Nước Nga ngày ấy không chỉ là một hậu phương lớn cung cấp vũ khí, xăng dầu, lương thực… cho Việt Nam đánh Mỹ mà còn là chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều thế hệ người Việt.

1. Nếu nói tuổi thơ của tôi gắn bó với văn hóa nước Nga thì cũng không có gì là quá. Tôi đã được đọc các tác phẩm văn học Nga ở thư viện nhà trường. Nào là những “Sư trưởng Trapaép”, rồi “Suối thép”, “Thép đã tôi thế đấy”… và thậm chí cả những tác phẩm mà lẽ ra một đứa trẻ mới 10 tuổi như tôi lúc đó chưa thể hiểu hết được như “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”. Nhưng tôi cứ đọc miệt mài cho dù chẳng hiểu gì cả. Những hình ảnh về con người Nga trong văn học đã in dấu ấn vào tôi từ bé.

chut cam nhan ve nuoc nga

Đối với thanh niên Việt Nam thế hệ những năm chống Mỹ, một trong những tác phẩm văn học được coi là sách gối đầu giường là “Thép đã tôi thế đấy” (Nicolai Oxtrovski). Và học sinh chúng tôi, ngay từ khi vào học những năm cấp 2 thì đã nhiều người biết ghi nắn nót lên cuốn vở câu nói nổi tiếng của nhân vật Paven Corsaghin: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và nhỏ nhen của mình để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Rồi vào những năm chiến tranh chống Mỹ, những ai học giỏi được sang Liên Xô học thì đó là một niềm tự hào không chỉ cho một gia đình mà còn cho cả dòng họ và thậm chí cho cả một vùng quê.

Trong những năm ở quân ngũ, chúng tôi hành quân đi trên những chiếc xe Zin 157, Gaz 63 của Liên Xô, tắm bằng những bánh xà phòng 72% in chữ Liên Xô, khoác trên vai khẩu súng AK47 của Liên Xô… Nước Nga ngày ấy không chỉ là một hậu phương lớn cung cấp vũ khí, xăng dầu, lương thực… cho Việt Nam đánh Mỹ mà còn là chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều thế hệ người Việt.

Thế rồi cuộc sống đổi thay, một nước Liên Xô hùng cường đã sụp đổ. Chúng tôi đau đớn nhìn hình ảnh người ta phá tượng Lê-nin, người ta đòi đưa thi hài Lê-nin ra khỏi lăng, người ta bới ra những “tội lỗi” của Stalin… Tóm lại, là không ít kẻ đã muốn xóa sạch bóng dáng của một Liên Xô đã từng cứu thoát cả thế giới khỏi thảm họa phát xít Đức.

2. Lần đầu tiên tôi được sang Nga là vào tháng 7 năm 2012. Đoàn công tác lần này của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam do Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phùng Đình Thực dẫn đầu và ngoài ra còn có một số Phó tổng giám đốc, lãnh đạo đơn vị thành viên. Tất cả những người đi trong đoàn, trừ tôi ra - đều đã từng học tập, làm việc ở Liên Xô trước đây.

Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến kể cho tôi nghe câu chuyện rằng, ngày anh học dầu khí ở Liên Xô, khi trở về nước, anh mua được chiếc xe máy Minsk. Nhưng bà giáo chủ nhiệm lớp anh cứ khóc và khuyên anh đừng mang chiếc xe máy về. Bà bảo rằng: “Con ơi, đất nước con đang cần những người làm dầu khí. Con mang chiếc xe này về khi đi nhỡ bị tai nạn thì biết làm sao?”.

Một thời gian dài sau đó, khi đã về Việt Nam, anh Tuyến không dám đi xe vì mỗi lần nhìn chiếc xe lại nhớ đến ánh mắt đôn hậu của bà giáo.

chut cam nhan ve nuoc nga

Tác giả chụp với "Lê-nin" và "Stalin" thời nay

Đoàn công tác sang Nga làm việc với nhiều tập đoàn dầu khí hùng mạnh và có lẽ đối với tôi, lần đầu tiên trong đời, tôi đi một chuyến công tác “vô duyên” đến thế và cảm thấy mình như người thừa. Bởi lẽ, đoàn sang làm việc nhưng hoàn toàn không có phiên dịch.

Tất cả mọi người đều trao đổi với nhau bằng tiếng Nga một cách hết sức thoải mái, còn tôi thì một nửa chữ Nga cũng không biết. Tới chỗ nào cũng tay bắt mặt mừng, cũng những cái ôm hôn thắm thiết, cũng những cú đấm nhẹ vào vai, vào lưng thân tình. Hầu như không có những nghi lễ mang tính ngoại giao và nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phùng Đình Thực cùng mọi người trong đoàn đều như trở về nhà mình, gặp lại những người bạn cũ. Khi đi xuống mỏ Khosedaiu cũng vậy. Hầu như không có khoảng cách giữa người Việt và người Nga. Nơi nào cũng ấm áp tình bè bạn.

Tôi thấm thía mãi câu nói của anh Phùng Đình Thực khi đánh giá những kết quả về hợp tác dầu khí giữa Nga với Việt Nam trong những năm qua và triển vọng sau này, anh nói: “Có được kết quả này là do những người Việt yêu nước Nga và được nước Nga yêu quý”.

Câu nói thật giản dị, nhưng đã toát lên tình cảm của nhân dân hai nước. Đành rằng cuộc sống bây giờ đã có nhiều thay đổi, nước Nga bây giờ không còn như ngày xưa, tình cảm của nhiều người Nga dành cho người Việt cũng phai nhạt.

Những cái đó một phần có lỗi của lịch sử, nhưng một phần cũng có lỗi ở chính người Việt chúng ta. Trong làn sóng người Việt sang Nga lao động, làm ăn, thì rất nhiều trong số này đã làm nhục quốc thể bằng những việc làm phi pháp, bằng lối sống tùy tiện, bất chấp kỷ cương, luật pháp. Chính vì vậy, người Nga đã không nhìn người Việt bằng con mắt như xưa nữa.

Nhưng với những người đã từng học tập ở nước Nga hay gọi rộng ra là Liên Xô cũ thì nước Nga đối với họ vẫn là thiêng liêng, gần gũi và ai cũng cảm thấy phải có trách nhiệm giữ gìn tình cảm đó.

3. Nước Nga ngày hôm nay cũng đã khác xa nước Nga vào thời của Gorbachev và Yeltsin. Nếu như vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một nước Liên Xô hùng cường tan rã, nền kinh tế suy sụy, trật tự xã hội bị đảo lộn, những người Liên Xô phút chốc bỗng trở nên nghèo khổ và người Nga đã bị phương Tây coi bằng nửa con mắt thì dưới thời các Tổng thống Putin, Medvedev, nước Nga đã vươn dậy mạnh mẽ.

Ở khách sạn Metropole có một phòng ăn lộng lẫy và sang trọng nhất thế giới. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có phòng ăn đẹp đến như thế này? Hóa ra, vào thời của Yeltsin, đây là một sòng bạc dành cho các đại gia lớn nhất nước Nga.

Các nhà tài phiệt Nga mới nổi đã thao túng chính trường Nga và đã vô hiệu hóa được hệ thống bảo vệ pháp luật. Và sòng bạc này là nơi họ tụ họp bàn mưu tính kế...

Nhưng khi Putin lên cầm quyền, ông đã thẳng tay trừng trị các nhà tài phiệt, mà việc đầu tiên là cho đóng cửa sòng bạc, không chỉ ở Metropole mà tất cả các sòng bạc khác ở trong nội đô Moskva.

Một loạt các nhà tài phiệt từng làm mưa, làm gió trên chính trường Nga bị bắt hoặc bị xử lý về các tội trốn thuế, đầu cơ, buôn gian bán lận… Những việc làm cứng rắn của Tổng thống Nga Putin đã được nhân dân Nga hưởng ứng và chưa hết nhiệm kỳ đầu tiên, bằng những biện pháp cực kỳ cứng rắn của mình, Tổng thống Putin đã lập lại trật tự ở nước Nga.

Buổi chiều, tôi ra Quảng trường Đỏ và sững sờ khi thấy có một “Lê-nin” và một “Stalin” đang ngồi ở cửa. Hai ông già đóng Stalin và Lê-nin sao mà giống đến thế.

Ông đóng Lê-nin thì tay cầm tờ báo Pravda, ông cũng bắt chước Lê-nin đút tay vào túi áo, cầm tờ báo giơ lên và ánh mắt nheo nheo. Còn ông đóng Stalin thì cầm chiếc tẩu thuốc, thỉnh thoảng lại bập bập vài hơi.

Du khách đến đây muốn chụp ảnh chung với hai ông thì phải trả từ 120-150 rúp. Hai ông đều rất sòng phẳng: chụp ảnh với du khách nào xong, trả tiền là chia nhau ngay. Thỉnh thoảng, các ông lại đi ra một góc tường, tranh thủ ăn bánh mì, uống nước.

Nhìn cảnh ấy mà tôi thấy nao lòng. Bởi lẽ trong suy nghĩ của tôi và có lẽ là của tất cả người Việt, với các lãnh tụ bao giờ cũng là kính trọng, nhất lại là những người như Lê-nin, Stalin. Đành rằng ở phương Tây người ta coi chuyện đóng giả các chính khách là bình thường. Nhưng với người Việt, quả thật đây là điều hoàn toàn xa lạ. Hai ông “Lê-nin” và “Stalin” muốn hành nghề ở đây cũng phải đóng thuế và nộp lệ phí. Nghe nói mới cách đó ít ngày, cũng 2 ông “Lê-nin” và “Stalin” từ nơi khác đến. Họ tranh giành vị trí và thế là xông vào ẩu đả, khiến cảnh sát phải lôi ra…

Thật đúng là chuyện buồn. Nhưng biết làm thế nào được. Nước Nga bây giờ là như thế.

(*Bài viết năm 2012)

chut cam nhan ve nuoc nga Nga dựng tượng lãnh đạo Liên Xô: Một dòng chảy lịch sử...

Tổng thống Putin đã rất trân trọng giá trị lịch sử, khiến người dân Nga luôn tín nhiệm ông, dù đồng thuận hay phản đối ...

chut cam nhan ve nuoc nga Cổ tích nước Nga những ngày đầu thu

Nga trầm lắng và cổ kính dưới mưa, để rồi xuất hiện lộng lẫy như một khu vườn cổ tích dưới ánh mặt trời.

Ngày đăng: 12:06 | 24/10/2017

Nguyễn Như Phong / Năng lượng Mới