Vietnam Airlines tiếp tục đề xuất áp giá sàn vé máy bay song chuyên gia kinh tế cho rằng việc này làm thị trường giảm tính cạnh tranh và người tiêu dùng chịu thiệt.

Hãng hàng không Vietnam Airlines lại vừa có đề xuất tăng trần giá vé và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa. Cụ thể, với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất giữ nguyên với đường bay dưới 500km và tăng từ 50.000 - 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên.

Chuyên gia: Áp giá sàn vé máy bay hạn chế cạnh tranh, người dân chịu thiệt - 1
Vietnam Airlines lại đề xuất giá sàn vé máy bay. (Ảnh: Vietnam Airlines)

Với giá sàn, Vietnam Airlines đưa ra hai phương án là bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.

Tuy vậy, chia sẻ với VTC News về đề xuất này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá của Bộ Tài chính, cho rằng việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh.

“Thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu, chưa có cạnh tranh thực sự, do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn. Việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Long nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng. “Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng”, chuyên gia cho hay.

Tuy vậy, ông Hiếu cho rằng, cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình bán vé dưới chi phí để thu hút khách nhằm gây thiệt hại cho đối thủ, nên cơ quan quản lý cần kiểm tra, xử lý nếu phát hiện cạnh tranh không lành mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines đề xuất áp sàn giá vé máy bay.

Trước đó, hồi tháng 3/2017, VNA cũng từng gửi Bộ Giao thông Vận tải phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó nhận được nhiều quan điểm trái chiều và không được Bộ chấp thuận.

Vietnam Airlinescho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn lần này là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là cho phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.

Theo doanh nghiệp, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không VN yếu đi.

Do đó, có thể nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay trong giai đoạn nhất định nhưng phải trong giai đoạn COVID-19. Đến khi thị trường phục hồi có thể xem xét bỏ giá sàn... Tuy vậy, theo vị chuyên gia hàng không, nếu áp dụng theo đề nghị của Vietnam Airlines cạnh tranh sẽ giảm, người tiêu dùng bất lợi.

HÒA BÌNH

Bay cùng Vietjet, nhận ngay voucher 100.000 đồng Bay cùng Vietjet, nhận ngay voucher 100.000 đồng
Giá vé máy bay giảm kịch sàn, khách ồ ạt đặt tour du lịch nội địa Giá vé máy bay giảm kịch sàn, khách ồ ạt đặt tour du lịch nội địa
Vietjet tung vé khuyến mại 0 đồng bay khắp Việt Nam Vietjet tung vé khuyến mại 0 đồng bay khắp Việt Nam

Ngày đăng: 08:23 | 06/04/2021

/ vtc.vn