Trong văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới so với lộ trình được đưa ra tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những điều chỉnh mới.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, về những điều chỉnh cụ thể với lộ trình thực hiện chương trình phổ thông mới.

Giãn tiến độ để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn

Ông có thể cho biết cụ thể lộ trình giãn tiến độ thực hiện chương trình mới như thế nào, có những thay đổi gì?

- Theo lộ trình được đưa ra tại Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì từ năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

chuong trinh giao duc pho thong moi se duoc thuc nghiem ky hon

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Thanh Hùng.

Tuy nhiên, hiện Bộ GD-ĐT đề xuất giãn tiến độ triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới với 2 nội dung chính như sau:

Thứ nhất là giãn tiến độ một năm, bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020.

Thứ hai là điều chỉnh lộ trình so với lộ trình trước đây.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, năm học 2018-2019 (năm đầu tiên - PV) sẽ triển khai chương trình mới đồng thời ở lớp đầu cấp của ba cấp học là lớp 1, lớp 6, lớp 10. Theo lộ trình này, đến năm thứ tư, sẽ chỉ triển khai đến lớp 4, lớp 9; và năm thứ 5 sẽ chỉ còn lớp 5.

Trong phương án mới, Bộ GD-ĐT đề xuất năm đầu sẽ triển khai chương trình mới ở lớp 1, trong khi đó sẽ tiến hành thực nghiệm ở các lớp khác. Năm thứ hai triển khai lớp 2, lớp 6. Năm thứ ba sẽ là lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm thứ tư là lớp 4, lớp 8 lớp 11. Năm cuối là lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Hai cấp học THCS, THPT cần có thời gian để chuẩn bị kỹ hơn nên triển khai sau một bước thì hợp lý hơn.

Tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra đề xuất với những điều chỉnh này, thưa ông?

- Đây là kết quả tiếp thu góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân kể từ khi công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đầu tháng 4/2017. Giãn tiến độ triển khai trước hết là để các chương trình môn học được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tham vấn được nhiều ý kiến hơn và được thực nghiệm kỹ hơn.

Việc đề xuất điều chỉnh như vậy cũng là để các địa phương có thời gian chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình (tập huấn giáo viên, bổ sung giáo viên, cài thiện cơ sở vật chất) tốt hơn.

Việc không triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cả ba cấp học ngay một lúc mà mỗi năm triển khai thêm ở một cấp học là để tạo điều kiện chuẩn bị triển khai ở các lớp THCS, THPT chu đáo hơn.

Ngoài ra, việc giãn tiến độ cũng tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia làm sách giáo khoa, đảm bảo việc cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách.

chuong trinh giao duc pho thong moi se duoc thuc nghiem ky hon

"Mỗi năm triển khai thêm ở một cấp học là để tạo điều kiện chuẩn bị triển khai ở các lớp THCS, THPT chu đáo hơn..."

Nếu triển khai sớm thì thật sự cũng ít cá nhân, tổ chức có thể tham gia kịp được. Bởi có nhiều tổ chức, cá nhân có thể nhiệt tình và có những hiểu biết khác nhưng chưa có kinh nghiệm làm sách phổ thông. Các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa cần có thời gian để được tập huấn về chương trình và về cách thức biên soạn sách giáo khoa.

Bảo đảm các bản thảo sách giáo khoa được thẩm định công bằng

Ông có nói đến việc tạo sự công bằng giữa các bộ sách hay nhóm tác giả làm sách, tuy nhiên, dù sao thì các địa phương cũng sẽ mang tâm lý coi trọng bộ sách mà Bộ GD-ĐT biên soạn hơn là các đơn vị ngoài. Theo ông, có cách nào để tạo sự cạnh tranh lành mạnh?

- Thực ra, Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách là để đảm bảo chủ động cho công tác triển khai chương trình mới. Bởi nếu chỉ trông đợi vào việc biên soạn của các tổ chức, cá nhân thì khó tránh khỏi rủi ro.

Ví dụ, có thể các tổ chức, cá nhân chỉ viết những cuốn sách mà họ có lợi thế, không viết những sách khác. Như vậy thì khó mà triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đồng bộ được.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị thông tư quy định tiêu chuẩn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định sách giáo khoa và việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa. Dự thảo thông tư đã được đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến. Tôi được biết, Bộ sẽ giao quyền cho các trường lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Bộ sách mà Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức có những ưu thế nhất định và đặc biệt ưu thế mặt tâm lý là khó tránh. Tuy nhiên, cuối cùng cơ bản là bộ sách có tốt hay không. Cán bộ quản lý và giáo viên các trường rất sát thực tế nên nếu công tâm sẽ đánh giá và lựa chọn được là bộ sách phù hợp.

Do đó nếu bộ sách của Bộ tổ chức biên soạn mà không hay hơn các bộ sách khác thì cũng khó được các trường lựa chọn.

Về phía Bộ có cơ chế rõ rệt nào cho nhóm tác giả là các cá nhân, tổ chức ngoài không, thưa ông?

- Cơ chế quan trọng nhất là bảo đảm các bản thảo sách giáo khoa được thẩm định công bằng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn sách phải do tập thể giáo viên từng môn học quyết định trên cơ sở nghiên cứu kỹ và tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh, học sinh lớn, chứ không phải do một người hoặc một vài người quyết định.

Tuy nhiên, để các trường lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp, sách cần phải ra sớm, ít nhất phải trước năm học vài tháng để giáo viên, phụ huynh, học sinh có điều kiện nghiên cứu, trao đổi.

VNEN là bài học mà chương trình mới cần rút kinh nghiệm

Vậy theo ông, khi chương trình phổ thông mới được triển khai có tương thích với mô hình trường học mới (VNEN) mà một số địa phương đang thực hiện?

- Mô hình trường học mới VNEN phù hợp với xu hướng của giáo dục thế giới, đề cao vai trò trung tâm, tính tự chủ, khả năng tự học của người học.

Đó là xu hướng của thế giới và cũng phù hợp với xu hướng của chương trình mới.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thực hiện VNEN gặp khó khăn ở một số địa phương là do cách thức tổ chức thực hiện có phần vội vàng, nôn nóng, thậm chí có những chỉ đạo có phần cực đoan, chứ không phải do bản thân mô hình này.

Trong khi học sinh Việt Nam vốn chưa quen với việc tự học, tự làm thì thầy cô phải hướng dẫn chu đáo hơn.

Việc thay đổi cách dạy, cách học là đúng nhưng cần có lộ trình. Thầy cô cũng phải được quyền chủ động chứ phụ thuộc vào tài liệu dạy học thì khó làm được.

Đây cũng là bài học mà chương trình mới cần phải rút kinh nghiệm. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề xuất triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trong năm đầu tiên chỉ ở lớp 1, không căng sức ra cả ba cấp học, để làm đến đâu chắc đến đấy.

Còn tương lai của VNEN trong chương trình mới như thế nào thì phải đặt trong bối cảnh thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Những yếu tố tích cực của VNEN chắc chắn sẽ được phản ánh trong chương trình, sách giáo khoa mới.

Có thể sẽ có những sách giáo khoa thể hiện đậm “chất VNEN” hơn. Và việc lựa chọn sách giáo khoa phụ thuộc vào các tập thể sư phạm.

Tiến độ xây dựng chương trình các bộ môn hiện đến đâu rồi, thưa ông?

- Trong tháng 8 vừa qua, Ban soạn thảo đã tổ chức lần lượt 18 hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia về chương trình từng môn học. Hiện, Ban soạn thảo đã có dự thảo lần thứ hai chương trình của các môn học. Các dự thảo này sẽ được chuyên gia và giáo viên các cấp góp ý lần nữa. Sau đó, chúng tôi sẽ trình Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT và nếu được đồng ý, sẽ đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/lo-trinh-gian-tien-do-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-402409.html

chuong trinh giao duc pho thong moi se duoc thuc nghiem ky hon Đuổi học, đó là sự thất bại và bất lực của giáo dục

Dư luận tiếp tục có những tranh cãi gay gắt về hình thức kỉ luật học sinh qua sự việc của Trường Lương Thế Vinh. ...

chuong trinh giao duc pho thong moi se duoc thuc nghiem ky hon Dưới mái trường có những con số phi thường đến khó tin

Thành tích năm học này phải bằng hoặc cao hơn năm trước nên nhiều giáo viên tranh luận, phản bác nhưng không thể nào lay ...

chuong trinh giao duc pho thong moi se duoc thuc nghiem ky hon Những nhầm lẫn về giáo dục ở Việt Nam

Có khá nhiều mâu thuẫn và cả những nhầm lẫn, thậm chí ngộ nhận trong giáo dục ở Việt Nam

Ngày đăng: 09:24 | 04/10/2017

/ Theo Thanh Hùng/Vietnamnet