Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa lấy ý kiến các bộ, ngành với dự thảo tờ trình Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tại dự thảo tờ trình, Bộ KH&ĐT cho biết, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội quy mô 347.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm 2022 - 2023, đến hết tháng 3/2023 mới giải ngân hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng nguồn lực được bố trí.
Gói hỗ trợ 2% lãi suất "đội sổ" về tỷ lệ thực hiện
Theo Bộ KH&ĐT, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được bố trí 40.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế đã miễn, giảm thực hiện theo các chính sách thuộc chương trình là 54.129 tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch (64.000 tỷ đồng). Hiện nay, các chính sách đã hết thời gian thực hiện.
Các địa phương đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Theo đó, đã giải ngân được 3.757,6 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5,3 triệu người lao động, chiếm 57,2% nguồn lực bố trí. Hiện chính sách đã hết thời gian thực hiện. Đối với số tiền 2.842,4 tỷ đồng còn lại được Chính phủ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đến hết tháng 3/2023 đạt 16.400 tỷ đồng cho gần 332 nghìn đối tượng khách hàng vay vốn, đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội giao (38.400 tỷ đồng). Trong đó chính sách cho vay giải quyết việc làm đã giải ngân 10.000 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch.
Về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt khoảng 330 tỷ đồng, tương đương 0,83% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng). Bộ KH&ĐT đánh giá, chính sách có kết quả triển khai rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, còn khoảng 37.430 tỷ đồng không sử dụng hết. Theo Bộ KH&ĐT, có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ lãi suất. Có trường hợp khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất nhưng đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền. Khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đạt kết quả rất thấp.
Lý giải nguyên nhân vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho rằng có 2 nguyên nhân chủ yếu cho các khó khăn, vướng mắc trên là khách hàng có tâm lý e ngại, đặc biệt là doanh nghiệp do phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp được hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ khó xử lý do số tiền được hỗ trợ lãi suất đã được hạch toán vào lợi nhuận của doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Cùng với đó là khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện "có khả năng phục hồi" theo quy định tại Nghị định 43/2022/QH. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi (thường thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng kinh doanh). Trường hợp khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên làm cho ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách.
Cán bộ có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong triển khai thực thi chính sách
Về việc phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình, đến ngày 18/4, số vốn được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết là 146.522 tỷ đồng. Số vốn các bộ, cơ quan, địa phương chưa giao chi tiết là 15.326 tỷ đồng.
Về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2%, Bộ KH&ĐT cho rằng hiện nguồn lực còn lại của chính sách còn rất lớn nhưng khả năng thực hiện và giải ngân thấp, đồng thời thời gian còn lại của Chương trình chỉ còn 7 tháng, việc nghiên cứu điều chuyển nguồn lực cho chính sách khác thuộc Chương trình để thực hiện là khó khả thi do không đủ thời gian đánh giá hiệu quả, tác động. Theo đó, đối với số vốn không giải ngân hết của chính sách sau khi kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch năm 2022-2023, trình Quốc hội huỷ dự toán, kế hoạch vốn, không huy động nguồn lực (dự kiến 37.430 tỷ đồng), đồng thời không làm tăng bội chi tương ứng với số vốn này.
Về vướng mắc khi thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, thời gian xây dựng chính sách gấp, các địa phương rà soát đối tượng chưa sát với thực tế. Các cấp, ngành ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức, quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình; chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý; chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một bộ phận cán bộ có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm của trong triển khai thực thi chính sách. Trình tự, thủ tục thực hiện, giải ngân của một số chính sách còn phức tạp, trải nhiều bước. Chính quyền địa phương còn phát sinh thêm thủ tục dẫn đến tâm lý chán nản, không còn nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình, dẫn đến kéo dài thời gian, chậm tiến độ.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, hiện có tình trạng, một số đối tượng thuộc diện được hỗ trợ không đăng ký thụ hưởng chính sách, do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra. Một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện, có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện hạn chế, chưa đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất nghiên cứu, có cơ chế, chính sách điều chỉnh linh hoạt các nguồn lực. Nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, xác định đối tượng thụ hưởng, bám sát thực tế. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành, thực hiện, giám sát và đánh giá tình hình triển khai các chính sách, kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội quyết định.
Ngày đăng: 08:18 | 07/05/2023
Lưu Hiệp / CAND