-xin vô hoạt thế hệ mới trên lợn, bước đầu đã thành công trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.
Đặc biệt, trong khi thử độc lực virus trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng virus dịch tả lợn châu Phi có độc lực cao, từ đó xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bổ của virus trong các cơ quan nội tạng lợn.
Vắc-xin thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vắc-xin thì đều chết do tả.
Đánh giá về độ an toàn của vắc-xin, bà Lan cho biết, vắc-xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).
"Trong khi đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300 - 500 liều vắc xin để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp" - GS.TS. Nguyễn Thị Lan cho biết.
Trước đó, trang web liên quan lĩnh vực sinh học là biorxiv.org, một số nhà khoa học Mỹ công bố họ vừa tìm ra loại vắc-xin có thể giúp miễn dịch vô trùng chống lại sốt heo châu Phi.
Nghiên cứu này được thực hiện tại Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp Mỹ. Vắc-xin được đặt tên ASFV-G-ΔI177L. Nghiên cứu này nếu được hội đồng chuyên gia đánh giá công nhận, có thể được thương mại hóa.
Hiện vẫn không có vắc-xin phục vụ thương mại nhằm chống lại bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cúc Phương
Nông dân châu Á điêu đứng vì dịch tả lợn
Alland San Juan phải thuê máy xúc đào hố chôn 250 con lợn khi trang trại của gia đình anh ở Philippines bị dịch tả ... |
Dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc nghiêm trọng hơn rất nhiều
Giám đốc tài chính công ty Archer Daniels Midland, ông Ray Young cho biết dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm một nửa tổng ... |
Thiệt hại 8,5% do dịch tả lợn châu Phi, Tết này có thiếu thịt lợn?
Các địa phương đã chủ động lên phương án cho hàng hóa phục vụ Tết, riêng Hà Nội đã lên kế hoạch dữ trự 31.200 ... |
Ngày đăng: 10:01 | 27/12/2019
/ baodatviet.vn