Bệnh bạch hầu xuất hiện ở Nghệ An và Bắc Giang, đã có 1 ca tử vong, hơn 100 người ở 2 địa phương tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly theo dõi và điều trị dự phòng. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B, thời gian gần đây xuất hiện rải rác ở một số địa phương, bệnh có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều lần so với COVID-19.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh truyền nhiễm trước đây lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một số ít trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Năm 2020, bệnh bạch hầu xuất hiện ở Tây Nguyên với 10 ổ dịch và gần 70 người dương tính với bạch hầu, có 3 trường hợp tử vong. Năm 2023, nhiều ổ dịch bạch hầu xuất hiện ở Điện Biên và Hà Giang, 2 trường hợp tử vong, trong đó có 1 thiếu niên 15 tuổi. Theo nhận định của Bộ Y tế, tất cả các ổ dịch bạch hầu ở Điện Biên và Hà Giang không xác định được nguồn lây.

bh.jpg -0
Lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu. Ảnh: Sỹ Quyết

Mới đây nhất tại Nghệ An và Bắc Giang đã phát hiện 2 ca mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 ca ở Nghệ An tử vong là nữ sinh 18 tuổi, có triệu chứng bệnh trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nữ sinh tự mua thuốc uống và trong quá trình tham dự kỳ thi, thí sinh đã ở chung phòng và tiếp xúc với nhiều người. Khi kỳ thi kết thúc, bệnh của nữ sinh nặng thêm, lúc này nữ sinh được đưa đến viện điều trị thì đã muộn. Hiện, tỉnh Nghệ An đã điều tra dịch tễ, cách ly 119 người tiếp xúc với ca bệnh tử vong. Còn tỉnh Bắc Giang cách ly 15 người tiếp xúc gần với ca bệnh.

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại sức khỏe của nữ sinh mắc bệnh bạch hầu ở Bắc Giang ổn định, không có triệu chứng lâm sàng, chưa có tình trạng đe dọa. Sau khi điều trị đủ kháng sinh diệt các vi khuẩn bạch hầu, bệnh nhân sẽ được chuyển về cách ly tại bệnh viện tuyến dưới.

Nhận định về ca bệnh tử vong ở Nghệ An, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nữ sinh được phát hiện bệnh muộn dẫn tới bệnh biến chứng nặng rất nhanh, dù điều trị tích cực nhưng không có hiệu quả. Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm B, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, bệnh bạch hầu đặc biệt nguy hiểm ở nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc mất hiệu lực của vaccine. Nguy cơ tử vong của bệnh bạch hầu là 10-20%, cao hơn nhiều lần so với COVID-19, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm lại thấp hơn nhiều so với COVID-19, vì đây là bệnh xuất hiện rải rác, vì vậy người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Vì sao bạch hầu lại gây tử vong cao? Theo BS Cấp, khởi đầu bệnh giống như viêm họng, đau họng, ho nhẹ, nuốt khó, nuốt đau nên nhiều người nghĩ bị viêm họng thông thường. Đa số bệnh nhân dần hồi phục, nhưng có một tỷ lệ nhất định diễn biến nặng lên, trở thành bệnh bạch hầu ác tính. Biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong của bạch hầu gồm: Hình hành giả mạc trắng ở hầu họng và lan rộng, gây bít tắc đường thở, người bệnh ngạt thở, không thở được và tử vong; độc tố bạch hầu xâm nhập vào mô xung quanh họng gây họng sưng rất to, làm bít tắc đường thở và tử vong; độc tố đi vào máu gây nhiễm độc toàn thân, làm viêm cơ tim cấp và suy thận, đều có thể dẫn đến tử vong.

BS Cấp cho biết, để phòng tránh bệnh bạch hầu, cần tiêm vaccine đủ mũi, đúng lịch, sẽ hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh hoặc nếu có nhiễm bệnh cũng nhẹ. “Cần lưu ý hiệu lực bảo vệ của vaccine bạch hầu ít nhất 10 năm, sau 10 năm có một số người hiệu lực sụt giảm có thể bị mắc, cần phải tiêm nhắc lại. Dù vaccine đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định không tiêm đủ 5 mũi, khi tiếp xúc với vi khuẩn bạch hầu vẫn dễ mắc bệnh”, BS Cấp nhấn mạnh.

BS Cấp khuyến cáo, nếu người dân tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu thì đến ngay bệnh viện để cách ly, theo dõi, uống kháng sinh dự phòng. “Với bệnh nhân được sử dụng kháng sinh sớm sẽ giảm rất nhiều nguy cơ biến chứng nặng. Nếu tự cách ly ở nhà, bệnh diễn biến nặng và muộn, khi xuất hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân thì dù điều trị tích cực, các thuốc kháng độc tố mạch máu cũng không còn tác dụng nữa.

https://cand.com.vn/y-te/chuyen-gia-chi-cach-phong-tranh-benh-bach-hau-i736889/

Ngày đăng: 08:20 | 10/07/2024

Trần Hằng / cand.com.vn