Tiến sĩ của Đại học Purdue cho hay cần xử lý nhanh chóng sự cố ô nhiễm nước vì các hoá chất có thể bốc hơi, làm ô nhiễm không khí.

"Dầu chứa hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn hoá chất", Tiến sĩ Andrew Whelton, chuyên gia về môi trường, sinh thái và xây dựng dân dụng, Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ, nói với VnExpress về việc nước bị nhiễm dầu thải.

Ông cho biết các hoá chất trong dầu được phân loại thành hoá chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hoá chất hữu cơ bán bay hơi (semi-volatile organic chemicals- SVOC) và hoá chất nặng.

"Tôi lo ngại nhất là về các chất styrene, benzene và các VOC, SVOC khác. Chúng không chỉ cực độc mà còn có thể ngấm vào nhựa, cần rất nhiều thời gian để loại bỏ. Trong thời gian đó, chúng khiến nước trở nên không an toàn", Whelton nói.

Hôm 15/10, gần một tuần sau khi xuất hiện tình trạng nước sạch của Nhà máy nước sạch sông Đà, có mùi lạ, chính quyền Hà Nội cho biết kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ liên quan đến chất Styren, có tỷ lệ cao gấp 3,6 lần so với mức quy chuẩn. Thành phố khuyến cáo người dân "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống". Trước đó, người dân phát hiện có hành vi đổ trộm dầu thải xuống hồ Đầm Bài - hồ chứa nước cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà. Công an đang tạm giam ba nghi phạm để xác định nguyên nhân.

chuyen gia my noi ve cach xu ly nuoc nhiem dau thai
Dòng nước bị nhiễm bẩn chảy vào trạm bơm của Nhà máy nước sạch Sông Đà. Ảnh: Bá Đô.

Nói về mức độc hại của styrene, Tiến sĩ Whelton cho hay Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) có tiêu chuẩn liên quan đến sức khoẻ là 0,1 mg/L hay 100 ppb. Tuy nhiên tiêu chuẩn này chỉ dành để đo độ nhiễm trong thời gian dài, không dành để đo độ nhiễm trong thời gian ngắn.

Một cách ngắn gọn, một đứa trẻ nặng 10kg cần tránh ăn/uống phải lượng nước chứa styrene ở mức 20mg/L trong một ngày, tránh ăn/uống nước có chứa styrene ở mức 2 mg/L trong thời gian 10 ngày.

Ngoài ra, người sử dụng còn có thể bị nhiễm các hoá chất khác ở mức độ lớn hơn, qua đường thở, khi họ hít phải hoá chất trong lúc tắm rửa. Nguyên nhân là các hoá chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) dễ chuyển từ nước sang không khí. Đó là chưa kể các hoá chất khác có trong nước bị nhiễm dầu thải.

Để xử lý nước bị nhiễm dầu thải, Whelton cho biết để loại bỏ VOC và SVOC, cần sử dụng than hoạt tính, hay còn gọi là phương pháp tách khí. Theo đó, than hoạt tính được gọi là chất hấp thụ, giống như bọt biển, giúp hút các chất ô nhiễm trong dầu.

Các nhà máy lọc nước có thể áp dụng phương pháp này trong hoạt động của mình. Chúng là bộ lọc than hoạt tính dạng hạt hoặc than hoạt tính dạng bột (khi đổ bột này vào nước, chúng hút các hoá chất rồi lắng xuống đáy bể chứa rồi được loại đi).

Quy trình tách khí liên quan đến việc làm sủi bọt không khí trong nước, cho phép VOC rời khỏi nước và đi vào không khí. Trên thực tế, khi xảy ra sự cố tràn dầu ở bang Montana, Mỹ, năm 2015, nhà chức trách đã xây một tháp tách khí để loại hoá chất khỏi sông Yellowstone, trước khi nước được đưa vào nhà máy lọc.

Với các đường ống dẫn nước, Tiến sĩ Whelton lưu ý các đường ống bằng kim loại và nhựa đều có thể bị nhiễm chất độc hại từ dầu như benzene (một dạng của VOC) và các SVOC khác. Với các ống kim loại, hoá chất thấm vào bề mặt. Với ống nhựa, hoá chất có thể ngấm vào nhựa (như ngấm vào bọt biển). Vì thế việc loại hoá chất khỏi nhựa mất nhiều thời gian hơn là với kim loại.

"Trong cả ống dẫn bằng kim loại và ống nhựa, các VOC và SVOC đều có thể ngấm trở lại nước và khiến nước trở nên không an toàn", ông nói.

Thông thường các ống nhựa dẫn nước (phổ biến là HDPE hay PEX) khi bị ô nhiễm thì cần được thay thế, tuỳ thuộc vào mức độ ô nhiễm. Tại California, các ống nhựa HDPE cần được tẩy rửa từ 30 đến 180 ngày liên tục (24h trong 7 ngày và 7 ngày trong tuần). Ông Whelton cho rằng không nên bơm xà phòng và một số chất hoạt động bề mặt (surfactants) vào hệ thống tẩy rửa đường ống vì chúng có thể làm hỏng các ống nhựa. Việc này có thể dẫn tới rò rỉ và hỏng đường ống về lâu dài.

Tiến sĩ Whelton nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xử lý ở hệ thống cấp nước của các toà nhà.Trong khi đó, thông thường mọi người chỉ dồn nỗ lực vào xử lý chất ô nhiễm ở nhà máy cấp nước và hệ thống phân phối chung.

Để kiểm tra độ an toàn của nước, Whelton cho biết có hai vấn đề. Thứ nhất là cần phải thực hiện các xét nghiệm hoá học vì có nhiều hoá chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhưng không có mùi.

"Nước không có mùi không có nghĩa là an toàn", ông nói.

Vấn đề thứ hai, sau khi tẩy rửa đường ống dẫn, cần trữ nước sạch trong đường ống trong khoảng thời gian nhất định, rồi mới kiểm tra để xác định còn hoá chất hay không. Nếu nước không có đủ thời gian trong ống thì thiết bị có thể bị nhiễm hoá chất mà không được phát hiện.

Nhắc đến các quy định cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, ông Whelton cho hay tại Mỹ nước đi ra khỏi nhà máy lọc không được có các hoá chất vượt quá tiêu chuẩn, gọi là các mức gây ô nhiễm tối đa (MCL).

"Nếu nước đi vào hệ thống phân phối có các hoá chất ở trên các MCL, thì các nhà máy cấp nước đã vi phạm Đạo luật nước uống an toàn, là một luật liên bang", Whelton nói.

Luật này do Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ban hành, được Quốc hội Mỹ thông qua và áp dụng cho tất cả các bang và lãnh thổ thuộc Mỹ.

Khi xảy ra sự cố, nhà nước phải chịu trách nhiệm chính về xử lý và nguồn cung nước khẩn cấp cho người dân. Nhà nước cần giám sát để đảm bảo nhà máy cấp nước không để nước ô nhiễm đi ra khỏi cơ sở lọc nước của họ. Nếu nước ô nhiễm đi ra khỏi nhà máy lọc và đi vào hệ thống phân phối, nhà nước yêu cầu nhà máy cấp nước cảnh báo công chúng, bằng cách ra thông báo "không sử dụng, không uống nước".

Đưa ra các khuyến cáo, Whelton cho rằng nhà chức trách Việt Nam cần xác định "có những gì trong nước bị ô nhiễm" (bao gồm tất cả các loại hoá chất trong dầu), xác định phạm vi ô nhiễm và phương pháp xử lý để cung cấp nước sạch cho người dân. Các cơ quan chức năng cần thực hiện việc kiểm tra (testing) ở đúng nơi bị ô nhiễm và làm thường xuyên, vì kiểm tra là điều cốt yếu trong xử lý ô nhiễm nước.

Whelton lấy ví dụ, khi nước bị ô nhiễm hoá chất ở bang West Virginia năm 2014, nhà chức trách ra thông báo "ngưng sử dụng nước" cho khoảng 300.000 người trong 9 ngày. Hàng nghìn mẫu nước được thu thập để cơ sở cấp nước và hệ thống phân phối phân tích. Ông cho biết càng làm nhanh những việc này thì tác động đến sức khoẻ người dân càng giảm.

Chuyên gia người Mỹ cho biết ông tình nguyện hỗ trợ các cơ quan chức năng Việt Nam và những người bị ảnh hưởng xử lý vấn đề. Ông cho hay cần làm rõ nhà máy cấp nước có sử dụng phương pháp than hoạt tính để lọc nước hay không, thời điểm phát hiện nước ở các toà nhà bị ô nhiễm, những ai được kiểm tra sức khoẻ, đường ống dẫn nước dài bao nhiêu km.

"Chúng tôi có một nhóm có thể hỗ trợ Việt Nam ứng phó với sự cố quy mô lớn như thế này", Whelton nói.

chuyen gia my noi ve cach xu ly nuoc nhiem dau thai Lý Đình Vũ khai được 1 phụ nữ thuê xả dầu thải xuống nguồn nước sông Đà

Lý Đình Vũ (SN 1982, trú Thuận Thành, Bắc Ninh) khai được người của 1 doanh nghiệp thuê đổ chất thải vào nguồn nước sông ...

chuyen gia my noi ve cach xu ly nuoc nhiem dau thai Infographic: Nhà máy Nước sạch sông Đà xử lý nước thế nào?

Xử lý từ nguồn nước mặt, Nhà máy Nước sạch sông Đà cung cấp khoảng 320.000 m3 mỗi ngày đêm cho khoảng 250.000 hộ dân ...

chuyen gia my noi ve cach xu ly nuoc nhiem dau thai Ai thực sự đứng sau vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà?

Mục đích việc đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà là gì, cần điều tra làm rõ, đúng người đúng tội. Quan trọng nhất ...

Ngày đăng: 14:04 | 21/10/2019

/ vnexpress.net