Hiện có khoảng 2.705 các loại thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu các thông tin cơ bản của công dân. Nhiều loại thông tin, giấy tờ, thủ tục phải khai đi, khai lại rất nhiều lần.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, người dân rất mong đợi và kỳ vọng việc triển khai cơ sở dữ liệu dân cư và ứng dụng điện tử hóa TTHC sẽ loại bỏ những rườm rà do các loại thủ tục gây ra.
Rườm rà các loại thủ tục
Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) của Bộ Công an cho biết: Hiện nay có khoảng 2.705 TTHC có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân. Trong 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 TTHC yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Có khoảng 70 TTHC yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hoặc bản sao.
Người dân đang làm thủ tục hành chính trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn. |
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công dân đang phải thực hiện quá nhiều các loại thủ tục, giấy tờ, mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các TTHC.
Anh Vũ Thanh Bảo (SN 1988, quê gốc Thanh Hóa, trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để thuận tiện hơn cho công việc của mình, các giao dịch tại nơi cư trú, các thủ tục nhập học cho con cần phải có sổ hộ khẩu gia đình. Để làm sổ hộ khẩu mới, anh Bảo phải về Thanh Hóa cắt khẩu ở quê.
Cùng với đó, anh phải mất nhiều lần đi lại để hoàn thiện các giấy tờ như đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, chứng minh thư nhân dân của 2 vợ chồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phải xin nghỉ mấy ngày, sắp xếp các công việc cá nhân, anh mới có thể hoàn thành các loại giấy tờ trên. Ngày đã có đủ các loại hồ sơ, anh Bảo đến văn phòng quận để làm sổ hộ khẩu mới. Cán bộ văn phòng đưa cho anh tờ khai để kê khai các thông tin và sau đó gần 1 tháng, anh mới nhận được trong tay cuốn sổ hộ khẩu mới để giải quyết công việc.
Đó chỉ là câu chuyện liên quan đến việc làm sổ hộ khẩu. Trên thực tế, công dân phải thực hiện hàng trăm loại giấy tờ khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Cần quyết tâm bỏ bớt các thủ tục
Theo Bộ Công an, nếu triển khai quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các TTHC, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện TTHC.
Khi ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện cho rằng: Việc triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư, quan điểm là phải bỏ bớt đi các thủ tục rườm rà từ trước nay. Việc này nhằm đảm bảo sự tích hợp để dữ liệu công dân được sử dụng trong nhiều việc khác nhau.
Nếu chúng ta thiết kế và tích hợp được như vậy thì sẽ thuận tiện hơn cho quyền và lợi ích của người dân rất nhiều.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước sẽ tốt hơn. Đảm bảo cho nhà nước kiến tạo để phục vụ nhân dân.
“Việc này có tính liên thông và sử dụng chung. Chứ không phải cơ sở này cơ quan này giữ, cơ sở kia cơ quan khác giữ. Mỗi khi công dân có công việc liên quan phải giải quyết mất rất nhiều thời gian. Xây dựng được dữ liệu công dân, đưa vào quản lý mã số định danh, loại bỏ các giấy tờ, thủ tục rườm rà sẽ giúp thuận lợi cho người dân cả về hình thức và chất lượng phục vụ nhân dân. Việc này sẽ tránh phiền hà cho người dân, ví dụ những giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân phải photo nhiều lần, loại thủ tục gì cũng cần đến” - ông Nhưỡng nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trường hợp sử dụng, quản lý dữ liệu điện tử thì cần phải có giải pháp kỹ thuật để chứa được một hệ thống thông tin khổng lồ. Chứa được, giữ được, bảo mật được là vấn đề cần phải lưu ý. Bởi hiện nay trên thế giới việc bị hacker lấy dữ liệu đang diễn ra khá phổ biến. Để tránh trường hợp thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt, bị lấy cắp, thậm chí bị xóa tất cả dữ liệu thì cần phải có một chìa khóa bảo mật dữ liệu.
Ngoài ra, cũng cần phải quy định ai được tiếp cận dữ liệu này để đảm bảo được đời tư. Thêm vào đó, khi triển khai việc này cần phải xây dựng sửa đổi một số văn bản pháp luật và một số văn bản nhỏ. Ví dụ Luật Công chứng, khi các cá nhân tham gia giao dịch thì đều phải có chứng minh thư, hộ khẩu.
“Nếu giờ không còn hộ khẩu mang đến nữa thì xử lý ra sao. Ai là người trích dữ liệu ra? Hay là các văn phòng công chứng được trích dữ liệu đó ra. Vấn đề này lại quay về chuyện bảo mật” - luật sư Tú nói.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc quản lý cư dân bằng mã số định danh thay vì quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là một sự tiến bộ rõ rệt trong quá trình cải cách TTHC. Người dân rất phấn khởi khi bỏ được hộ khẩu bởi trước đây hộ khẩu ràng buộc họ quá nhiều, cái gì cũng liên quan đến hộ khẩu, quyền gì cũng phải liên quan đến hộ khẩu.
“Bỏ hộ khẩu tức là bỏ tờ giấy, bỏ công cụ thô sơ, thay vào đó là quản lý bằng công nghệ. Khi mỗi người dân có một mã số định danh thì lúc đó quản lý một cách rất dễ dàng. Trường hợp nếu đi làm TTHC chỉ cần lên máy tính ấn vào mã số là hiện rõ tất cả các thông tin” - luật sư Ứng chia sẻ.
Bao giờ thoát nỗi khổ sổ hộ khẩu?
Không cần sao chụp sổ hộ khẩu, không cần khai nhiều lần thông tin cơ bản của bản thân, không phải vất vả lưu trữ ... |
Bỏ sổ hộ khẩu: Sao phải chần chừ!
Việc bỏ sổ hộ khẩu để quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc ... |
Câu chuyện hộ khẩu và tranh cãi cách quản lý cư trú trên thế giới
Mỹ, Australia không có hệ thống đăng ký nơi cư trú chính thức, Hàn Quốc đã bãi bỏ hệ thống hộ khẩu hoju, trong khi ... |
Ngày đăng: 15:00 | 20/10/2018
/ Lao động