Chuyển đổi mã điện thoại phải có giải pháp căn cơ để không tạo ra những rối loạn, ách tắc trong đời sống xã hội...
LTS:- TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho rằng, chủ trương chuyển đổi mã vùng và chuyển đổi mã điện thoại còn khá nhiều vấn đề phải bàn, để hiểu rõ hơn, báo Đất Việt xin đăng tải bài phân tích cụ thể của ông về vấn đề này.
Sắp chuyển đổi thuê bao di động 11 số sang 10 số. Ảnh minh họa
Gần đây dư luận đang quan tâm về chủ trương chuyển đổi mã vùng và chuyển đổi mã mạng điện thoại. Chuyển đổi mã vùng đã thực hiện xong từ năm ngoái (2017). Dư âm của việc chuyển đổi mã vùng này đang cho thấy, không ít băn khoăn cũng như hệ lụy của việc chuyển đổi, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người sử dụng điện thoại.
Bây giờ lại đang rộ lên thông tin về việc chuyển đổi mã mạng. Đặc biệt là việc chuyển đổi mã mạng của khoảng 60 triệu thuê bao di động có 11 số. Hệ lụy là có. Sự ảnh hưởng liên quan đến phạm vi, đối tượng tác động khá lớn, khoảng 2/3 dân số Việt Nam (nếu giả định mỗi người có 1 số thuê bao di động 11 số).
Việc chuyển đổi này, ai cũng biết là căn cứ vào một số quy định của pháp luật hiện hành từ Luật Viễn thông và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ... Tôi thấy có một số vấn đề cần bàn ở đây khi đưa ra các quy định về chủ trương chuyển đổi mã, tức là thay đổi số của các thuê bao.
Trước hết xét về bản chất, khi một người dân bỏ tiền ra mua sim để được sử dụng một số điện thoại tức là người ta đã trả tiền để được quyền sử dụng một số điện thoại nhất định. Trong điều kiện hiện nay, một số điện thoại của cá nhân liên quan rất nhiều tới các giao dịch, hoạt động của cá nhân đó. Điều này ai cũng biết. Một khi nhà mạng đã bán và cấp số điện thoại cho một cá nhân, có nghĩa là công nhận quyền sử dụng số điện thoại đó cho riêng mình.
Trách nhiệm của nhà mạng cũng khá lớn, là phải bảo đảm cho người có số điện thoại thuận lợi trong việc giao dịch, liên hệ. Mặt khác cũng rất quan trọng là phải bảo đảm an ninh về thông tin của số điện thoại đó, tức là thông tin về đời tư, về hoạt động, về giao dịch của người sử dụng điện thoại.
Lâu nay, vấn đề xác định trách nhiệm của nhà mạng và đặc biệt là trách nhiệm về bảo mật thông tin chưa thật sự nghiêm chuẩn. Về phía người dân, một khi người ta đã mua và được sử dụng một số điện thoại do nhà mạng cung cấp thì người sử dụng phải được bảo đảm về tính liên tục, độ chính xác cũng như độ an toàn trong quá trình sử dụng số điện thoại.
Lấy lý do cũng như quyền của nhà mạng và cho rằng việc quy hoạch kho số cũng như điều chỉnh kho số là sự cần thiết vì lợi ích lâu dài, phát triển thị trường viễn thông, nền kinh tế số, đồng thời cũng đã chú ý tới việc hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với người dân sở hữu các số điện thoại mà mình đã thuê bao là rất đúng. Đây là lý do rất chính đáng để xác định trách nhiệm của phía nhà mạng, phía Nhà nước.
Tôi băn khoăn là những chủ trương về quy hoạch mang tính ổn định, lâu dài được xác định và thực thi thế nào mà thi thoảng lại thấy phải đổi mã vùng hay mã mạng của điện thoại, của người dân? Đây là vấn đề cần phải xem xét rõ trách nhiệm khi chủ trương ổn định lâu dài không được thực thi một cách nghiêm túc.
Thứ hai, khi chuyển đổi mã vùng, mã mạng thì rõ ràng ai cũng thấy đã tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng không nhỏ tới người dân, tới xã hội. Nhà mạng không thể tùy tiện thay đổi một khi đã cấp số điện thoại cụ thể cho người dân.
Điều này làm tôi liên tưởng đến đã có một số lần, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tính đến việc bắt người dân phải đổi đồng loạt chứng minh nhân dân, biển xe máy, bằng lái xe... vì những lý do kỹ thuật và yêu cầu quản lý. Gặp phải sự phản ứng của công luận, người ta đã không thực hiện việc yêu cầu đổi đồng loạt nữa mà chỉ thực hiện đổi mẫu khi cấp mới, cấp đổi và khi người dân có sự tự nguyện được đổi.
Rõ ràng, những dịch vụ công mang tính phổ biến, đụng chạm tới lợi ích của nhiều người dân, đụng chạm tới xã hội thì, bên cạnh việc tính toán lợi ích của phía cơ quan quản lý và phía nhà mạng thì cũng cần phải tính toán một cách đầy đủ lợi ích của người dân, của xã hội khi sử dụng dịch vụ đó.
Rõ ràng ở đây khi đưa ra chủ trương chuyển đổi mã vùng, chuyển đổi mã mạng, người ta chưa chú ý xử lý tốt nhất lợi ích của người dân, của xã hội. Mặc dù, về chủ trương, các cơ quan có thẩm quyền đã có tính toán, lượng định ở mức độ nhất định như: hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc chuyển đổi cũng như đưa ra các quy trình chuyển đổi về thời gian chuyển đổi, thời gian quay số song song, về thời gian duy trì âm thông báo.
Tuy nhiên, theo tôi như vậy là chưa đủ, nếu nhìn từ góc độ của người dân, người sử dụng dịch vụ. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà mạng khi đưa ra chủ trương chuyển đổi mã điện thoại phải tính toán đầy đủ hơn quyền lợi hợp pháp của người dân và có giải pháp căn cơ để làm sao việc chuyển đổi này không tạo ra những rối loạn, ách tắc trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt của từng người sử dụng điện thoại có số bị chuyển đổi.
Kế hoạch triển khai chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số của MobiFone
Theo kế hoạch chuyển đổi mã mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số của ... |
Chủ thuê bao 11 số phải ra ngân hàng đăng ký lại
Các ngân hàng cho biết có khả năng khách hàng là chủ thuê bao 11 số điều chỉnh đợt này sẽ phải đăng ký lại ... |
Ngày đăng: 09:46 | 22/08/2018
/ http://baodatviet.vn