Chuyên gia cho rằng, kiến nghị lực lượng Bộ Công an, Quốc phòng hỗ trợ đăng kiểm là việc làm cấp thiết, giúp giảm áp lực cho ngành đăng kiểm vào thời điểm hiện tại.

Huy động lực công an và quân đội hỗ trợ đăng kiểm

Sáng 10/3, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Trong đó, kiến nghị đáng chú ý nhất là cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm.

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu rõ, đề xuất này là theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp nghe cáo cáo về công tác đăng kiểm phương tiện giao thông và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tình hình hiện nay, vào chiều 8/3.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của 2 bộ tham gia hỗ trợ.

"Theo tôi đây là việc làm đúng đắn và cấp thiết. Trong thời điểm ngành đăng kiểm đang căng thẳng thì bất cứ nguồn lực nào có thể chung tay vào giải quyết thì rất tốt", ông Thanh nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều có các cơ quan đăng kiểm riêng nhưng chỉ đăng kiểm những phương tiện cơ giới đường bộ thuộc quản lý, sử dụng của bộ chứ không đăng kiểm cho xe dân sự.

Ông Thanh lưu ý, chỉ nên điều động nhân lực công an và quân đội hỗ trợ hoạt động đăng kiểm chứ không sử dụng cơ sở vật chất, địa điểm đăng kiểm của 2 bộ ngành này.

"Những trung tâm của công an, quân đội nằm rất xa các trung tâm thành phố, rất bất tiện cho việc di chuyển của người dân. Bên cạnh đó là vấn đề bí mật quốc gia, những trạm đăng kiểm đặc thù này cần được bảo vệ, không thể để cho xe dân sự tự do di chuyển vào khu vực quản lý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được", ông Thanh nêu ý kiến.

Chuyên gia: Huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ đăng kiểm là cấp thiết - 1

Một số đăng kiêm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-01V bị khởi tố đang tại ngoại được trở lại làm việc để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. (Ảnh: Đắc Huy).

Đối với Bộ Công an, ông Thanh cho rằng, bộ này nên có ý kiến với công an các địa phương rà soát lại. Theo đó, trường hợp không ảnh hưởng đến công tác điều tra, cho phép các trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng hoạt động được tạm thời hoạt động trở lại.

"Máy móc, thiết bị điều tra, khám nghiệm xong rồi thì nên trả lại cho trung tâm làm việc, không thể cứ coi là tang vật rồi niêm phong mãi như thế được. Còn nhân lực vận hành thì là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng Bộ Nội vụ điều chỉnh", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực này đang đạt nhiều thành công, nhưng cũng kéo theo lo ngại về việc hệ thống dịch vụ đăng kiểm sẽ đứt gãy, sụp đổ.

"Ta đánh án đã rất thành công rồi nhưng cuối cùng lại để nền kinh tế đình trệ, tạo bức xúc dư luận xã hội thì không nên", ông Thanh cho hay.

Liên quan đến đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời và nêu rõ nếu đã được xác định là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên theo đúng quy định tại nghị định 60/2021 (quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) thì việc ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 điều 9 nghị định 60 và các quy định khác có liên quan tại nghị định 111/2022 (quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập).

Ông Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận, đây là giải pháp tất yếu nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng hiện nay.

"Được biết, sau khi có sự đồng ý này, Cục Đăng kiểm bắt đầu tuyển 142 nhân sự để bổ sung lực lượng và khôi phục hoạt động tại Hà Nội từ ngày 10/3", ông Thanh nói.

Đề xuất giao cho các đại lý 3S, 4S thực hiện việc kiểm định

Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/2, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang nghiên cứu, xây dựng phương án để cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới.

Bình luận về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng, với những cơ sở bảo dưỡng có đủ điều kiện như đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thợ tay nghề cao, có kinh nghiệm thì có thể làm được công tác kiểm định ô tô với những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.

Tuy nhiên, ông Liên lưu ý các cơ quan quản lý cần phải xây dựng cơ chế giám sát, với tiêu chuẩn, nội quy rõ ràng, đặc biệt có chế tài xử lý nghiêm nếu xảy ra sai phạm.

"Nếu không có cơ chế xử lý nghiêm khắc những sai phạm thì lại xảy ra tình trạng như vừa qua, gây ra nhiều hậu quả", Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.

Cũng ủng hộ phương án này, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng sẽ có người dân đặt nghi vấn những trung tâm bảo dưỡng liệu có lợi dụng việc để vẽ ra đủ các lỗi và bắt khách hàng thay thế các phụ tùng chính hãng hoặc các bộ phận chưa đến hạn thay thế, nhằm "moi tiền" khách hàng rồi mới thực hiện đăng kiểm.

"Tôi tin rằng những hãng xe lớn, có uy tín không dại gì làm chiêu trò này để tự hạ uy tín của mình. Thời buổi công nghệ số, chỉ cần một bài “bóc phốt” hay đánh giá 1 sao trên mạng xã hội là có thể hủy hoại cả một thương hiệu rồi", ông Thanh nói.

Bên cạnh đó, điều 4 Nghị định 139/2018 quy định, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.

Vậy nên, theo ông Thanh, nếu cho phép các cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S tham gia đăng kiểm thì phải sửa đổi nghị định này.

Chuyên gia: Huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ đăng kiểm là cấp thiết - 3

(Số liệu: Cục Đăng kiểm Việt Nam).

Miễn kiểm định cho xe mới khoảng 2 năm đầu

Bên cạnh những giải pháp tình thế trước mắt để gỡ khó, các chuyên gia cho rằng cũng cần sớm thực hiện giải pháp chiến lược nhằm vực dậy hệ thống đăng kiểm.

Ông Bùi Danh Liên nêu rõ, đây là cơ hội để Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm sớm áp dụng quy định miễn kiểm định với ô tô mới.

"Chiếc xe ô tô mới khi xuất xưởng được hãng xe đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng nhưng vẫn bắt buộc phải mang đi kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được tham gia giao thông là quy định rất vô lý", ông Liên nói.

Dẫn ví dụ hầu hết các nước trên thế giới xe mới xuất xưởng được miễn đăng kiểm lần đầu, cụ thể nước Anh là 3 năm, Hàn Quốc là 4 năm, Nhật Bản cũng kiểm định lần đầu đối với xe mới sau 3 năm và sau đó là 2 năm/lần…, ông Liên nêu rõ việc miễn kiểm định lần đầu đều dựa trên cơ sở khoa học.

"Những xe mới xuất xưởng thường được hãng bảo hành 30.000 - 50.000 km nên sẽ được các nước miễn kiểm định 3 - 4, thậm chí là 5 năm. Việt Nam cũng nên áp dụng điều này với ít nhất là 2 năm", ông Liên kiến nghị.

Chuyên gia: Huy động lực lượng công an, quân đội hỗ trợ đăng kiểm là cấp thiết - 4

Để vào được khu vực đăng kiểm, nhiều tài xế phải đến từ tối hôm trước để xếp hàng, thậm chí chờ nhiều ngày mới có số đăng kiểm. (Ảnh: Đắc Huy). 

Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo - nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, góp ý, Cục Đăng kiểm cần xây dựng hệ thống đăng ký lịch hẹn kiểm định từ xa, trực tuyến để giảm bớt ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.

"Thay vì hết hạn mới đi đăng kiểm thì đăng ký qua mạng, Cục Đăng kiểm sẽ nhận đăng ký, phân bổ số lượng và khoảng cách phù hợp. Ví dụ như các trạm tại Hà Nội quá tải nhưng ở Vĩnh Phúc “dễ thở” thì thông báo cho chủ phương tiện lên Vĩnh Phúc", ông Tạo nêu rõ.

Cùng với đó, theo nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cần tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 3/3, công an 28 tỉnh, thành phố đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can về 7 tội danh: môi giới hối lộ; đưa hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng các công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

Theo Người phát ngôn Bộ Công an, số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở con số gần 400 người như hiện nay vì các tỉnh vẫn đang tiếp tục điều tra.

 https://vtc.vn/chuyen-gia-huy-dong-luc-luong-cong-an-quan-doi-ho-tro-dang-kiem-la-cap-thiet-ar746888.html

Ngày đăng: 08:57 | 11/03/2023

Anh Văn / VTC News