Những chiếc tàu sân bay của Trung Quốc không phải là mối lo ngại chính cho Mỹ và đồng minh, mối đe dọa thực sự là từ chiến lược dài hạn của Trung Quốc.

Đô đốc Lee Hsi-ming, cựu Tổng tham mưu trưởng của Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, tên lửa tầm xa và máy bay ném bom của Trung Quốc mới là mối đe dọa chính đối với Đài Loan chứ không phải bộ ba hàng không mẫu hạm. 

Tại một cuộc họp của Quỹ Khoa học Chính trị Trường Đài Bắc, Đô đốc Lee nhấn mạnh phạm vi bao phủ rộng lớn của vũ khí quân sự Trung Quốc. Ông lưu ý rằng máy bay ném bom, tên lửa và tàu ngầm của Trung Quốc có thể tấn công mọi vị trí ở Đài Loan, mang lại cho Trung Quốc ưu thế quân sự đáng kể. Lee cho rằng việc Trung Quốc phát triển tàu sân bay chủ yếu là để thách thức trật tự thế giới, hiện do Mỹ lãnh đạo. 

Quan điểm của ông xuất phát từ các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan vào năm 2022, nhằm phản ứng lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới hòn đảo trong thời gian đó. 

Trung Quốc đã có những phản ứng gay gắt với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bằng các hành động như phóng tên lửa bay qua Đài Loan, diễn tập bắn đạn thật đồng thời tại sáu địa điểm quanh hòn đảo và triển khai các thiết bị tiên tiến như máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Chuyên gia Lee đã đưa ra các quan điểm độc đáo về mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc - Đài Loan. Trong đó ông đưa ra khái niệm phòng thủ tổng thể với các chiến lược đặc biệt để chống lại sức mạnh quân sự to lớn của Trung Quốc. 

Ông ủng hộ việc Đài Loan triển khai một phi đội máy bay không người lái và hải quân đa chức năng, đây là giải pháp hiệu quả về chi phí. Lực lượng này sẽ được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác, tàu tấn công nhanh, tàu tên lửa và nhiều loại vũ khí phòng không. Những vũ khí với chi phí thấp này sẽ giúp Đài Loan tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao nhiều tầng lớp, chiến lược và lâu dài để đối phó với mối nguy tiềm tàng.

Một binh sĩ dùng ống nhòm theo dõi hoạt động tập trận của Hải quân Trung Quốc tại khu vực gần Đài Loan vào ngày 5/8/2022.

Một binh sĩ dùng ống nhòm theo dõi hoạt động tập trận của Hải quân Trung Quốc tại khu vực gần Đài Loan vào ngày 5/8/2022.

Tên lửa Trung Quốc lần đầu tiên bay qua Đài Loan

Ngày 4/8/2022, Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự thông qua cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan, sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Đài Loan xác nhận có 11 tên lửa được bắn từ Trung Quốc vào các vùng biển xung quanh hòn đảo. 

Trong một diễn biến mới, lần đầu tiên các tên lửa của Trung Quốc bay qua khu vực Đài Loan. Điều này đã được giới chức quân sự Đài Loan xác nhận trên truyền hình, báo hiệu sự gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc đối với hòn đảo.

 

Trong số các tên lửa của Trung Quốc, có sự xuất hiện của tên lửa siêu thanh DF-17. Ngoài ra, còn có DF-21D và DF-26, những tên lửa này được ông Lee cảnh báo là mối đe dọa lớn đối với Đài Loan. Đồng thời, các mục tiêu trong cuộc tập trận của Trung Quốc cũng đã được truyền thông tiết lộ, bao gồm phong tỏa chung, tấn công mục tiêu trên biển, tấn công mục tiêu trên bộ và các hoạt động kiểm soát không phận. 

Tân Hoa xã thông báo, các cuộc tập trận này do Bộ chỉ huy Chiến khu phía Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) điều hành. Đó là những buổi huấn luyện nghiêm ngặt để kiểm tra quân đội trong các hoạt động quân sự thực sự.

Tên lửa DF-17

Tên lửa DF-17

Những lo sợ

Hiện tại, Trung Quốc tự hào có hai tàu sân bay hiện đại là Liêu Ninh và Sơn Đông, đồng thời nước này cũng đang hoàn thiện chiếc tàu sân bay thứ ba, được đặt tên là Phúc Kiến. Tuy nhiên, trái ngược với một số nhà phân tích, ông Lee kiên quyết bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các tàu sân bay này để phong tỏa và ngăn chặn viện trợ đến Đài Loan, bằng cách bố trí một tàu sân bay ở phía bắc, phía đông và phía nam của hòn đảo. 

Lee khẳng định rằng trong tình huống xung đột với Đài Loan có thể xảy ra, các tàu sân bay này sẽ tỏ ra vô ích đối với Trung Quốc, chúng không thể chịu được sự tấn công dữ dội của quân đội Mỹ. 

Giới chức quân sự Đài Loan đã thảo luận về các chiến lược toàn cầu của Trung Quốc và trọng tâm là nghiên cứu mối đe dọa từ tàu sân bay. Bản báo cáo của Đài Loan cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng và chống lại “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc.

Ông Lee nhấn mạnh nguy cơ “vùng xám” ngày càng mở rộng và chi tiêu quá mức cho các loại vũ khí quy mô lớn như máy bay chiến đấu và xe tăng có thể làm cạn kiệt nguồn lực quân sự của Đài Loan. Chuyên gia Lee cảnh báo những vũ khí này sẽ gây tiêu tốn chi phí và làm mất đi nguồn lực đầu tư cho những ưu tiên khác.

Lính Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu tại biên giới tranh chấp hồi tháng 6/2020.

Lính Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu tại biên giới tranh chấp hồi tháng 6/2020.

“Vùng xám”

Chiến tranh vùng xám là một chiến lược răn đe được Trung Quốc sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công và đạt được chiến thắng chiến thuật mà không cần xung đột vũ trang. Chiến lược này thường thấy trong các tranh chấp của Trung Quốc trên nhiều vùng lãnh thổ. Ông Lee chỉ ra rằng chiến lược này không phải là mới. Điều đó thể hiện rõ ràng trong cách giải quyết của Trung Quốc với các khu vực như Biển Đông, Eo biển Đài Loan và khu vực Ladakh (biên giới Ấn Độ). 

Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ phụ trách Đông Á, John Culver cho rằng Trung Quốc vượt trội trong chiến lược dài hạn này. Ông tin rằng, thay vì tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ gây sức ép buộc Đài Loan tham gia đàm phán và dần dần thu hồi hòn đảo trong thời gian không xa.

https://vtc.vn/chuyen-gia-dai-loan-bo-ba-tau-san-bay-trung-quoc-vo-hai-doi-voi-my-ar802691.html

Ngày đăng: 08:55 | 30/06/2023

LÊ HƯNG(Nguồn: Bulgarian Military) / VTC News