"Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam trong vài ngày tới là một chuyến thăm rất đặc biệt", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nói khi trả lời báo chí chiều 8/9/2023, trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden (diễn ra ngày 10-11/9).
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).
Đồng thời, sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống trong gần 30 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ, đó là các đời Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.
Việc bảo vệ cho Tổng thống Mỹ bao giờ cũng là công việc khó khăn và cực kỳ phức tạp.
Nhân dịp này, PetroTimes xin trích giới thiệu lại phóng sự của nhà báo Nguyễn Như Phong viết về việc bảo vệ Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam vào tháng 11/2000.
***
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam lần đầu tiên tháng 11/2000. |
22 giờ 50 phút ngày 16-11-2000, chiếc máy bay Boeing 747 vốn được mệnh danh là "Không lực 1" chở Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Clinton hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Nửa giờ đồng hồ sau, Tổng thống B.Clinton và cô con gái rượu lên chiếc xe Limousine mang biển số 800-02 Goverment về Hà Nội.
Qua cầu Thăng Long, chúng tôi thấy nhân dân đứng kín hai bên đường và nhìn đoàn xe dài có đến gần 3km bằng con mắt tò mò. Có lẽ họ đã nghe nói và được xem phim, nhưng đây là lần đầu tiên mọi người được biết xe chở Tổng thống Mỹ là xe gì và xe chống đạn là xe thế nào, xe thông tin liên lạc qua vệ tinh hình thù ra sao... và là lần đầu tiên họ thấy có đoàn xe dài đến thế.
Đoàn xe chạy với tốc độ gần 100km/h và trên đường đi, nhiều lần Tổng thống vẫy tay chào các chiến sĩ cảnh vệ Việt Nam đi xe môtô hộ tống hai bên.
Trong lịch sử ngoại giao thế giới, có lẽ việc chuẩn bị cho Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đi ra nước ngoài là sự tổ chức cầu kỳ, tốn kém nhất và đặc biệt là khâu đảm bảo an ninh. Hình như do Mỹ là nước mà các tổng thống hay bị chính thần dân của họ ám hại cho nên họ nghĩ rằng quốc gia nào cũng giống họ, nghĩa là có nhiều người luôn rình cơ hội để "đòm" tổng thống.
Của đáng tội, Mỹ là nước có nhiều đồng minh nhưng cũng là quốc gia gây lắm tai ương cho các dân tộc khác cho nên tổng thống là người gánh tội, đó là lẽ đương nhiên. Trong thời kỳ Mỹ xâm lược Việt Nam, tổng thống Mỹ mỗi khi đi đâu là cà chua, trứng thối bay vù vù vào xe, còn bây giờ, những phần tử Hồi giáo cực đoan thì cam đoan là không từ một thủ đoạn nào kể dùng bom cảm tử, tên lửa, súng bắn tỉa tầm xa... đến các kiểu nhồi thuốc nổ vào ôtô.
Trong ánh mắt của toàn thế giới thì gắn liền với hình ảnh của Tổng thống Mỹ là những vệ sĩ cao gần hai mét, tóc cắt cua, đeo kính đen, một lỗ tai nhét ống nghe của máy bộ đàm cực nhỏ và dáng đi khệnh khạng, khi đứng thì bắt chéo tay trước bụng. Một vấn đề nữa là Mỹ cũng luôn tỏ ra là lắm tiền nhiều của, là nước lớn, là siêu cường trên thế giới, cho nên tổ chức chuyến đi cũng phải thật oai, thật rầm rộ. Và cũng từ những điều đó, cho nên các nhân viên an ninh Mỹ thường có thái độ kẻ cả, không tin ai và cực kỳ bảo thủ.
Ông Clinton được người dân Việt Nam chào đón. |
Trong chuyến Tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân sang thăm Việt Nam vừa qua cũng là một ví dụ điển hình.
Phải công nhận rằng trong các tổng thống Mỹ từ năm 1945 trở lại đây, Tổng thống Bill Clinton là người duy nhất đã có những đánh giá đúng mức và trân trọng một dân tộc Việt Nam giàu truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa. Ông cũng là người góp phần quan trọng vào việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Ngay sau khi trúng cử tổng thống, ông đã ra lệnh xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam kéo dài hơn 20 năm qua, rồi tiếp theo là hai nước đặt quan hệ ngoại giao, ký hiệp định thương mại v.v... Vì vậy, chuyến đi thăm lần này của ông được coi là bình thường và cũng là ... không bình thường.
Bình thường bởi lẽ, hai nước đã có quan hệ ngoại giao thì việc người lãnh đạo quốc gia này sang thăm quốc gia kia là lẽ thường và nhất là những cuộc thăm viếng đó nhằm củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước , tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Còn không bình thường là bởi vì mấy chục năm qua, nước Mỹ là kẻ đã gây ra bao đau khổ cho nhân dân Việt Nam. Từ những năm 1950, Mỹ đã rót tiền, vũ khí cho thực dân Pháp để chống lại Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Rồi khi Pháp thua, Mỹ nhảy vào cuộc và đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, một cuộc chiến tranh phi nghĩa nhất, tàn bạo nhất, tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi thua, Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế bằng cách cấm vận...
Một lẽ không bình thường nữa là chuyến viếng thăm Việt Nam lần này, có cả đệ nhất phu nhân, bà Hillary đi cùng. Đã hai năm rồi, bà không đi cùng chồng ra nước ngoài. Và không chỉ có thế, còn có cả cô con gái Chelsea và bà mẹ vợ Tổng thống... đó là điều chưa từng có trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống của Bill Clinton.
Còn đối với an ninh Mỹ, họ đã biểu thị một sự lo lắng quá mức cần thiết. Họ không biết rằng người Việt Nam tuy chưa quên những gì Mỹ đã gây ra cho Việt Nam hơn 40 năm qua nhưng cũng là dân tộc vị tha hiếm có.
Truyền thống đó có từ thời nhà Trần khi cấp thuyền cho hàng tướng Toa Đô về nước, và đến thời nhà Lê, Nguyễn Trãi đã từng viết trong "Cáo Bình Ngô": "...Tướng giặc như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng. Thể lòng trời ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể vẫn còn hồn bay phách lạc. Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa. Về đến nước vẫn còn tim đập chân run. Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng. Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức...".
Để đảm bảo an ninh cho Tổng thống, trước đó, đã có ba đoàn tiền trạm từ Mỹ sang và một đoàn của Đại sứ Mỹ ở Việt Nam.
Đoàn thứ nhất gọi là đoàn "tiền trạm địa hình". Đoàn này có trách nhiệm đi khảo sát tất cả những nơi mà Tổng thống Mỹ sẽ tới, tất cả những tuyến đường chính và các tuyến phụ khác mà đoàn có thể đi qua. Họ tính toán một cách cực kỳ tỉ mỉ lưu lượng xe cộ trong từng thời gian khác nhau, đồng thời nghiên cứu toàn bộ địa hình, địa vật nơi Tổng thống sẽ đặt chân tới.
Tiếp đó là đoàn thứ hai gọi là đoàn "tác chiến địa hình". Trên cơ sở báo cáo của đoàn trước, đoàn này có trách nhiệm nghiên cứu vạch ra kế hoạch tác chiến khi có các sự cố xảy ra. Đồng thời đặt ra những yêu cầu về an ninh.
Rồi đến đoàn thứ ba gọi là đoàn "tổng tiền trạm". Đoàn này xem xét lại lần cuối kết quả của hai đoàn trước nhưng không đưa ra quyết định gì. Mọi ý kiến, mọi đề nghị đều mang về Mỹ nghiên cứu và trả lời sau.
Còn có một đoàn nữa là đoàn của An ninh sứ quán Mỹ. Họ lẳng lặng đi kiểm tra những cửa hàng mà dự định phu nhân Tổng thống sẽ đến mua hàng, rồi kiểm tra trăm thứ bà rằn khác nữa.
Và thế là an ninh Mỹ đã đưa ra những yêu cầu hết sức quái gở: Nào là phải đóng tất cả cửa sổ các nhà cao tầng quanh nơi tổng thống ở và trên một vài tuyến đường. Họ tự sắp xếp tuyến đường đi và nếu là đường một chiều thì họ đi luôn cả chiều bên trái...
Nào là phải để cho lính đặc nhiệm Mỹ với trang phục màu đen và súng tiểu liên cực nhanh rải suốt con đường từ Nội Bài về Hà Nội. Nhưng thế chưa đủ, họ còn yêu cầu phải để cho máy bay trực thăng gắn đại liên đi tuần trên bầu trời Hà Nội, thậm chí cả khu vực Chủ tịch phủ và Văn phòng Trung ương Đảng.
Rồi họ đề nghị cho đội quân bắn tỉa trang bị súng MP5 đi mai phục trên một số nóc nhà cao tầng, cho lực lượng chống khủng bố với trang phục riêng đi tháp tùng Tổng thống; cho lắp súng trên một số xe ôtô... và cuối cùng là họ đề nghị việc đảm bảo an toàn cho Tổng thống thăm Việt Nam là do An ninh Mỹ đảm nhiệm, còn An ninh Việt Nam sẽ đóng vai trò... phối hợp.
Quả là những đòi hỏi cực kỳ vô lý và chứng tỏ an ninh Mỹ chẳng hiểu biết gì về Việt Nam. Dĩ nhiên là những yêu cầu đó của họ đã bị lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam bác bỏ toàn bộ.
Chúng ta thông báo cho họ biết rằng Tổng thống B.Clinton là khách mời của Chủ tịch nước CHXHCNVN thì Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho Tổng thống. Lực lượng Công an Việt Nam cùng Quân đội nhân dân đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ các nguyên thủ vào những thời điểm còn khó khăn, phức tạp hơn hiện nay rất nhiều.
Sau nhiều cuộc đàm phán gay go, thậm chí có lúc căng thẳng, cuối cùng họ phải chấp nhận thực hiện theo các phương án bảo vệ của ta.
Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và con gái Chelsea tới Việt Nam cùng Tổng thống Clinton trong chuyến thăm đầu tiên. |
Sẽ không có một chiếc trực thăng nào của Mỹ được phép bay trên bầu trời Hà Nội mà cứ việc đỗ ở sân bay Nội Bài cho mọi người... ngắm.
Không có một người lính đặc nhiệm Mỹ nào cùng với các loại súng dài được phép đi cùng Tổng thống vào Việt Nam. An ninh Mỹ chỉ được mang 15 khẩu súng ngắn và phải được đăng ký.
Nhân viên An ninh Mỹ cũng như các lực lượng bảo vệ khác như mật vụ, tình báo, phản ứng nhanh không được mặc trang phục riêng mà phải mặc... complê.
Tổng thống Mỹ cùng gia đình ở tầng 17 của khách sạn Daewo thì An ninh Mỹ sẽ lo toàn bộ việc bảo vệ từ tầng 16 trở lên, còn tất cả các nơi khác vẫn do An ninh Việt Nam phụ trách.
Trừ hành lý của Tổng thống và gia đình là không bị kiểm tra, còn tất cả mọi thành viên khác, khi ra ngoài, lúc trở về khách sạn cũng đều phải kiểm tra qua cổng từ.
13 giờ ngày 16-11, tôi đi cùng xe với đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Tư lệnh Cảnh vệ ra sân bay đón bà Hillary. Trên xe, tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh toàn kể những chuyện đâu đâu, dường như trong anh, việc bảo vệ Tổng thống Mỹ không có gì đáng phải lo lắng quá.
Lúc ở sân bay, tôi có gặp Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội, anh cũng bình thản như không, trong khi đó, nét mặt các nhân viên An ninh Mỹ đầy vẻ căng thẳng. Họ đứng kè kè bên cạnh chiếc xe Chevrolet chở phu nhân và các xe khác của đoàn Mỹ.
Qua phiên dịch, một nhân viên an ninh Mỹ cho chúng tôi biết đây là những chiếc xe được chế tạo đặc biệt và bền vững như một chiếc... xe tăng. Chỉ là xe 4 chỗ ngồi nhưng nó nặng hơn 5.000kg, được trang bị động cơ cực mạnh, 100km uống hết 80 lít xăng.
Trên xe có hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống liên lạc qua vệ tinh, có máy dò chất độc, đo phóng xạ... Cũng cần phải nói thêm rằng để phục vụ cho Tổng thống và đoàn, phía Mỹ đã đưa sang 20 chiếc xe chống đạn, để 10 chiếc ở TP. Hồ Chí Minh, 10 chiếc ở Hà Nội. Chi phí vận chuyển một chiếc xe từ Mỹ sang là 75.000 USD. Trước đó đoàn Mỹ đã sử dụng đến 10 chuyến bay để chở các đoàn tiền trạm, chở các loại thiết bị vật tư, xe cộ và nhân viên.
Chuyến bay của bà Hillary là chuyến thứ 11 và chuyến của Tổng thống Mỹ là chuyến 14 . Trước lúc chiếc "Không lực 1" hạ cánh 10 phút, là chiếc máy bay phản lực hai động cơ của An ninh Mỹ hạ cánh.
Họ có nhiệm vụ đi... kiểm tra đường băng và các khâu liên quan đến việc hạ cánh của "Không lực 1".
Tổng thống Bill Clinton phát biểu tại nơi tìm hài cốt phi công Mỹ. |
Ngoài ra còn có 3 chiếc trực thăng kèm theo động cơ "sơ-cua". Chưa hết, họ còn đưa hệ thống đèn pha đến sân bay Nội Bài cùng máy nổ, đề phòng lúc máy bay Tổng thống hạ cánh, đèn sân bay bị... hỏng. Đoàn tháp tùng Tổng thống có 1.500 người, trong đó có 250 nhân viên an ninh cùng 5 con chó nghiệp vụ và cứ một con chó thì có hai người phục vụ.
Đi đưa tin về chuyến đi này có 350 nhà báo nước ngoài. Sứ quán Mỹ ở Việt Nam đã sử dụng 270 ôtô và 1.000 người để phục vụ đoàn.
Kế hoạch chi tiết bảo vệ cho Tổng thống Mỹ và đoàn cụ thể thế nào, cánh làm báo chúng tôi sẽ không bao giờ được biết. Chỉ thấy có một vấn đề mà tôi thấy các anh lãnh đạo Cục Cảnh vệ, Công an Hà Nội "hơi sợ" đó là trật tự giao thông ở Hà Nội.
Mặc dù lực lượng CSGT của Công an Hà Nội đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đưa đón phái đoàn nhưng có giời mà biết điều gì xảy ra khi dân chúng rất hiếu kỳ, xô ra xem ôtô và nếu hôm đó, đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng đội Inđônêxia thì đường phố ắt đông như hội.
15 giờ 15 phút, bà Hillary về đến khách sạn Daewo. Nhưng đùng một cái nửa tiếng sau, Sứ quán Mỹ thông báo là bà muốn đi đến mấy cửa hàng mỹ nghệ, tranh, hàng lụa ở phố Nguyễn Hữu Huân, Văn Miếu, Hàng Gai, ngõ Yên Thế. Một việc hoàn toàn bất ngờ và không có trong kế hoạch, vậy mà các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ và Công an Hà Nội không hề bối rối.
Mất năm phút bàn bạc, việc triển khai bảo vệ và dẹp đường đã xong. Thế rồi khi chỉ còn 5 phút nữa là đến giờ xuất phát, phía Mỹ lại thay đổi kế hoạch. Lẽ ra đến cửa hàng ở phố Nguyễn Hữu Huân trước thì họ lại đổi là đến cửa hàng ở Văn Miếu trước...
Tôi thấy Thiếu tướng Phạm Chuyên bảo "chuyện vặt" và cũng chỉ sau vài mệnh lệnh ngắn gọn, các anh thông báo với người phụ trách an ninh của Mỹ là xin mời xuất phát. Về sau, đoàn Mỹ cũng hay có những thay đổi bất thường như vậy, đặc biệt là họ thích Tổng thống của họ đi cổng phụ hơn là đi cổng chính.
Lúc đưa Tổng thống về khách sạn và lúc đến Nhà hát Lớn thành phố, họ toàn đề nghị đi cổng phụ. Nhưng các lực lượng công an đã không để xảy ra một trục trặc nhỏ nào trong khâu giữ an ninh và trật tự giao thông.
Tướng Nguyễn Văn Hưởng (thứ 5 từ trái sang) chỉ huy bảo vệ Tổng thống Bill Clinton tại nơi tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ (năm 2000). Tác giả bài viết đứng thứ 4 từ trái sang. |
Sáng ngày 18, Tổng thống Mỹ đến thăm nơi tìm kiếm hài cốt viên đại úy phi công Lauren Evert tại xã Tiền Châu, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Cách đây 33 năm, cũng vào tháng 11, trong khi lái chiếc F105D đi ném bom chiếc cầu đường sắt, chiếc F105D bị trúng đạn phòng không và lao cắm đầu xuống ruộng lúa cách con đường sắt hơn trăm mét.
Theo lời nhân dân kể lại thì chiếc máy bay lao xuống ruộng tạo thành hố sâu đến 7 mét và nổ tung. Phần thân máy bay đã được bà con nhặt nhạnh đem về đúc soong, nồi...
Rất nhiều nhân viên An ninh Mỹ có mặt ở đây. Nhưng trong tay họ không có súng mà chỉ có những chiếc ống nhòm tiêu cự lớn. Được biết chúng ta đã phải thay đổi giờ tàu chạy. Trong thời gian Tổng thống đến thăm, không có chiếc tàu nào được đi qua.
Chiều ngày 18, trước lúc Tổng thống Mỹ vào thăm TP. Hồ Chí Minh, ông Samuel Berger, trợ lý đặc biệt của Tổng thống về an ninh quốc gia đã gặp, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ. Ông cho biết Tổng thống Mỹ đã rất vui trong chuyến thăm Việt Nam lần này.
Là người chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho Tổng thống trong các chuyến đi ra nước ngoài, ông rất ngạc nhiên trước sự tổ chức bảo vệ rất khoa học, không phô trương và cực kỳ hiệu quả của Công an Việt Nam. Lát sau người phụ trách an ninh cho biết, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ muốn được gặp để cảm ơn lãnh đạo Cục Cảnh vệ Việt Nam.
Tôi không chụp được bức ảnh Tổng thống bắt tay, cảm ơn các anh trước lúc lên đường bởi lẽ bà chụp ảnh của tòa Nhà Trắng với bảy chiếc máy ảnh đeo trên người cùng ba bình ắc quy các loại cứ đi giật lùi trước Tổng thống Bill Clinton chỉ có một mét, mà lưng của bà ta thì to như cánh phản...
Thời gian dành cho cuộc gặp lại chỉ có...3 phút!
(Còn tiếp)
Chuyện bảo vệ Tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000 (petrotimes.vn)
Ngày đăng: 10:26 | 10/09/2023
Như Phong / Petrotimes