Nhiều nước trên thế giới bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, nhưng điều đó chưa đủ.

"Các nước châu Âu và Ấn Độ cho thấy họ đang quan ngại về tình hình Biển Đông. Phạm vi lo ngại trên thế giới về diễn biến ở đây đang mở rộng", Jeffrey Ordaniel, chuyên gia của Diễn đàn Thái Bình Dương, nghiên cứu về an ninh, kinh tế khu vực tại Hawaii, Mỹ, nói với VnExpress.

Ordaniel nhắc đến việc Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung hôm 29/8, nhấn mạnh cần thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hoạt động ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông. Tuyên bố cũng nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông dựa theo UNCLOS năm 2016. Cùng ngày Ấn Độ phản đối đe dọa hoặc dùng vũ lực ở khu vực. Trước đó, Mỹ, Nhật, Australia cũng bày tỏ quan ngại đối với tình hình Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, Ordaniel cho rằng các nước vẫn tỏ ra thận trọng, không nêu đích danh Trung Quốc do cân nhắc tới mối quan hệ với Bắc Kinh.

"Ba nước châu Âu và Ấn Độ đều kêu gọi tất cả các bên tuân theo luật quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", Ordaniel nói.

Theo Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), các tuyên bố của ba nước châu Âu và Ấn Độ mang tính "nhắc nhở chung chung với tất cả các bên" về các nguyên tắc. 

"Tuyên bố của các nước khiến Bắc Kinh cảm thấy phiền toái nhưng sẽ khó thay đổi cách hành xử", Collin nhận xét. Ông lý giải Trung Quốc dường như quan tâm đến dư luận trong nước nhiều hơn là quốc tế.

Carl Schuster, nhà nghiên cứu tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, Mỹ cũng lưu ý các tuyên bố của Anh, Pháp, Đức thể hiện sự quan ngại về căng thẳng, nhưng không nhắc đến hành động phi pháp nào của Trung Quốc. 

Nó cho thấy các nước đã "cân nhắc kỹ", Mark Hoskin, chuyên gia tại Đại học London, Anh, nhận định.

Ông ủng hộ đoạn cuối của Tuyên bố của ba nước châu Âu, khi hoan nghênh đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm hướng tới văn bản dựa trên luật lệ, hiệu quả và tuân theo UNCLOS. Hoskin đánh giá COC là cơ chế tốt, giúp đưa ra một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp ở Biển Đông.

COC là tài liệu mà Trung Quốc và ASEAN thảo luận từ năm 2002 khi căng thẳng trong tranh chấp ở Biển Đông gia tăng. Dự thảo văn bản đơn nhất COC được đưa ra từ tháng 8 năm ngoái. Hôm 2/8, một quan chức Thái Lan cho biết bản dự thảo COC thứ hai sẽ được thảo luận trong tháng 10/2019. Dự kiến ASEAN và Trung Quốc sẽ đi sâu vào các chi tiết cụ thể của văn kiện. 

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Đánh giá về việc các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam gần hai tháng qua, Ordaniel cho rằng đây là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo nên thực tế mới ở Biển Đông, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp. Các tàu của Trung Quốc vi phạm Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa nước này và ASEAN, vi phạm Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). 

"Đáng tiếc là Trung Quốc không thể hiện bất cứ thiện chí nào về việc điều chỉnh quan điểm của mình", Ordaniel nói.

Chuyên gia CSIS nhấn mạnh việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 và tàu hộ tống đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thể hiện sự thiếu thiện chí của Bắc Kinh trong việc theo đuổi một bộ Quy tắc ứng xử có ý nghĩa. Hành động của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam cho thấy Hà Nội và các bên cùng có tranh chấp có thêm lý do để bảo đảm COC nên xác định rõ phạm vi các hoạt động và khu vực địa lý liên quan đến cách hành xử ở Biển Đông. COC càng bớt mơ hồ càng tốt. 

"Tuy nhiên, với một COC rõ ràng như thế, có lẽ các nước không nên trông đợi nó sẽ sớm trở thành hiện thực". Ordaniel nói.

Robert McCoy, người từng làm việc trong Không lực Mỹ và theo dõi sát tình hình ở châu Á, khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 là một căn cứ pháp lý khác để xác định quyền của các nước ở Biển Đông. Theo đó, Tòa bác bỏ yêu sách muốn chiếm gần trọn Biển Đông của Bắc Kinh. McCoy cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục "làm điều mình muốn ở Biển Đông", bất chấp đó là vùng đặc quyền kinh tế hay vùng biển của Việt Nam. 

"Rõ ràng là Trung Quốc không có ý định tuân theo phán quyết năm 2016", McCoy nói.

Giáo sư Robert Ross, Đại học Harvard, Mỹ, dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực với các nước ven Biển Đông do năng lực trên biển của Bắc Kinh đang gia tăng. "Chưa rõ diễn biến sắp tới thế nào nhưng ít khả năng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp", Ross nói.

Collin cảnh báo nếu không có biện pháp khiến Trung Quốc rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tin rằng sự ép buộc của mình là có tác dụng.

"Khi đó, Trung Quốc sẽ áp dụng các hành động như vậy đối với các bên cùng có tranh chấp còn lại, nhằm khiến họ chấp thuận tham vọng của Bắc Kinh", Collin nói.

Schuster nhận định nếu Việt Nam thoái lui, Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm lợi ích của Việt Nam. Hà Nội cũng không phải "nạn nhân" duy nhất, các nước khác cùng có tranh chấp với Bắc Kinh sẽ gặp phải tình huống này. 

Chuyên gia Ordaniel gợi ý cách tốt nhất để các nước liên quan trong khu vực có thể làm là ngăn chặn Trung Quốc có hành động quá mức. 

"Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam trước hoạt động của Trung Quốc ở Nam Biển Đông cho thấy Hà Nội quyết tâm với định hướng đó", Ordaniel nói.

 

Gặp Chủ tịch Tập, Tổng thống Duterte "đòi" trừng phạt tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines
Áp thấp nhiệt đới tiến gần Biển Đông, khả năng mạnh lên thành bão
Dư luận Philippines đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết Biển Đông
Philippines: Phán quyết Biển Đông là “ràng buộc, không thể kháng cáo”
Ông Tập Cận Bình bác bỏ phán quyết Biển Đông, Tổng thống Duterte phản ứng thế nào?

Ngày đăng: 17:22 | 31/08/2019

/ vnexpress.net