Để có được những dòng tin dự báo thời tiết phục vụ người dân là cả quá trình làm việc “cân não”, có đánh đổi, có hy sinh của những người làm công tác dự báo khí tượng.
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng GĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia chia sẻ chuyện bếp núc trong nghề.
Những ngày gần Tết, tôi có dịp ngồi trò chuyện với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, người có 36 năm công tác trong ngành để nghe những câu chuyện bếp núc trong công việc mà những người trong ngành gọi vui với nhau là “khám bệnh cho trời”.
Các bác sĩ bắt mạch cho trời
Nói về công việc của mình, ông Lê Thanh Hải tâm sự, dự báo khí tượng thủy văn có hai việc, đó là “chẩn” và “đoán”, những người làm công tác này luôn phải theo dõi những diễn biến của thời tiết để đưa ra những cảnh báo kịp thời và sát với thực tế. Để có được một bản tin hoàn chỉnh, có thể phải xem xét trong cả buổi sáng nhưng khi đưa quyết định chỉ trong vòng 15, 20 phút. Công việc này đòi hỏi độ chính xác, tin cậy cao, vì nếu như không cảnh báo được một hiện tượng thiên tai sẽ gây nên những thiệt hại lớn về người và của.
Để đưa ra được những bản tin dự báo là sự chung sức của rất nhiều người. Đầu tiên, những quan trắc viên ở các trạm khí tượng trên cả nước thay phiên nhau làm việc, cứ 3 giờ lại một lần gửi số liệu quan trắc về trung tâm. Thông tin này sẽ được cho vào một kho dữ liệu để dùng chung và do Tổ chức Khí tượng thế giới điều tiết, đồng thời cũng được chuyển cho trung tâm kỹ thuật để xử lý rồi truyền về Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương.
Và tại đây những người làm công tác dự báo sẽ thực hiện công việc của mình. “Chúng tôi gọi mình là các bác sĩ bắt mạch cho trời, cho khí quyển, đưa ra những chẩn đoán. Tuy nhiên đã gọi là dự báo thì luôn có những sai số, cả đời tôi phấn đấu theo con đường này cũng chỉ biết cố gắng cho sai số đó nhỏ lại chứ sai số không bao giờ bằng 0 cả” – ông Hải tâm sự.
Căng não trong những bản tin dự báo thiên tai
Nếu như những ngày bình thường, những người làm công tác dự báo khí tượng làm việc theo ca, kíp trực thì những đợt có thiên tai, mưa bão cả hệ thống phải vận hành liên tục 24/24. “Từng phút chúng tôi phải theo dõi từng diễn biến, từng bức ảnh mà rada gửi về xem cơn bão đi đến đâu, mạnh lên hay yếu đi để đưa ra cảnh báo cho kịp thời”.
Kể về cơn bão cuối mùa tháng 12.2017 Tembin vừa qua, ông Lê Thanh Hải nhớ lại, đây là một cơn bão rất mạnh đã quan trắc được ở các đảo, các nhà giàn, sóng cao tới 10 – 12m. Trên các trạm quan trắc ở Trường Sa lớn, các quan trắc viên phải làm việc liên tục, cứ nửa tiếng gửi số liệu về một lần.
“Ở đó có rất nhiều đồng bào, chiến sĩ nên chúng tôi đã phải liên tục đưa ra những cảnh báo cho khu vực này. Nam Bộ là vùng rất ít gặp bão, chúng ta lại vừa nhớ lại 20 năm ngày thảm họa do cơn bão Linda gây ra năm 1997. Tất cả những điều đó tạo nên những thách thức cho chúng tôi. Khi đó, cả hệ thống gần 3.000 người trên khắp mọi miền Tổ quốc phải vận hành, theo dõi từng giây từng phút” – ông Hải tâm sự.
Những hy sinh thầm lặng
Để trưởng thành và trở thành những người dự báo khí tượng thủy văn là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện của những người chọn đi theo con đường này. Trong suốt 36 năm trong nghề, ông Hải có những kỉ niệm vui buồn không thể quên.
Nhớ lại thời đầu những năm 1980 khi công tác liên lạc còn nhiều khó khăn, không có máy fax, hệ thống mạng chưa hỗ trợ thì thời đó, sáng nào vào lúc 4h30 cũng có một người làm công tác vận chuyển liên tục đến nhận bản tin rồi đạp xe sang Đài Tiếng nói Việt Nam để giao nhận.
“Có một hôm trời mưa rất to, xe của người đưa tin hỏng nên không thể đến đúng giờ được, mà 5h15 phút Đài Tiếng nói Việt Nam phải phát đi bản tin đó nên chúng tôi phải kiêm luôn công tác liên lạc, lấy xe đạp của mình phóng nhanh sang Đài. Có những lúc khẩn cấp đến mức chúng tôi phải tự chạy lên phòng thu, mang bản tin cho phát thanh viên vì thời gian lúc đó không còn nhiều nữa” – ông Hải nhớ lại thời kỳ khó khăn.
Với những người làm công tác dự báo trong những dịp lễ tết, đều phải chấp nhận làm việc trong khi mọi người đã có thể nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình người thân. Những năm phải trực giao thừa, ông Hải và một số đồng nghiệp không được đón thời khắc năm mới cùng với gia đình, cả phòng làm việc có khoảng 7, 8 người vừa làm việc vừa ngóng năm mới.
“Khi đó, chúng tôi coi cơ quan như nhà của mình, phân công người đi mua cành đào, hoa tết. Chúng tôi cũng mở rượu chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới, mà câu chúc nhận được nhiều nhất đó là chúc cho mưa thuận gió hòa” - ông Hải nói.
Ngày đăng: 09:18 | 17/02/2018
/ https://laodong.vn