Trong lễ bế giảng năm học 2016 - 2017 Trường THPT Chuyên Long An (tỉnh Long An), có một hình ảnh làm nhiều người xúc động: Một cô bé chỉ cao chừng phân nửa các bạn lên nhận thưởng học sinh (HS) giỏi cả năm học và sau đó tham gia múa chính trong một tiết mục văn nghệ của trường. Tìm hiểu về cô bé, người viết phát hiện cả một câu chuyện cổ tích thú vị và cảm động.
Trong lễ bế giảng năm học 2016 - 2017 Trường THPT Chuyên Long An (tỉnh Long An), có một hình ảnh làm nhiều người xúc động: Một cô bé chỉ cao chừng phân nửa các bạn lên nhận thưởng học sinh (HS) giỏi cả năm học và sau đó tham gia múa chính trong một tiết mục văn nghệ của trường. Tìm hiểu về cô bé, người viết phát hiện cả một câu chuyện cổ tích thú vị và cảm động.
Chuyện cổ tích Bạch Tuyết - Chú Lùn
Chiến tranh đi qua, vùng quê nghèo xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trở nên điêu tàn, xơ xác. Trong số những mảnh đời bất hạnh ở vùng quê này khi ấy, anh Hồ Văn Đảnh (SN 1960) là bất hạnh nhất, anh chỉ cao chưa tới 1 mét (sau này trưởng thành anh cao được 1,1 mét), người lớn nói do anh bị rối loạn gì đó trong cơ thể.
Cha anh Đảnh hy sinh trong chiến tranh, anh mồ côi cha khi mới chút tuổi đầu. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, lại bị khuyết tật nặng, anh Đảnh không được đến trường, phải chịu cảnh mù chữ. Sau ngày giải phóng, dù là con liệt sĩ, nhưng với “khiếm khuyết” ấy, anh Đảnh tiếp tục chịu cảnh “thất học”. Nhờ người thân chỉ giúp, anh viết được đúng cái tên của mình.
Lớn lên trong hoàn cảnh bị khuyết tật nặng, sức khỏe kém, mù chữ, không nghề nghiệp, anh Đảnh trở thành gánh nặng cho gia đình, sống bên lề xã hội… Chuyện tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình đối với anh là thứ xa xỉ, nằm mơ anh cũng không dám thấy!
Cho tới một ngày cuối năm 1994, chàng trai khuyết tật tuổi “băm” tưởng như sẽ sống cảnh cô độc cho đến cuối đời, bỗng bị ngả nghiêng vì “tiếng sét ái tình”. Vị Thần Tình yêu lại cắc cớ cho anh trúng “mũi tên tình yêu” không phải từ một cô gái đồng cảnh ngộ (bị khuyết tật và nghèo), mà từ một nàng Bạch Tuyết - một cô gái trẻ (nhỏ hơn anh 8 tuổi), xinh đẹp, cao đến 1,6m, có học hành tương đối. Chị có cái tên đẹp - Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Tất nhiên, chuyện tình lạ lùng và “so le” ấy đã bị mọi người phản đối, cả gia đình anh Đảnh, bạn bè của cô gái, nhưng gay gắt và quyết liệt nhất là gia đình chị Thủy. Nhưng Bạch Tuyết và Chú Lùn đã kiên trì thuyết phục mọi người, vượt qua mọi thử thách.
Và chính tình yêu ngày càng sâu đậm giữa họ đã dần chinh phục mọi người, đưa đến cuộc hôn nhân sau đó hơn 1 năm. Ngày cưới, Chú Lùn đã “chơi sang” đem bán một nửa mảnh ruộng 2.500m2 của địa phương tặng cho gia đình chính sách để làm sính lễ trao nàng Bạch Tuyết.
Những ngày lãng mạn giữa Chú Lùn và nàng Bạch Tuyết rồi cũng đi qua, họ phải đối diện với cuộc sống thực tế, nhất là khi chị Thủy mang thai đứa con đầu lòng. Suy tư suốt 1 đêm dài với câu hỏi “Làm gì để nuôi vợ con?”, sáng hôm sau anh Đảnh đi bộ (anh không đi được xe đạp) đến đại lý vé số gần nhà xin cho bán vé số. Người chủ đại lý sau một thoáng bất ngờ đã giao xấp vé số cho anh đi bán mà không cần thế chân như những người khác.
Chuẩn bị sinh con, vợ chồng anh Đảnh hồi hộp, lo sợ không ngủ được, họ mong cho con giống mẹ, chứ đừng giống cha chỉ cao “một khúc”. Niềm vui vỡ hòa khi đứa bé gái chào đời bình thường, có “chân dài” giống mẹ. Quá vui, anh chị quyết sinh liền đứa con thứ hai, để rồi gần 2 năm sau ngày vui ấy lại đến, nhưng chỉ vui một nửa - lần này vợ anh Đảnh sinh được bé gái “chim cánh cụt” theo di truyền của cha!
Chuyện cổ tích thứ hai
Có được 2 đứa con, dù một bình thường, một khuyết tật, hạnh phúc của anh Đảnh - chị Thủy như được nhân đôi. Một mình anh Đảnh bán vé số không thể đủ nuôi vợ con, chị Thủy phải gửi con nhỏ nhà ngoại để đi bán vé số phụ chồng. Những bước đầu tiên chập chững vào đời của hai cô bé con anh Đảnh (Hồ Thị Thanh Thúy - chị, Hồ Thị Hồng Thắm - em) không phải là đi chơi trong Đầm Sen hay Suối Tiên, mà là đi bán vé số cùng ba mẹ.
Năm 2000, anh chị thay “túp lều lý tưởng” xiêu vẹo bằng “căn nhà tình nghĩa” do địa phương trao tặng gia đình chính sách, chỗ ở của gia đình đã khá hơn. Cuộc sống bình lặng cứ thế trôi qua, cho đến một ngày anh Đảnh đã hạnh phúc đến bất ngờ khi cô con gái khuyết tật đang học lớp 1 mang về nhà phần thưởng “HS giỏi” năm học 2006 - 2007.
Con nhà nghèo, lại bị khuyết tật, không có ai trong gia đình chỉ dạy, không một giờ học thêm (vì không có tiền), một buổi đi học một buổi phải đi bán vé số, thì học “lên lớp” đã là mừng, giờ lại là HS giỏi kèm theo phần thưởng và học bổng! Thương con, anh Đảnh không cho đi bán vé số để lo học, nhưng bé Hồng Thắm nhất định không nghe, hàng ngày vẫn đi bán phụ ba mẹ.
Và câu chuyện “em bé khuyết tật bán vé số học giỏi” đã được các bậc cha mẹ HS ở Hòa Phú đem ra “thị phạm” cho con mình suốt những năm Hồng Thắm học tiểu học và THCS. Liên tục là HS giỏi, được học bổng suốt bậc tiểu học, khi vào bậc THCS, Hồng Thắm chợt ao ước sẽ thi đậu vào Trường THPT Chuyên Long An.
Biết mơ ước của con, anh Đảnh kiên quyết bắt con nghỉ bán vé số để tập trung việc học, nhưng lần lữa mãi tới hết hè chuẩn bị vào lớp 7, Hồng Thắm mới từ giã nghề bán vé số đã gắn bó với em gần 10 năm.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 Trường THPT Chuyên Long An có khoảng 700 HS từ khắp các trường trong tỉnh đăng ký dự thi, tất nhiên đó đều là HS giỏi. Tỉ lệ “chọi” năm ấy là khoảng 1/3, trường chỉ tuyển hơn 200 trong tổng số 700 HS dự thi.
Trong số những HS trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh năm ấy, Ban Giám hiệu và thầy cô nhà trường đã bất ngờ và thú vị khi có một cô bé khuyết tật, chỉ cao hơn 1m, lại đậu điểm rất cao, tên Hồ Thị Hồng Thắm.
Chưa kịp vui mừng niềm hạnh phúc “con đậu trường chuyên” thì gia đình anh Đảnh phải gánh chịu thảm họa - chị Thủy vợ anh trên đường đi bán vé số đã bị tai nạn giao thông nặng, mất sức lao động, chỉ có thể đi lại quanh quẩn trong nhà, phụ việc nội trợ. Bây giờ, gánh nặng trong gia đình chất hết lên vai người đàn ông khuyết tật đã gần 60 tuổi, cùng đứa con gái mới lớn.
Sẽ có chuyện cổ tích thứ ba?
Hằng ngày, các bậc cha mẹ HS khi đưa rước con học Trường THPT Chuyên Long An chứng kiến một hình ảnh không thể cảm động hơn - một cô gái ốm yếu, ra dáng công nhân, chạy chiếc xe máy cà tàng chở theo 2 người khuyết tật chỉ cao khoảng 1 mét. Xe đậu, cô gái đỡ từng người xuống xe, xong chạy đi, để lại cô bé khuyết tật vào học trường chuyên và người đàn ông khuyết tật đi bán vé số quanh quẩn khu vực.
Người chị Hồ Thị Thanh Thúy đã đi làm công nhân khi mới 19 tuổi đầu để cho đứa em khuyết tật được tiếp tục đi học. Hằng ngày, trên đường đến nhà máy, người chị tranh thủ đưa rước cha và em đến trường chuyên (cách nhà hơn 10 cây số), em thì đi học, cha bán vé số. Nhiều bữa, đứa em bận học kéo dài, ra trễ, người chị vẫn kiên trì ngồi chờ đợi em, có khi phải ngủ gật trên băng đá trước cổng trường!
Kết thúc lớp 11 (năm học 2017 - 2018), Hồng Thắm lại được khen thưởng HS giỏi. Không chỉ học giỏi, em còn là nòng cốt trong nhiều hoạt động của Đoàn trường. Chuẩn bị vào lớp 12, rồi vào đại học, HS thường “luyện gà” ngay từ 3 tháng hè, kéo dài suốt cả năm học lớp 12.
Hỏi Thắm chuẩn bị gì cho năm học cuối cấp, em cho biết hiện em được địa phương cấp tiền “Người khuyết tật” 540.000 đồng/tháng, em sẽ tìm chỗ ôn luyện với số tiền đó. “Ba và chị Hai vất vả lo đủ mọi chuyện cho gia đình và cho con, không thể vì chuyện học thêm của con mà ba và chị thêm nặng gánh, con sẽ tự học là chính”.
Hỏi về dự định sẽ vào học trường gì sau khi tốt nghiệp THPT, Thắm nghĩ ngợi một chút rồi bùi ngùi nói: “Là HS chuyên Sinh, con mơ ước được vào Trường Đại học Y dược. Nhưng nghe nói học ngành này tốn tiền nhiều lắm, mà gia đình con nghèo, không có khả năng. Với lại con bị khuyết tật, thể trạng yếu hơn bình thường, không tự đi lại bằng xe đạp được, mà học ngành Y thì cần nhiều đến sức khỏe…”.
Tôi tự hỏi, liệu có phép màu nào giúp cô bé “chim cánh cụt” đáng yêu thực hiện được ước mơ của mình - vào học ngành y và trở thành bác sĩ. Khả năng tự thân của em (học lực) có thể đáp ứng được, nhưng chi phí và sức khỏe, những điều em không tự quyết được, có vẻ như rất xa ngoài tầm tay.
Sẽ tiếp tục là một câu chuyện cổ tích nếu có lúc nào đó cô bé “chim cánh cụt” tốt nghiệp trường y, trở thành bác sĩ, ra trường giúp lại các trẻ em nghèo khuyết tật giống như mình.
Từ tấm gương của em mà nhiều trẻ em khuyết tật khác sẽ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, cố gắng học tập tốt, vươn lên trong cuộc sống. Các em chẳng những không là gánh nặng cho gia đình và xã hội mà trái lại, còn là nguồn cảm hứng thú vị cho cả những người lành lặn bình thường!
Những mảnh đời trôi nổi của người Việt trên Biển Hồ
Những người gốc Việt trên Biển Hồ phải tìm cách ứng phó với với thiên tai, dòng nước mà cả với tình trạng bấp bênh ... |
Mái nhà chung làm ấm lòng những mảnh đời lạc lõng
Hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh phong tại xã Drây Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, cuối cùng cũng tìm được mái nhà chung ... |
Ngày đăng: 09:45 | 12/06/2018
/ https://laodong.vn