Gíám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Mai Văn Khiêm nhận định nguyên nhân của đợt mưa đá diện rộng đêm qua giống với bản chất đợt mưa đá giao thừa Tết Canh Tý 2020.
Mưa đá diện rộng khu vực phía Bắc
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Yên Bái cho biết đang phối hợp lực lượng chức năng của Thành phố Yên Bái khẩn trương khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại do mưa đá kèm dông lốc xảy ra tối qua 2/3.
Trước đó, khoảng 19h ngày 2/3, trên địa bàn Thành phố Yên Bái xuất hiện mưa đá kèm dông lốc dữ dội, kéo dài chừng 30 phút.
Những khu vực ảnh hưởng bởi mưa đá nhiều nhất ở Yên Bái là dọc đường Hoàng Văn Thụ, đường Yên Ninh, đường Điện Biên, đường Quang Trung. Ngoài ra dông lốc khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái hoặc hư hỏng. |
Cơn mưa chỉ kéo dài chưa đến 1 tiếng nhưng nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ khiến hệ thống điện trên địa bàn thành phố bị cắt hoàn toàn và ngập úng cục bộ gây khó khăn cho người qua lại.
Mưa đá trắng như tuyết ở Lai Châu chiều nay. Ảnh: Hiền Phạm. |
Đến chiều nay, trận mưa đá kéo dài 40 phút tại xã Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khiến cho mọi con đường, sườn đồi ở đây bị phủ trắng, người dân thiệt hại nặng nề.
Nguyên nhân mưa đá
Trao đổi về hiện tượng thời tiết nguy hiểm này, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, trong đêm qua 2/3 và ngày hôm nay 3/2, không chỉ Yên Bái mà một loạt các tỉnh vùng núi phía bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đều xuất hiện hiện tượng mưa đá.
Đến trưa nay (3/3), ở khu vực Lai Châu cũng xảy ra mưa đá, như vậy hiện tượng mưa đá này xảy ra trên diện rộng.
Theo ông Khiêm, nếu xét về bản chất thì đợt mưa đá này có hình thế tương đối giống với đợt mưa đá đã xảy ra trong các ngày từ 24 - 25.1 tức ngày 30 và ngày 1 Tết Âm lịch Canh Tý vừa qua.
Nguyên nhân của 2 đợt mưa đá diện rộng này đều do sự tác động của phần phía trước của không khí lạnh đang dịch chuyển về phía nước ta, nó tranh chấp với khối không khí nóng ẩm đang tồn tại ở Bắc Bộ. Điều này chúng ta đều thấy cả đợt mưa đá Tết Âm lịch và đợt mưa đá này thì trước đó miền Bắc đều có những ngày nắng ấm.
"Sự tranh chấp của khối không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc xuống, khối khí ấm ẩm đang tồn tại sẵn ở Bắc Bộ tạo ra mây đối lưu, ngoài ra nó còn kết hợp thêm với đới gió Nam đến Đông Nam ở độ cao trên 1.500m và trên độ cao 5.000m còn có một yếu tố kích động tạo ra dòng thăng mạnh.
Sự xuất hiện cùng lúc của không khí lạnh tranh chấp khí nóng tầng thấp, hội tụ gió mực 1.500m và yếu tố kích thích đối lưu ở độ cao 5.000m đã khiến mây đối lưu ở miền Bắc phát triển mạnh và hệ quả là mưa đá xuất hiện diện rộng ở Bắc Bộ trong đêm qua và ngày hôm nay" - ông Khiêm lý giải.
Đánh giá về những hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong những ngày tới, ông Khiêm cho hay: "Theo dự báo của chúng tôi, trong đêm nay và ngày mai, khối không khí lạnh từ lục địa Trung Quốc tiếp tục dồn mạnh xuống, vì thế ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đêm nay và ngày mai sẽ có mưa vừa đến mưa to và dông mạnh, hầu như tất cả các tỉnh Bắc Bộ, khu vực Bắc miền Trung thậm chí là cả Quảng Bình, Quảng Trị, vùng phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế đều có khả năng xảy ra lốc xoáy, mưa đá".
Theo nhận định của ông Khiêm, dự báo đến hết đêm mai, sáng ngày 5/3, khi khối không khí lạnh yếu bớt, hội tụ gió trên mực 1.500m mà chúng tôi đề cập yếu đi, yếu tố kích động dòng thăng mạnh trên mực 5.000m không còn, lúc đó mưa ở Bắc Bộ sẽ giảm và khả năng xảy ra lốc xoáy, mưa đá và gió giật ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung sẽ không còn. Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày mai (4/3) đến hết ngày 5.3, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời sẽ chuyển rét.
Mưa đá bất ngờ trút xuống trong đêm, người dân Lào Cai không kịp trở tay, toàn TP. Yên Bái mất điện
Tối 2/3, tại 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái bất ngờ xuất hiện mưa đá trên diện rộng, kèm theo đó là giông lốc, xoáy ... |
Thảo Anh
Ngày đăng: 18:29 | 03/03/2020
/ laodong.vn