Hành trình chuyển đổi số đã bắt đầu với sự vào cuộc của hầu hết các ngân hàng. Trong đó, mỗi ngân hàng lại có cách tiếp cận, cách nhìn khác nhau về công cuộc số hóa nhưng tựu chung, đều có mong muốn thông qua quá trình chuyển đổi số sẽ khiến cho hoạt động vận hành của ngân hàng nhanh chóng, hiệu quả hơn. Đồng thời, số hóa cũng sẽ thu hút và giữ được nhiều khách hàng khi hình thức ngân hàng truyền thống đang mất dần vị thế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật hơn
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến hàng loạt các công nghệ mới thay đổi cách chúng ta tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó, có cả các sản phẩm, dịch vụ của ngành ngân hàng. Các chi nhánh, quầy giao dịch, sổ tiết kiệm, thẻ…vật lý, cùng nhân sự để vận hành các cơ sở, quy trình cung cấp các sản phẩm này đang dần trở nên không còn cần thiết với các khách hàng khi việc số hóa đem lại các dịch vụ thuận tiện, an toàn và nhanh chóng mà khách hàng không cần di chuyển hay trải qua các thủ tục phức tạp . Chính thực tế này đã khiến các ngân hàng phải đẩy nhanh và mạnh quá trình chuyển đổi số để đáp ứng những kỳ vọng của những khách hàng thời 4.0.
Chuyển đổi số cùng với ứng dụng các công nghệ mới sẽ mang lại cho khách hàng cách tương tác mới mới với các dịch vụ ngân hàng. Các dịch vụ chuyển khoản, thanh toán, mua sắm, thẻ…đều có thể được tích hợp sẵn trong một ứng dụng di động gọn nhẹ trên các thiết bị điện tử như smartphone.... Vì vậy, các khách hàng không cần phải di chuyển hay trải qua các thủ tục phức tạp mà vẫn có thể sử dụng nhiều dịch vụ.
Theo nhiều chuyên gia, song song với các yếu tố nhanh chóng, tiện lợi thì việc số hóa cũng đem đến cho các ngân hàng cơ hội để tăng cường tính bảo mật nhờ vào việc ứng dụng các công nghệ bảo mật mới, các quy trình hạn chế được sự can thiệp và sai sót của con người cũng tăng cường độ chính xác, tránh rò rỉ thông tin. Bảo mật sinh trắc học, bảo mật smart OTP…đang ngày càng được sử dụng rộng rãi vì những đặc tính ưu việt và cách sử dụng dễ dàng.
Các ngân hàng còn có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro một cách dễ dàng và nhanh chóng nhờ quá trình chuyển đổi số. Đây chính là lợi ích đến từ việc sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội …và ứng dụng các công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ.
Chuyển đổi số là cơ hội cho ngân hàng
Để đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng, hành trình chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là một hay nhiều dự án Công nghệ thông tin mà cần sự tham gia của cả hệ thống phải vào cuộc với sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành tới các Khối/Ban/Trung tâm Hội sở chính ngân hàng và sự đồng hành của các đơn vị kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chia sẻ: “Ngân hàng số không chỉ giúp ích cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng đơn giản hoá các quy trình, thủ tục, giấy tờ. Nếu như trước đây, với quy trình giấy tờ truyền thống có thể mất vài tuần, song với ứng dụng công nghệ số, thời gian giảm đi đáng kể, giúp nâng cao năng suất lao động của nhiều đơn vị. Về một quy trình soạn thảo hồ sơ cấp tín dụng: Nếu trước đây ba tuần, thì bây giờ với sự hỗ trợ và có thuật toán điền sẵn của máy tính thời gian chỉ mất khoảng chục phút, tính cả công rà soát lại”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc trao đổi giữa các đơn vị cũng tốt hơn, nhanh hơn. Đồng thời các đơn vị khác cũng có thể xem phần thảo luận này để học hỏi kinh nghiệm, tránh tình trạng một đơn vị đặt nhiều câu hỏi trùng lặp, cũng như nâng cao tính minh bạch. Ngoài ra, giảm khâu thủ tục giấy tờ nội bộ cũng tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho ngân hàng. Trên hết, việc số hóa thậm chí giúp tính bảo mật, an toàn thông tin cho ngân hàng được nâng cao hơn so với các giấy tờ truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh và vẫn đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Cuối năm 2018, SHB đã có chiến lược về chuyển đổi số với sự tư vấn của hãng công nghệ hàng đầu thế giới - IBM với hành trình 05 năm từ 2019 đến 2023. Để mở đầu cho lộ trình phát triển dài hạn, năm 2019, SHB sẽ triển khai bước đầu các giải pháp công nghệ mới hướng tới nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng ngân hàng số.
Lấy khách hàng làm trung tâm và giảm chi phí hoạt động, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, SHB đang có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án số điển hình như: Hệ thống Quan hệ khách hàng (CRM) hiện đại với mục tiêu năm 2019, việc bán hàng sẽ được ứng dụng cho tất cả các cán bộ bán hàng của SHB. Bằng các thiết bị di động cá nhân, cán bộ bán hàng của SHB có đầy đủ các thông tin của khách hàng, từ đó, hiểu khách hàng hơn và có thể tư vấn, hỗ trợ khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ, sản phẩm của SHB. Đi cùng với đó là cung cấp các kênh thanh toán hiện đại: Samsung Pay, Thanh toán không tiếp xúc, Thanh toán hóa đơn (điện, nước, vé tàu, vé máy bay.
Muốn triển khai các dịch vụ, tiện ích công nghệ số mới giống như việc cất nóc nhà, đó chỉ là phần nổi cuối cùng một đơn vị Công nghệ thông tin của ngân hàng cần thực hiện. Theo ông Lê, “nói ngân hàng số thì nghe rất hay, nhưng để làm được thì trước hết phải xây mới rất nhiều, thậm chí thay thế toàn bộ hạ tầng kỹ thuật công nghệ”. Các ngân hàng tồn tại càng lâu thì càng gặp khó khăn do nền tảng cũ xây dựng hàng loạt theo năm tháng trước đây còn rất nhiều, và ngày càng lạc hậu theo thời gian. Việc xây mới đòi hỏi năng lực tài chính của NHTM, nguồn nhân lực luôn học hỏi để bắt kịp xu hướng công nghệ mới.
Ngày đăng: 11:37 | 03/09/2019
/