Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa sợ vì chỉ có một mình trên trạm. Mưa to, gió lớn, tuyết rơi chị vẫn phải ra vườn quan trắc.
Một giờ đêm, nhiệt độ xuống còn 4-5 độ, Sa Pa chìm trong sương mù và giá buốt của ngày giữa đông, đứng cách nhau 1 mét không nhìn thấy mặt nhau.
Ánh đèn vàng hắt ra từ trạm khí tượng - là ngôi nhà xây nhỏ bé, cũ kỹ chênh vênh trên ngọn đồi, một bóng người lúi húi ghi ghi chép chép số liệu, rồi lách tách gõ bàn phím. Lặng lẽ…
Chị Tô Thị Hội (sinh năm 1984, quê Yên Bái), Trạm trưởng Trạm Khí tượng Sa Pa kể, trạm thuộc thị trấn Sa Pa (Lào Cai), ở độ cao 1.584m so với mực nước biển. Trạm thành lập năm 1959, chị gắn bó với nơi đây từ năm 2006.
Các trạm khí tượng ở Sa Pa được xem là “con mắt” dự báo sớm nhất vì những đợt không khí lạnh, gió mùa, tuyết rơi ở đây cảm nhận được đầu tiên. Chính vì vậy, việc báo số liệu về trung tâm phải luôn được thực hiện chính xác, kịp thời.
Do trạm chỉ có 3 quan trắc viên, thay phiên nhau đi ca nên trực đêm là điều quá quen thuộc. Công việc hàng ngày của chị Hội và các quan trắc viên là ghi chép số liệu bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, rồi quan trắc tầm nhìn ngang, các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, bốc hơi…
Tất cả những con số này được các quan trắc viên ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác tuyệt đối, sau đó sẽ chuyển về Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, rồi đến Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc (TP Việt Trì, Phú Thọ), và chuyển tiếp về Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Hà Nội), để các chuyên gia phân tích thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày.
Theo quy định của ngành khí tượng, một ngày các trạm phải thực hiện đủ 4 kỳ quan trắc vào các khung giờ: 1h, 7h, 13h và 19h. Mỗi kỳ được gọi là 1 “ốp”. Ca trực của quan trắc viên kéo dài trọn 24 giờ - từ 7h sáng đến 7h sáng hôm sau, với 4 lần đi “ốp”, kể cả lễ tết hay thứ bảy, chủ nhật.
Trước lúc vào “ốp”, quan trắc viên phải kiểm tra máy móc, thiết bị , sổ sách và phương tiện thông tin. Đến đúng khung giờ, quan trắc viên sẽ kiểm tra thiết bị trong vườn khí tượng và ghi chép các số liệu rồi thảo mã, phát báo chuyển dữ liệu về trung tâm.
Chị Hội cho biết, thời gian đầu mới về trạm, chị sợ, vì chỉ có một mình trên trạm vào các ca trực, lo rằng “có làm sao chắc cũng chả ai biết”.
Ban ngày, nắng mưa, bão tuyết thế nào cũng có thể khắc phục, nhưng “ốp” 1h sáng là thử thách lớn, nhất là khi nhiệt độ xuống quá sâu hoặc băng tuyết xuất hiện, những người làm nghề quan trắc như chị Hội bắt buộc phải thức trắng đêm, xem giờ nào xuất hiện, giờ nào kết thúc băng tuyết, đo các điểm xem độ dày của tuyết, công việc gấp 2-3 lần ngày thường.
Chị Hội lấy chồng cùng quê Yên Bái, khi vừa cưới được một tuần thì chị nhận tin đỗ công chức và được phân công về Trạm Khí tượng Sa Pa.
Chị nhớ lại hồi đầu, chưa có phương tiện đi lại, đường lên trạm độ ấy khổ vô cùng, một mình đi bộ trong đêm lên chỗ làm việc, chị vừa đi vừa khóc, hoặc hát, hét dọc đường để át đi nỗi sợ hãi.
“Có hôm không phải ca trực, đang ngủ giật mình tỉnh giấc không biết tới ốp của mình hay chưa, luôn ám ảnh nỗi sợ bị muộn ốp, tay tìm vội chiếc đèn pin như ngày trực ca ra vườn khí tượng”, chị kể.
Năm đầu tiên công tác, chị đón giao thừa tại trạm. Tiếng chuông chuyển giao năm cũ sang năm mới dưới nhà thờ thị trấn vang vọng lên làm người vợ trẻ rơi nước mắt trong nỗi nhớ cồn cào về gia đình và người chồng mới cưới. Chị cố phải quen với nỗi cô đơn…
Hơn chục năm nay, chồng và các con chị đã chuyển từ Yên Bái lên Lào Cai để gia đình được sống gần nhau. Những đêm mịt mùng của chị ở trạm đã bớt hiu quạnh hơn.
Chị Đào Thị Thanh Nga (sinh năm 1979, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu khí hậu nhiệt đới núi cao Sa Pa) có 17 năm công tác ở Trạm Khí tượng Sa Pa.
Anh Đặng Ngọc Luân (chồng chị) nhớ lại, có hôm vợ vào ca, thấy mưa giông sấm sét ầm ầm, anh chạy vội lên trạm xem tình hình. Thấy im hơi lặng tiếng, anh đã thắt lòng lo vợ bất an. Ra vườn khí tượng anh mới thở phào thấy vợ vẫn hí húi ghi chép.
Vợ chồng anh Đặng Ngọc Luân và chị Đào Thị Thanh Nga
Với nghề quan trắc khí tượng, quy định về giờ đi “ốp” là bắt buộc, tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ một cách chính xác. Máy móc đã mặc định các khung giờ, mọi người đi “ốp” và báo cáo số liệu không được nhanh hay chậm một phút. Bởi chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó giám đốc Đài Khí tượng khu vực Việt Bắc có nhiều năm làm quan trắc viên. Ông chia sẻ, công việc của các quan trắc viên gặp nhiều khó khăn do các trạm khí tượng thủy văn thường đặt trên các khu vực núi sao, sông sâu, xa khu dân cư.
Quan trắc viên được ví như chiến sĩ làm công tác đo đạc để có được những số liệu chính xác nhất, giúp đưa ra những bản tin thời tiết, cảnh báo thiên tai đến người dân…
Mỗi bản tin chỉ dài chưa đầy một trang giấy A4, nhưng trách nhiệm của người làm ra chúng thì vô cùng lớn lao.
Qua “ốp” 1h sáng, trong trạm khí tượng, chậu than đốt lên để xua bớt phần giá lạnh vẫn đỏ lửa. Quan trắc viên yêu nghề “khám bệnh ông trời” chuẩn bị cho “ốp’ mới. Phía dưới chân núi, thị trấn Sa Pa vẫn rực rỡ ánh đèn.
Thái An - Thành Nam
Những hình ảnh đẹp về phụ nữ vùng núi cao Tây Bắc
Giữa non cao hùng vĩ, những người phụ nữ vùng cao Tây Bắc lọt thỏm trong bình minh hay ráng chiều với những công việc ... |
10 phụ nữ giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản hơn 240 tỷ USD
10 phụ nữ giàu nhất thế giới 2019 theo Forbes đều thừa kế tài sản từ gia đình hay chồng mình. Có người tiếp tục ... |
Phụ nữ đừng đợi tới 8/3 mới tô son, hãy là nữ hoàng suốt 365 ngày
Phụ nữ xứng đáng với những điều đẹp đẽ hơn thế. |
Ngày đăng: 15:13 | 08/03/2019
/