Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu buông lỏng quản lý sẽ có những lớp tiến sĩ kém chất lượng, tình trạng nhân bản tiến sĩ diễn ra ngày càng mạnh.

- Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu phát triển cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đang bị dư luận đánh giá là chưa xứng tầm, hàm lượng khoa học thấp. Ông có nghĩ như vậy?

Phải thừa nhận ngay ở tên đề tài, hàm lượng khoa học và mức độ đóng góp chưa cao. Không chỉ luận án về phát triển cầu lông mà còn về nhiều bộ môn khác như yoga, bóng đá, bóng rổ… Đây là tình trạng báo động, lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý.

Nếu buông lỏng quản lý sẽ có những lớp tiến sĩ kém chất lượng, tình trạng nhân bản tiến sĩ sẽ diễn ra ngày càng mạnh mà không có điểm dừng.

Vì vậy, theo tôi muốn đánh giá chất lượng luận án thì công bố quốc tế là kênh phản biện không thể thiếu của cộng đồng khoa học quốc tế.

- Nghĩa là việc nghiên cứu sinh không có công bố quốc tế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều luận án tiến sĩ hiện nay không đạt chất lượng?

Một số nước trên thế giới không quá coi trọng việc công bố quốc tế nhưng đó chỉ là số ít. Còn lại, tuyệt đại đa số các nước vẫn đưa ra yêu cầu cần có công bố quốc tế, trên tạp chí học thuật uy tín. Ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ.

Từng nhiều năm làm việc với các nhóm nghiên cứu trên thế giới, tôi nhận thấy, những quốc gia nào yêu cầu chặt chẽ về công bố quốc tế thì 100% tiến sĩ rất tốt, làm việc thực sự nghiêm túc. Còn với quốc gia không yêu cầu công bố quốc tế, chất lượng tiến sĩ không đồng đều, người rất tốt, người chưa thực sự đạt chuẩn. Vì thế, chuẩn đầu ra với tiến sĩ là yêu cầu sống còn của người làm khoa học.

Chuyên gia: Hạ chuẩn công bố quốc tế, tình trạng tiến sĩ dởm sẽ tái diễn - 1
 Từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08 năm 2017 về quy chế đào tạo tiến sĩ thắt chặt quy định chuẩn đầu ra phải có 2 bài báo hoặc công bố quốc tế trên tạp chí uy tín, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng mạnh, thứ hạng giáo dục đại học cũng tăng theo.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến nay, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới, trong đó bỏ quy định này khiến chúng ta khó kiểm soát đào tạo và chất lượng đầu ra.

Nhiều người nói quy định bắt buộc công bố quốc tế là cao do đó nên hạ chuẩn, nhưng tôi không nghĩ vậy, thậm chí một số ngành học hiện nay cần nâng yêu cầu công bố quốc tế hơn nữa để có chất lượng tốt hơn.

Nếu không thắt chặt công bố quốc tế thì sẽ tồn tại những lớp tiến sĩ kém chất lượng. Hệ quả trong tương lai, tiến sĩ không chất lượng sẽ không có đội ngũ phó giáo sư, giáo sư chất lượng. Nền khoa học - giáo dục của Việt Nam khi ấy sẽ xuống dốc nghiêm trọng bởi những lớp người yếu kém không biết đến công bố quốc tế là gì.

- Ông có thể nói rõ số lượng và chất lượng tiến sĩ thay đổi thế nào trước và sau khi Bộ GD&ĐT bỏ quy định công bố quốc tế với nghiên cứu sinh?

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ 2017, nhiều ngành/chuyên ngành học không tuyển được thí sinh. Điển hình năm 2020 - 2021, chỉ tiêu tuyển nghiên cứu sinh toàn quốc là 12.000, nhưng chỉ 2.400 người trúng tuyển (chiếm khoảng 20% tổng chỉ tiêu). Tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng khi chúng ta thắt chặt chuẩn đầu vào, đầu ra.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng không ngoại lệ, trước khi có quy chế 2017, trường tuyển khoảng 350 nghiên cứu sinh/năm học, nhưng khi quy chế thắt chặt, số lượng tuyển hàng năm giảm xuống còn 200 người. Đại học Khoa học Tự nhiên trước đây tuyển vài trăm nhưng giờ chỉ còn 60 - 70 nghiên cứu sinh. Đại học Công nghệ trước đây khoảng 100 thì nay chỉ còn 20 nghiên cứu sinh.

Số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển cả nước giảm mạnh nhưng chất lượng, năng lực nghiên cứu được nâng lên.

Từ đầu năm 2021 đến nay - sau khi Bộ GD&ĐT hạ chuẩn, số lượng nghiên cứu sinh trúng tuyển chắc chắn tăng lên vì bỏ quy định công bố quốc tế với đầu vào. Khi quy chế mới ra đời, cộng đồng khoa học chia làm 2 thái cực. Bên buồn vì chất lượng chuẩn quốc tế dần xa vời, bên còn lại hồ hởi vì việc đào tạo tiến sĩ dễ dàng hơn.

- Thời gian qua, việc học tiến sĩ và mở ngành đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học trở thành "mốt". Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chạy đua học tiến sĩ?

Thứ nhất, nhiều ngành, nhiều trường đang thiếu giảng viên tiến sĩ do nâng chuẩn trình độ hoặc mở ngành mới. Do đó, số lượng người đi học tiến sĩ tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu của trường, ngành học.

Thứ hai, một bộ phận không nhỏ nhà quản lý vẫn có tâm lý trọng bằng cấp, trong đánh giá sử dụng nhân viên vẫn coi trọng bằng cấp nhiều hơn là kinh nghiệm, kỹ năng, đặc biệt là các cơ quan công lập.

Nếu chúng ta trọng dụng đúng nhân tài thì người học bằng cấp dởm sẽ bị tẩy chay và dần loại bỏ tiêu cực bằng thật, học giả, chạy theo hư danh. Từ đó không làm ảnh hưởng đến danh tiếng tầng lớp tri thức, những người làm nghiên cứu khoa học thực sự.

- Vậy để đào tạo tiến sĩ đạt chất lượng chuẩn cần những yếu tố nào, thưa ông?

5 yếu tố cần lưu ý trong đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay. Thứ nhất, chất lượng đầu vào. Trước khi Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017, dư luận xã hội từng sốc trước thông tin Học viện Hàn lâm Khoa học xã hội trung bình một ngày đạo tạo 3 - 4 tiến sĩ. Hay từ năm 2009 - 2016 chuẩn đầu vào đối với nghiên cứu sinh chỉ yêu cầu có bài luận - yêu cầu rất dễ dàng, hệ quả là nhiều tiến sĩ giấy ra đời.

Chuyên gia: Hạ chuẩn công bố quốc tế, tình trạng tiến sĩ dởm sẽ tái diễn - 2
 

Khi ấy, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế để thắt chặt tuyển sinh đầu vào tiến sĩ. Quy chế yêu cầu chuẩn đầu vào tiến sĩ phải có trình độ ngoại ngữ 5.0 IELTS trở lên, 1 công bố về lĩnh vực nghiên cứu. Đây là cơ sở quan trọng để trường, người hướng dẫn đánh giá được nghiên cứu sinh đã sẵn sàng, chuẩn bị và thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu ở bậc tiến sĩ.

Thứ 2, trình độ và chất lượng giáo viên hướng dẫn. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi nếu thầy không giỏi thì sao mong có trò giỏi. Quy chế 2017 yêu cầu người hướng dẫn bậc tiến sĩ phải có công bố quốc tế. Việc thắt chặt này đã bộc lộ ra sự yếu kém ở một số ngành học, minh chứng là không có người học, do giảng viên chưa có công bố hướng dẫn nên không đủ đạt yêu cầu đề tuyển sinh. Rất tiếc quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 lại bỏ đi quy định này.

Thứ 3, quy trình tổ chức quản lý đào tạo. Điều này rất cần khi các trường tự chủ và tự trách nhiệm trong đào tạo. Bởi nếu làm chặt quy trình này sẽ ngăn chăn được việc viết hộ, làm hộ luận án tiến sĩ. 

Thứ 4, chuẩn đầu ra. Để kiểm soát chất lượng đào tạo tiến sĩ thì chuẩn đầu ra là quy định quan trọng nhất. Trong bối cảnh một số hội đồng khoa học ngành/chuyên ngành khi chấm luận án còn cả nể, dễ dãi với nghiên cứu sinh thì công bố quốc tế là điều khách quan nhất đánh giá đề tài, công trình nghiên cứu đạt hay không.

Thứ 5, là cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư cho đào tạo tiến sĩ. Đây là vấn đề then chốt. Ở nước ngoài, các nghiên cứu sinh được coi là nhà khởi nghiệp, họ cấp học bổng cho nghiên cứu sinh. Trong khi đó ở Việt Nam, nghiên cứu sinh phải đóng tiền và không dành toàn bộ thời gian nghiên cứu, học tập. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Kinh phí cho đào tạo tiến sĩ không có, người học vừa đi làm vừa phải nghiên cứu khiến họ khó chuyên tâm và tạo ra đề tài thực sự chất lượng là điều dễ hiểu.

 

- Trong trường hợp Bộ GD&ĐT thẩm định lại và phát hiện các luận án kém chất lượng, theo ông có nên thu hồi bằng tiến sĩ không?

Việc thẩm định lại các luận án tiến sĩ được dư luận phản ánh là vấn đề khó. Dù Bộ GD&ĐT có thẩm định, thanh tra lại các đề tài nghiên cứu nhưng chưa từng có trong tiền lệ một tiến sĩ bị thu hồi bằng. Nguyên nhân là bởi họ đã được hội đồng các nhà khoa học thẩm định, thông qua theo đúng quy trình do Bộ GD&ĐT quy định, không vi phạm đạo nhái thì khó có đủ cơ sở khoa học mà thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Trách nhiệm ở đây thuộc về người hướng dẫn và hội đồng nghiệm thu đề tài. Ngoài yếu tố về học thuật, việc thanh tra lại các đề tài cần dựa trên nhiều yếu tố về quá trình nghiên cứu, hội đồng đánh giá…

https://vtc.vn/chuyen-gia-ha-chuan-cong-bo-quoc-te-tinh-trang-tien-si-dom-se-tai-dien-ar676050.html

Ngày đăng: 14:45 | 12/05/2022

Hà Cường / VTC News