Những ngày này, trên mạng xã hội lan truyền một số thông tin rằng Tập đoàn Sun Group đang lấn biển tại Cát Bà là phá hoại di sản, làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan biển Cát Bà. Họ dùng những lời lẽ rất độc địa, đầy ác ý và thậm chí còn rêu rao rằng Sun Group đã “phá nát” Fansipan, “phá nát” Bà Nà...
Ảnh minh họa |
Người viết bài này đã từng leo lên đỉnh Fansipan từ khi chưa có ai dám nghĩ đến chuyện xây dựng gì ở đây. Và thực sự, Fansipan cách đây 30 năm đã bị tàn phá một cách rất nặng nề. Nói thẳng ra, nếu không phải Sun Group đầu tư làm khu du lịch, thì cả vùng núi Fansipan không còn một cái cây!
Nói thế nhiều người sẽ cho rằng là thổi phồng. Nhưng ngay ở Hà Nội, có một khu du lịch cực kỳ nổi tiếng từ thời Pháp ở núi Ba Vì. Thời Pháp đã xây ở đây 82 biệt thự làm nơi nghỉ và nơi ăn chơi cho quan chức. Sau này, khu biệt thự đó được giao cho quân đội quản lý vì liên quan đến đất an ninh quốc phòng. Đến năm 1992, khu này giao lại cho địa phương quản lý và chỉ 3 năm sau, đã phá sạch 82 căn nhà, phá toàn bộ khu rừng xung quanh và săn bắt, tận diệt tất cả các loài thú, kể cả chuột.
Nhiều cán bộ của huyện Ba Vì bây giờ còn nhớ như in chuyện ngày xưa kéo nhau lên núi phá biệt thự, mang gạch đá, sắt thép về làm nhà, làm chuồng lợn, chuồng trâu. Cả một khu rừng nguyên sinh mênh mông là thế mà bị phá đến mức không còn một cây gỗ lớn nào. Toàn bộ khu này được hồi sinh chỉ từ khi có doanh nghiệp Công ty TNHH Phát triển Công nghệ đến đầu tư và làm ở đây. Họ đã khôi phục, trồng thêm cây mới.
Có một chuyện rất nhỏ, khu Melia Ba Vi Mountain Retreat là điểm đến rất được yêu thích mỗi mùa hoa dã quỳ. Nhưng mấy ai biết rằng, cây dã quỳ không hề có ở Ba Vì mà được ông Lương Ngọc Anh (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ, Chủ đầu tư Dự án Melia Ba Vi Mountain Retreat) mang từ Đà Lạt ra để trồng. Bởi ông thấy tại khu này chỉ còn cỏ tranh và cây lau, nên phải trồng một loại hoa nào đó để có cảnh quan.
Và bây giờ, Melia Ba Vi Mountain Retreat đã trở thành khu du lịch nổi tiếng.
Fansipan cũng vậy.
Ngày xưa muốn leo lên đỉnh Fansipan, nhanh thì hết 2 ngày, còn bình thường thì phải 3 ngày. Nếu không có tuyến cáp treo của Sun Group thì có lẽ số người lên được đỉnh Fansipan là rất ít. Có một điều không mấy người nhận ra, đó là khi doanh nghiệp đổ “núi tiền” để làm du lịch thì họ phải giữ gìn, bảo quản cảnh quan, coi như đó là nguồn sống của mình.
Khu Bà Nà ở Đà Nẵng cũng thế. Nếu không phải Sun Group đổ tiền đổ của ra, thì bây giờ mấy ai biết đến Bà Nà, và làm sao khu vực này trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung.
Còn Tập đoàn Vin Group thì tiếng tăm lừng lẫy bởi các khu du lịch, nghỉ dưỡng của Vinpearl. Vinpearl là thương hiệu du lịch - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam, sở hữu chuỗi khách sạn, resort, spa cùng trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf đẳng cấp 5 sao và các khu vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế, tọa lạc tại những danh thắng du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Sau hơn 20 năm không ngừng phát triển, đã có 44 cơ sở và 4 quần thể du lịch - giải trí của Công ty hiện đang có mặt tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc, bao gồm 30 khách sạn với công suất trên 15.900 phòng khách sạn và phòng biệt thự, 7 công viên chủ đề và công viên giải trí VinWonders, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf tại Việt Nam cùng 1 sân golf tại Úc và 1 học viện cưỡi ngựa đẳng cấp quốc tế. Vinpearl dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới.
Nếu không có các nhà đầu tư như Sun Group thì Quảng Ninh sẽ vẫn là một tỉnh sống chủ yếu nhờ hòn than. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã chuyển đổi được nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nghĩa là từ việc chỉ lo đi khai thác than, nay đã trở thành một tỉnh có du lịch cực kỳ phát triển, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ai đã từng đến Bãi Cháy vào thập niên 80 - 90 thì quá biết đây là nơi không ai muốn xuống tắm biển, bởi bãi biển ở đây lổn nhổn toàn đá, hứng toàn bộ nước thải của thành phố Hòn Gai và các vùng xung quanh. Nếu không phải Sun Group đầu tư hàng nghìn tỷ vào đây thì bây giờ làm gì có điểm du lịch sang trọng và hấp dẫn ở khu Bãi Cháy như thế.
Và ở rất nhiều điểm du lịch danh tiếng khác nữa, nếu như không có các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư vào làm, thì có lẽ ngành du lịch Việt Nam không có gì đáng nói!
Tất nhiên, trong quá trình xây dựng các khu du lịch thì không phải nơi nào cũng hoàn hảo, cũng sẽ có những sơ suất này, sơ suất khác; có những chuyện lạm dụng, lách luật, nhưng tổng thể thì phải ghi nhận sự đóng góp của các tập đoàn kinh tế tư nhân vào việc phát triển du lịch ở Việt Nam. Và Sun Group cũng chỉ là một ví dụ.
Trở lại Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh Trung tâm Cát Bà mà Sun Group đang xây dựng, hóa ra từ tháng 8/2024, báo chí cũng đã công bố rộng rãi các thông tin.
Dự án này nằm ngoài Khu dự trữ sinh quyển thế giới (vùng lõi); Không thuộc khu vực bảo vệ I, II của di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà; nằm ngoài vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Dự án Tọa lạc ngay sát trung tâm thị trấn Cát Bà, dự án được quy hoạch trên ý tưởng đưa Cát Bà thành một “tiểu Maldives của châu Á” với không gian giải trí quy mô, chất lượng và đẳng cấp.
Các hạng mục của dự án là quảng trường trung tâm, bãi tắm nhân tạo công cộng tiêu chuẩn quốc tế, các tuyến phố đi bộ cùng chuỗi dịch vụ sôi động hai bên. Những điểm nhấn kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh Lan Hạ sẽ đưa quảng trường trung tâm trở thành điểm hẹn văn hóa, không gian sinh hoạt công cộng tiện ích cho người dân, du khách… Dự án dành tới hơn 60% diện tích phát triển các tiện ích công cộng, cảnh quan, không gian xanh.
Xuyên suốt dự án là trục cảnh quan cây xanh, mặt nước công cộng bao quanh và len lỏi trong mọi hạng mục, tạo điểm đến xanh trong cảnh quan, xanh trong tiện ích sống cũng như xanh trong cơ sở hạ tầng.
Chỉ hơn 37% diện tích dùng cho đất thương mại và dịch vụ (shophouse thương mại dọc theo trục cảnh quan phục vụ phát triển du lịch).
Dự án được đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa, xử lý để đáp ứng nhu cầu nước ngọt trên đảo; cùng hệ thống xử lý nước thải, rác thải.
Điều đáng nói là Dự án không thuộc khu bảo vệ I, II Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà (Thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013).
Cụ thể:
Dự án cũng không thuộc khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà, không nằm trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Quần đảo Cát Bà.
Dự án cũng nằm ngoài vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (UNESCO công nhận tháng 9/2023).
Và Dự án KHÔNG nằm trong ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (nằm ngoài vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà). Ranh giới được phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-UBND ngày 27/02/2023 về phê duyệt kết quả Rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển. Dự án nằm ngoài các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; nằm ngoài phân khu phục hồi sinh thái; nằm ngoài phân khu hành chính của Vườn Quốc gia Cát Bà.
Như vậy là đã rõ. Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh Trung tâm Cát Bà của Sun Group không mảy may xâm phạm dù chỉ là 1 xăng-ti-mét vào những khu vực đã “cấm không được đụng đến”.
Điều kỳ lạ là những người cao giọng lên án Sun Group và chính quyền Hải Phòng không chịu bỏ vài phút ra tìm hiểu về dự án này trên các trang thông tin chính thống mà chỉ dựa vào vài bức ảnh công trường đang thi công rồi phán “như đúng rồi”. Vậy họ có hồ đồ khi “lên án” Sun Group hay không? Xin thưa là không! Họ có ý đồ cả đấy và trên hết là thể hiện tầm nhìn hạn hẹp, cùng thói đố kỵ cố hữu của người Việt.
Phải công nhận các ông chủ của doanh nghiệp đầu tư làm các khu du lịch là những người có thần kinh thép, có khát vọng xây dựng đất nước và có con mắt tinh đời. Vì thế họ mới dám bỏ tiền tấn ra đầu tư và thu về bạc lẻ… Một chuyên gia kinh tế cho tôi biết rằng, nếu đầu tư làm khu du lịch, thì trong hoàn cảnh thuận lợi mọi bề, lượng khách đến đúng như dự đoán, phải mất 15 năm đến 20 năm mới thu hồi được vốn.
Và quan trọng hơn nữa, nếu không có các doanh nhân đầu tư làm các khu du lịch, thì những nơi núi non hùng vĩ, những vùng đất có cảnh quan đẹp mãi mãi chỉ là “tiềm năng”. Còn muốn biến “tiềm năng” thành hiện thực, làm ra đồng tiền bát gao, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì phải có sự đầu tư…
Đơn giản vậy thôi!
Ngày đăng: 15:41 | 04/12/2024
Nguyễn Như Phong / PetroTimes