Nhiều trường hợp cổ phần hoá nhưng tư duy của những người trực tiếp quản lý lại không muốn thay đổi.
Kế hoạch năm nay TP HCM phải cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, Hà Nội là 14, nhưng đến nay chưa một đơn vị nào nằm trong danh sách được triển khai. Đồng nghĩa, Hà Nội và TP HCM "lỡ hẹn" với kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước năm nay.
"Có tư tưởng lo sợ nếu tiếp tục cổ phần hoá doanh nghiệp sẽ đánh mất vai trò của khu vực này trong nền kinh tế", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh bình luận khi nêu nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hoá liên tục bị trì hoãn tại diễn đàn "Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá" ngày 30/11.
Vấn đề lo ngại nữa trong cổ phần hoá được ông Ánh đề cập là thất thoát tài sản nhà nước, biến tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân và biến đất vàng thành đất kim cương.
"Mục tiêu sau cổ phần hoá khi chưa được xác định rõ ràng thì sẽ có vô số lý do trì hoãn việc đổi mới, thậm chí những động cơ này còn làm đảo ngược tiến trình cổ phần hoá chứ không đơn thuần là chậm lại quá trình, ông lo ngại.
|
|
Trụ sở hãng phim truyện Việt Nam - nơi xảy ra nhiều sai phạm trong cổ phần hoá. Ảnh: Ngọc Thành |
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thừa nhận, nhiều vấn đề quản trị doanh nghiệp Nhà nước đang trở thành "sự đau đầu và khó khăn với nhà quản lý khi làm sao để giải phóng sức ì và phát triển các nguồn lực lớn mà họ đang nắm giữ. Nhiều trường hợp chính tư duy của những người trực tiếp quản lý đang không muốn thay đổi, trong khi đây mới là mấu chốt để tái cơ cấu doanh nghiệp.
Phân tích rõ hơn, ông Vũ Đình Ánh nêu, hiện nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước vẫn từ 50% đến hơn 60%, tức là nắm giữ và chi phối mọi mặt hoạt động, vẫn giữ bộ máy, lãnh đạo và con người ấy nhưng được gọi tên là cổ phần hóa.
Điều chuyên gia này lo ngại, các tiêu chuẩn quốc tế được cho là áp dụng các doanh nghiệp sau cổ phần chỉ mang tính hình thức, thực chất khoảng cách giữa hình thức và thực tế không giống nhau. "Chúng ta có cái vỏ là áp dụng kỹ năng quản trị, quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế mới quan trọng, chúng ta có cái ruột lại là Việt Nam, vẫn là những lãnh đạo cũ", ông nói.
Việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone chi số tiền lớn mua lại AVG được ông Ánh nêu là ví dụ điển hình minh chứng cho kỹ năng quản trị yếu kém, mang nặng cơ chế phi thị trường và thiếu sự kiểm soát.
Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính cho rằng, hiện thế giới có hai cấp độ quản trị doanh nghiệp, một là không cần ban kiểm soát và hai là có ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả HĐQT. Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng hình thức thứ hai. Tuy nhiên, Ban kiểm soát thuộc HĐQT và không có nhiều quyền hạn và yếu kém năng lực kiểm soát, nên dường như "tàng hình trong các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước".
Tiêu chuẩn của WB, OECD thì cổ đông nhỏ phải có sự công bằng trong các quyết sách như các cổ đông đa số, còn ở Việt Nam các quyết sách vẫn nằm trong tay cổ đông lớn. Thậm chí quyền lực tập trung vào một người là Chủ tịch HĐQT và điều này theo các chuyên gia là sai bởi vì tập trung quá nhiều quyền và việc làm vào một người sẽ bỏ quên tầm nhìn, chỉ tập trung vào sự vụ, sự việc.
Số phận 2 mảnh đất ‘vàng’ Sabeco đầu tư trước khi cổ phần hóa bây giờ ra sao?
Sabeco đem 2 khu đất “vàng” đi đầu tư vào Công ty Tân Thành từ trước khi cổ phần hóa và đều được phát triển ... |
Cổ phần hoá Hãng phim truyện VN: Vivaso phải rút vốn trước thời hạn
Sáng 14.11, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam gặp gỡ báo chí chia sẻ những bức xúc xung quanh quá trình thoái vốn ... |
Hậu cổ phần hóa, đất hàng nghìn tỷ đồng bán giá vài trăm tỷ đồng
Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán đã phát hiện các sai phạm đất đai trong quá trình cổ phần ... |
Anh Minh
Ngày đăng: 22:49 | 30/11/2018
/ https://kinhdoanh.vnexpress.net