Xin đừng đáp ơn ba mẹ bằng những tượng đài khổng lồ, những công trình “tầm cỡ”, những lễ kỷ niệm bề thế, những chương trình ca nhạc hoành tráng, và những nhà tình nghĩa vá víu… Ba mẹ cần những việc làm thiết thực cho dân nghèo, cho trẻ em bất hạnh. Ba mẹ muốn các con mẹ sống nên người, trung thực, tốt bụng và biết giúp ích cho đời.

Niềm vui lớn nhất đối với tất cả các bậc làm cha mẹ là thấy con mình ngoan và khỏe. Dù bao nhiêu tuổi, đi đâu, làm tới chức gì thì về bên ba mẹ vẫn thấy mình nhỏ bé, con vẫn là con của ba mẹ.

Năm 1998, tôi đưa đoàn các bà mẹ Việt Nam anh hùng và lão thành cách mạng của quận 12 và huyện Hóc Môn ra tham quan thủ đô. Thủ tướng khi ấy là ông Phan Văn Khải tiếp đoàn tại nhà khách chính phủ. Rất chân tình, ông ra tận cổng vồn vã đón các ba, các má ở miền Nam ra. Gặp người đứng đầu chính phủ, nhiều má thân tình choàng vai tíu tít. Má thì ngắm nghía rồi bảo: “Dạo này, mày khỏe và đẹp hơn hẳn hồi ở nhà tao”. Má thì dặn dò “Sáu*, mày phải ráng lo cho dân và không được tham nhũng”

Thủ tướng khi ấy cười rạng rỡ, cứ như mẹ con lâu ngày gặp lại, chứ không phải là người đứng đầu chính phủ tiếp công dân. Tâm sự với đoàn, thủ tướng bộc bạch: “Con muốn những căn nhà to đẹp nhất ở các địa phương là bệnh viện, là trường học; chứ không phải trụ sở của cấp ủy, ủy ban”. Khi tặng quà, ông Khải đến tận chỗ ngồi của từng người, trân trọng trao tận tay từng ba má. Vào tham quan nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ ngơi với giường chiếu cói và ăn uống đạm bạc với chén sành, các ba các má rất ngạc nhiên. Có má nói: “Đúng là Bác Hồ, làm chủ tịch nước mà cũng dân dã”. Má khác so sánh: “Tụi mình còn sướng chán, giường có nệm và chén đẹp hơn”…

Năm 2000, đạo diễn Hồ Minh Đức, xưởng phim TFS có mời tôi dẫn chương trình “Những người phụ nữ tiêu biểu” tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Khách mời gồm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, chị Trần Thị Đường - Tổng giám đốc Dệt Phong Phú, chị Nguyễn Thị Hồng - nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam, nữ thương binh Đỗ Kim Hồng - cả chục năm lặn lội tìm hài cốt đồng đội và mẹ Bích ở Bến Tre. Tôi xấu hổ vì không nhớ họ của mẹ, nhưng nụ cười và dáng người phúc hậu, nhỏ nhắn của mẹ thì không thể nào quên. Anh Đức dặn tôi thuê khách sạn cho mẹ. Sợ mẹ buồn, tôi rủ mẹ về nhà, giao luôn nhà cho mẹ giữ.

Xong việc, mẹ nhất định đi xe đò về. Năn nỉ mãi mới chịu để xe công ty chở. Về nhà mẹ, phải đi bộ gần cây số từ đường lộ. Căn nhà lá đơn sơ, nhỏ bé, trống trước hở sau, chẳng có gì đáng giá. Vậy mà nhận tiền thưởng bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ gom thêm tiền bán dừa, thay chiếc cầu khỉ trong xóm bằng cầu xi măng tươm tất. Có người hỏi mẹ: “Sao không để tiền mua ti vi và mấy thứ đồ dùng khác?”. Mẹ cười hiền hòa: “Má già rồi, sống được bao lâu. Ti vi qua nhà hàng xóm xem cũng được. Làm cầu cho tụi nhỏ đi học dễ dàng hơn”. Nghe mà ứa nước mắt. Hàng xóm bảo, hồi xưa, mẹ đẹp như hoa hậu.

Ở bên mẹ, tôi bỗng nhớ mẹ Thánh Gióng. Sinh con 3 năm, con nằm một chỗ, không nói, không đi. Bỗng chốc giặc đến, con mẹ vươn vai thành Phù Đổng ra trận. Dẹp xong giặc, bay về trời, chẳng màng danh lợi. Mẹ Thánh Gióng cũng chẳng đòi hỏi hay kể công, sống tiếp cuộc đời bình lặng. Đó là phẩm chất tuyệt vời nhất của các bà mẹ Việt Nam. Ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh mẹ Thánh Gióng qua hàng triệu triệu bà mẹ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Mẹ sẵn sàng hiến dâng những đứa con thân yêu nhất của mình cho sự sống còn của Tổ quốc, không tính toán thiệt hơn, phong bao nhiêu lần anh hùng cũng chưa tương xứng, bởi con mẹ vô giá, không thể bán buôn hay đổi chác. Chẳng bà mẹ nào thích làm anh hùng. Mẹ chỉ thích cuộc sống bình dị, cả nhà đoàn tụ, chăm sóc cho cả nhà.

Tượng đài mẹ ở Quảng Nam nghe nói to nhất châu Á. Có mẹ nói với tôi là to nhất thế giới mẹ cũng chẳng vui. Nếu được hỏi ý kiến, tôi tin chắc chẳng mẹ nào đồng ý vì mẹ vốn ghét hư danh. Mẹ rất buồn khi con cháu thích khoe khoang và giành nhau thành tích của mẹ. Càng buồn hơn khi các con có chút chức quyền là tìm cách vơ vét, hạnh họe dân, xem thường cả những người từng đùm bọc mình thời gian khó. Có chút tiền bạc là đua đòi, hợm hĩnh. Nên mới có chuyện là khi còn làm Phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng (hiện nay là Bí thư Thành ủy) Nguyễn Xuân Anh hỏi về ước mơ, có mẹ đã trả lời: “Chỉ mong Mỹ nó trở lại, để tụi bây ngoan hiền như thuở xưa”. Đó cũng là tâm tư, tình cảm của rất nhiều ba má từng bao đời nuôi giấu cán bộ suốt 2 cuộc kháng chiến. Bây giờ, con mẹ hư nhiều quá. Người ta bảo “con dại, cái mang” nên mẹ không buồn sao được, dẫu biết rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Trời nào sinh tính kỳ quặc, chính các con tự làm hư mình và làm buồn ba mẹ.

Xin đừng đáp ơn ba mẹ bằng những tượng đài khổng lồ, những công trình “tầm cỡ”, những lễ kỷ niệm bề thế, những chương trình ca nhạc hoành tráng, và những nhà tình nghĩa vá víu… Làm vậy là không hiểu ba mẹ, là vô tình xúc phạm ba mẹ. Ba mẹ cần những việc làm thiết thực cho dân nghèo, cho trẻ em bất hạnh. Ba mẹ muốn các con mẹ sống nên người, trung thực, tốt bụng và biết giúp ích cho đời.

Nếu thật lòng thương ba mẹ, hãy làm tốt trách nhiệm của mình. Đó là cách thể hiện lòng hiếu thảo và báo hiếu tốt nhất. Khi các con phạm lỗi, các con buồn một thì ba mẹ buồn mười. Nếu các con hư hỏng, các con có làm gì thì ba mẹ cũng không thể vui.

(*) Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có tên thân mật là 6 Khải

Ngày đăng: 10:00 | 26/08/2017

Nguyễn Văn Mỹ\ Một thế giới /