Cũng phải rất khôn khéo và kiên nhẫn, tôi mới vào được trong Đại sứ quán Afghanistan tại Islamabad và đã có một buổi trò chuyện khá lý thú với Habit, Bí thư thứ nhất của Đại sứ, người được ông Apdul Zaeep ủy nhiệm.

Cũng phải rất khôn khéo và kiên nhẫn, tôi mới vào được trong Đại sứ quán Afghanistan tại Islamabad và đã có một buổi trò chuyện khá lý thú với Habit, Bí thư thứ nhất của Đại sứ, người được ông Apdul Zaeep ủy nhiệm.

Trong những ngày này, muốn vào khuôn viên của đại sứ quán chính quyền Afghanistan tại Islamabad không khó bởi vì chiều nào họ cũng tổ chức họp báo vào lúc hai giờ. Thường là có khoảng 200 nhà báo kéo đến ngồi bệt xuống bãi cỏ ngay trước phòng khách và đại sứ cùng bí thư, phiên dịch ngồi ngoài hành lang.

Nhưng để được gặp riêng, có một buổi làm việc "tử tế" và không bị báo nào dòm ngó thì lại là chuyện không đơn giản. Họ từ chối tất cả, thi thoảng, hãng truyền hình lớn như CNN của Pakistan mới được phỏng vấn.

Trong lúc đang bí không biết làm cách làm để "gặp những nhân vật điển hình" thì tôi chợt nhớ đến quyển Kinh Coran mà tôi mang theo. Quyển kinh Coran dày đến hơn 1300 trang, bìa cứng nặng có đến 3kg, in bằng hai thứ tiếng Arập và Việt Nam, xuất bản năm 2000 của Nhà xuất bản Tôn giáo. Tôi mang quyển Kinh này đi thực ra là để đọc, tìm hiểu thêm những nét cơ bản về giáo lý của đạo Hồi và cũng tìm hiểu nguồn gốc tư tưởng của họ. Quyển kinh này có 30 phần, 214 chương và 6211 điều. Kinh Coran là lời răn dạy của nhà tiên tri Mohamed truyền lại từ năm 610 đến 632.

Nhìn quyển Kinh Coran, bỗng tôi nảy ra ý định dùng nó để "làm giấy phép" vào sứ quán.


Người phiên dịch (bên trái) và nhà báo Như Phong

Thấy tôi cầm quyển kinh Coran, các nhà báo Tây đang xúm xít trước cửa sứ quán trố mắt nhìn và họ hỏi rằng tôi có phải là người theo đạo Hồi không, còn mấy nhân viên an ninh của sứ quán, đầu quấn khăn đen, áo thụng trắng, chân đi dép lê đang gườm gườm với cánh nhà báo chợt thay đổi ánh mắt với tôi, xem ra "dịu dàng" hẳn.

Sau khi nghe lời đề nghị của tôi được gặp ông đại sứ, họ vội vàng nhanh nhảu chạy vào báo cáo. Ít phút sau, Habit, bí thư thứ nhất của đại sứ chạy ra. Anh ta cầm quyển kinh, áp lên trán, rồi hôn với vẻ thành kính và mời tôi vào.

Bằng giọng nói hết sức nhẹ nhàng, Habit hỏi tôi rằng tại sao lại đọc kinh Coran và khi nghe câu trả lời của tôi là với mục đích để hiểu thêm người Hồi giáo. Habit cầm quyển kinh vào gặp đại sứ, lát sau trở ra. Anh ta tỏ ý tiếc vì ông Zaeep quá bận, vừa phải chuẩn bị cho buổi họp báo chiều, vừa phải trả lời đề nghị của Chính phủ Pháp về việc nhà báo của họ bị Taliban bắt về tội xâm nhập trái phép, vì vậy, không thể nào gặp được và xin tôi cho biết nơi ở, số điện thoại, lúc nào xắp xếp được sẽ mời sau. Ông Zaeep ghi vào quyển Kinh bằng tiếng Arập, đại ý như sau: "Anh quan tâm đến số phận những người Hồi giáo, tôi rất mừng và cám ơn".

Với vẻ thân mật, Habit kéo tôi ngồi ngay xuống thềm nhà, giở quyển kinh ra đọc cho tôi nghe một đoạn. Anh ta đọc như hát, hệt như giọng mấy thanh niên đọc kinh trong các cuộc biểu tình. Rồi Habit nói với tôi: "Ông đại sứ bảo việc Việt Nam cho in kinh Coran bằng hai thứ tiếng chứng tỏ người Hồi giáo ở Việt Nam rất được tôn trọng, không phải như Mỹ nói là Việt Nam cản trở tôn giáo".

Tôi dè dặt hỏi Habit một số vấn đề về tình hình Apghanistan hiện nay, tác hại những vụ oanh kích của Mỹ .

Habite cho hay, đã có 70 dân thường bị chết trong các vụ tấn công của Mỹ, nhưng chưa một cơ sở quân sự nào của chính quyền Taliban bị phá hủy. Và quân đội Taliban sẵn sàng chờ đón quân Mỹ, nếu họ dám đưa quân vào. Mỹ không thể nào chiến thắng được quân đội của Taliban cho dù có san phẳng cả Afghanistan. Nhưng có điều là sau cuộc chiến này, một cuộc chiến đấu của những người Hồi giáo trên toàn cầu đối với sự áp đặt của Mỹ là không thể nào tránh khỏi.

Điều này thì tôi cho là Habit nói đúng bởi vì mấy ngày nay, nhiều người Hồi giáo ở Pakistan, Indonesia, Malaysia, Philippine đang sôi sục biểu tình... Ngay tại Peshawar, đã có hơn 1.500 thanh niên chạy sang Afghanistan để tham gia.

"Thánh chiến" - Lại nói về từ "thánh chiến", trước kia tôi cũng nghĩ đó là từ mới hóa ra là từ xưa, nhà tiên tri Mohamed đã nói trong điều 95 phần 4 chương 4 là “... Thánh Allah đặc ân cho những người nào hy sinh tài sản lẫn sinh mạng của họ để "thánh chiến" cho Allah. Allah đặc ân ban cho những ai tòng quân "thánh chiến" hơn những người ở lại nhà bằng một phần thưởng rất lớn".

Kinh Coran thực chất là một bộ luật, đặt ra những quy tắc ứng xử cho tín đồ trong tất cả mọi lĩnh vực, nhưng điểm quan trọng nhất là đòi hỏi tín đồ thực hiện nghiêm nhất chính là sự: Trung thành, vâng lời. Vì thế , tín đồ đạo Hồi được gọi là Islamnist Islam, tiếng Arập có nghĩa "tuân lệnh" - Tuân lệnh cấp trên, đó là nguyên tắc đầu tiên của mọi nguyên tắc trong Kinh Coran. Điều đó có thể giải thích phần nào tại sao những người Hồi giáo rất xem thường cái chết và hết mực trung thành với giáo lý của Kinh Co ran.

Habit cho là Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước nhân loại về các hành động gây chiến tranh, khủng bố của họ hàng chục năm qua và hiện nay, họ muốn khống chế vùng Trung Á, áp đặt chính sách của họ lên những người Hồi giáo. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, chính quyền Kabul là cái gai phải nhổ bỏ. "Người Mỹ bắt chúng tôi phải thánh chiến" - Habite khẳng định như vậy. (Điều này thì ông Zaeep cũng đã nói trong buổi họp báo chiều ngày 10 tháng 10). Về diễn biến cuộc chiến, Habit cho rằng Mỹ không dám đổ quân vào mà chỉ có thể dùng biệt kích nhưng để tìm ra được những nơi trú quân của Taliban thì rất khó. "Trái đất sẽ bùng lửa nếu Mỹ và đồng minh của họ dám đưa quân vào Afghanistan" - Habite lạnh lùng nói vậy.

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 4)
Cảnh họp báo ở sứ quán Afghanistan tại Islamabad

Tuy nhiên, cứ nhìn ánh mắt lo lắng của anh ta, tôi biết sự thật không phải là như vậy. Quân Mỹ đang chiến đấu với một địch thủ quá yếu và quan trọng hơn là chính quyền Taliban không được lòng dân và cả cộng đồng quốc tế. Sự chống trả củaquân Taliban là không đáng kể, trong khi các loại vũ khí thông minh, vũ khi siêu chính xác của Mỹ thả sức phô bày các tính năng kỹ thuật ưu việt của chúng.

Khi được hỏi về Bin Laden, Habit khẳng định Bin Laden vẫn đang ở trên đất Afghanistan và được bảo vệ cẩn thận. Dĩ nhiên, bây giờ thì không thể nào có chuyện chính quyền Taliban giao nộp Bin Laden cho Mỹ. Vả lại, theo Habit, việc Mỹ muốn bắt Binladen chỉ là cái cớ, mà chính là muốn tiêu diệt chính quyền Taliban, dựng nên một chính quyền nghe theo sự chỉ bảo của Mỹ. Aghanistan có vị trí chiến lược quan trọng trong quan điểm chiến lược toàn cầu của Mỹ. Có được mảnh đất này, Mỹ có thể khống chế cả vùng Trung Á mà còn cả Trung Quốc, gây rối loạn cho vùng Tây Tạng và dĩ nhiên cả những nguồn lợi dầu mỏ quý giá ở Trung Đông.

Theo Habit, hiện nay ở Kabul chỉ có một số rất ít phóng viên truyền hình, báo chí của Pakistan, ngoài ra không có một quốc gia nào khác.Tôi hỏi thêm Habit về một số chính sách của chính quyền Taliban mà thế giới cho là quá hà khắc, anh ta cười mà rằng: "Chúng tôi là những tín đồ Hồi giáo, vì vậy phải tuân theo lời của đấng Tối cao. Anh hãy đọc kinh Coran mà xem, chúng tôi làm đúng như vậy. Ai không chấp nhận thì thôi nhưng họ không được phản đối chúng tôi. Và nếu họ phản đối, bắt chúng tôi phải thay đổi, điều đó không thể chấp nhận được, chúng tôi buộc phải thánh chiến". Tôi hỏi Habit có lo ngại về các hoạt động quân sự gia tăng phía Bắc do Liên minh phương Bắc thực hiện. Habit cười nhạt: "Đó là liên minh của những con quỷ. Chúng sẽ lại giết nhau ngay sau khi chúng chiếm được Kabul, mà điều đó chắc chắn chưa thể xảy ra".

Về gia đình, vợ con của mình, Habit nín lặng không trả lời, anh ta cứ dùng những ngón tay trắng muốt, thon nhỏ vuốt ve quyển Kinh Coran, những ngón tay không hề tương xứng chút nào với bộ mặt râu mọc rậm gì, cặp mắt sâu hoắm và có những tia nhìn dữ dội.

Có người chạy ra gọi, Habit xin phép chấm dứt cuộc gặp. Khi tạm biệt, theo tục lệ của những người Hồi giáo, anh ta ôm lấy tôi, vỗ nhẹ vào lưng mấy cái rồi bảo người phiên dịch nhắc tôi, kinh Coran không được cầm mà phải ôm vào ngực bên trái.

Các nhà báo: Không còn gì để viết và nhiều điều không được viết

Chúng tôi trở lại thành phố Peshawar và cửa khẩu Torkham một tuần sau khi cuộc tấn công của Mỹ vào Kabul bắt đầu.

Thành phố bây giờ nom như một trại lính khổng lồ. Góc phố nào cũng có xe bọc thép bánh hơi; xe chữa cháy của quân đội, cảnh sát túc trực; nhiều khu lều mới dựng lên cho cảnh sát tránh nắng trong lúc chờ "vào cuộc"...

Trong những ngày qua, Peshawar là điểm nóng nhất ở Pakistan. Không ngày nào không có biểu tình và cũng không ngày nào không có xô xát với quân đội, cảnh sát. Mặc dù đã có 40 người bị thương nhưng xem ra máu nóng của những người biểu tình chưa nguội là bao. Các cuộc biểu tình ở đây thường nổ ra vào sáng sớm và chấm dứt vào khoảng 10 giờ. Tôi tìm hiểu mới biết là Pakistan làm việc từ 9 giờ (11 giờ giờ Việt Nam) vì vậy người ta phải tổ chức biểu tình từ 8 giờ, hò hét ẩu đả cho chán đến gần 10 giờ là giải tán để tiếp tục "công tác" trong ngày. Tuy vậy, vào buổi chiều, cũng có khi xảy ra biểu tình cho nên cảnh sát, quân đội lúc nào cũng phải thường trực.

Ngoài quân đội, cảnh sát thì phóng viên báo chí là những người dễ nhận thấy nhất, họ vẫn vác máy quay phim, vác máy ảnh và "vác" bút, máy ghi âm đi lùng sục khắp nơi, chen lấn vào trong những đám biểu tình, hay cười nịnh nọt những cảnh sát ở cửa khẩu Torkham những mong được đi qua... nhưng sự mệt mỏi và chán nản đã hiện rõ trên từng gương mặt.

Văn phòng Trung tâm thông tin báo chí của chính phủ đặt tại Peshawar đã đóng cửa 5 ngày rồi và lúc nào cũng có một chiếc xe taxi tải chặn ở cổng. Chúng tôi bấm chuông mãi mới thấy người ra mở và người dẫn đường của tôi, một người Pháp chính cống, đã 40 năm ở Pakistan, nói tiếng Urdu như gió phải trổ hết tài ăn nói ra mới khiến cánh cổng mở rộng thêm chút ít. Ông Mon Halad, Trưởng văn phòng Trung tâm Thông tin báo chí sau khi nghe người dẫn đường của tôi giới thiệu và thư của một vị quan chức cao cấp trên phủ tổng thống, vội xua tay và nói liến thoắng một hồi đại ý rằng chính phủ đã có lệnh cấm nhà báo ra biên giới, rằng ai cần thông tin hãy về Islamabad; rồi không thể đảm bảo an toàn cho nhà báo... Còn về chuyện lá thư của quan chức kia, ông ta nói chắc như đá "Trừ được phép của Bộ trưởng Ngoại giao, còn kể cả Tổng thống cũng không được". Thấy câu trả lời đầy chất "Chí Phèo", tôi cũng chán nhưng cố tìm hiểu sao chính phủ lại quản lý nghiêm ngặt như vậy. Từ lâu nay, Pakistan vốn là đất nước để báo chí phát triển "vô tư" và ngay trong cuộc chiến này, nhiều tờ báo chỉ trích không thương tiếc Chính phủ và Tổng thống W.Bush. Thậm chí trên cùng trang báo của tờ Dawn, tờ báo lớn nhất Pakistan, trên cùng một trang, cột này thì đằng phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao, phủ nhận việc quân Mỹ có mặt, nhưng cột bên cạnh thì đăng bài nói về việc quân đội bàn giao căn cứ quân sự cho Mỹ... Mãi sau ông mới tiết lộ về nguyên nhân tại sao chính phủ "cáu" với báo chí. Hóa ra là có hãng truyền hình nào đó vào trại tị nạn Torkham quay phim chụp ảnh ở khu địa ngục này hùng hồn tuyên bố là Chính phủ Pakistan đã "bỏ rơi", đã đối xử không tốt với người tị nạn, thậm chí còn nói người tị nạn sang Pakistan trong đó có 50% thanh niên là để được "huấn luyện"!

Rồi như thể chứng minh cho "lòng thành" của mình, ông lấy ra một xấp đơn không được giải quyết dày cả gang tay của đủ các hãng thông tấn danh tiếng trên thế giới xin được ra biên giới. Tại Peshawar, luôn có khoảng 200 phóng viên và họ ở gần như tập trung tại hai khách sạn là Green và Continantan. Tất cả số họ đều mong muốn được ra tận biên giới, đến cổng thành đường biên hai bên có hai tháp canh xây theo kiểu Anh đã được đóng kín để quay phim chụp ảnh, có vậy thôi, còn tin tức đối với họ thì không có gì ghê gớm cả.


Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại biên giới Pakistan - Afghanistan

Thật ra, hình như có một sức ép từ đâu đó khiến Chính phủ Pakistan dè dặt với báo chí và có lẽ nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do chính báo chí Pakistan không ủng hộ chính phủ trong việc giúp đỡ Mỹ tấn công Afghanistan bằng cách đưa tin "rất khách quan" những sự việc xảy ra. Báo chí Pakistan thường dành 3/4 số trang đưa tin về cuộc tấn công của Mỹ và các sự kiện liên quan.

Chuyện Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được giải Nobel về Hòa bình cũng chỉ được dành cho khoảng diện tích hơn bao thuốc lá, nhỏ hơn nhiều so với hình ảnh Binladen trong một cuộc biểu tình. Tin họ đưa thì bình thường và rất ít khi tường thuật mà chủ yếu là bình luận sự kiện. Nhiều báo bình luận rất "độc", đặc biệt là đặt "tít" theo kiểu "nước đôi".

Tại khách sạn Green, tôi gặp mấy nhà báo Nhật Bản đã quen mặt trong cuộc họp báo tại Sứ quán Afghanistan. Họ cho biết là ở Peshawar 5 ngày rồi mà không có được một tin nào có giá trị. Hôm trước, có mấy ngưòi Afghakistan bị thương vì bom Mỹ được chuyển đến Bệnh viện Medical Complex, nhưng ngoài tờ The National in được mẩu tin to bằng hai bao diêm còn không ai có thể kiếm được tấm ảnh về số người này. Báo nào cũng vậy (trừ báo địa phương ) phải chi cho phóng viên mỗi ngày ít nhất cũng 300 USD gồm tiền ở, tiền thuê người phiên dịch, dẫn đường, thuê ô tô, tiền ăn... mà không có được bài vở tốt thì đau quá. Họ cũng phàn nàn rằng Tổng biên tập của họ luôn đòi hỏi phải có hình ảnh về chiến sự, lấy bằng được con số thiệt hại của Taliban nhưng "bay lên vũ trụ còn dễ hơn là làm việc đó" - Một nhà báo nói như vậy. Số nhà báo bị thương trong các cuộc ẩu đả tại Peshawar không nhiều và cũng rất nhẹ, tuy nhiên họ cũng rút được kinh nghiệm là chớ nên xông vào gần cuộc hỗn chiến và sau khi quay cảnh đốt cờ Mỹ, đốt hình nộm thì nên chuồn .

Trong lúc vẫn có nhiều phóng viên báo chí kéo đến Pakistan thì cảnh buồn nản của số phóng viên cũ đã xuất hiện. Ngay tại khách sạn Regency nơi chúng tôi ở, có một nhóm nhà báo từ Italia đến đã phải dồn 4 người vào một buồng và hai người chung một giường. Suốt ngày họ chơi bài, khi thấy chúng tôi về, họ lại hỏi: "Có kiếm được gì không!". Ở khách sạn Marriot cũng vậy, trừ cảnh phóng viên truyền hình là còn chạy ngược chạy xuôi, còn phóng viên viết hầu như chỉ ngồi đọc báo địa phương.

Ở cửa khẩu Torkham, cánh nhà báo đã phải giở trò hối lộ cảnh sát để họ cho đi thêm vài trăm mét nữa nhưng cũng không được, bởi vì kiểm soát ở đây có đến 4 loại sắc phục cảnh sát và cả quân đội. Có mà tiền tấn cũng không chi nổi cho hàng chục người... Hơn nữa, chỉ huy trưởng cảnh sát Peshawar đã phải cam đoan với chính phủ không để nhà báo ra biên giới. Những hình ảnh có giá trị duy nhất ở đây mà họ có được là về những người tị nạn Afghanistan.

Trong những ngày qua, ít nhất mỗi ngày có 1.000 người chạy sang Peshawar, nâng tổng số người tị nạn ở Peshawar lên gần 750.000 người. Đây quả là con số không hay ho gì, nếu như biết tình hình kinh tế của Peshawar đang lâm vào tình trạng đình đốn nghiêm trọng. Ngành du lịch mỗi năm mang về cho tỉnh gần 1tỉ USD, từ hơn một tháng nay là con số 0, xuất nhập khẩu giảm 80%; hàng chục khách sạn và hàng trăm nhà hàng gần như đóng cửa. Thành phố 1,9 triệu dân này đang hứng chịu một cách rõ ràng hậu quả cuộc tấn công của Mỹ.

Trên dòng sông Kabul

Từ Peshawar đi đến thủ đô Kabul của Afghanistan chỉ khoảng 230km và đường tương đối tốt. Nếu đi ôtô thì hết 5 tiếng vì qua khỏi đất Pakistan là leo đèo dốc liên tục, Kabul nằm ở độ cao 4.300 mét so với mặt biển và dòng sông Kabul hung dữ nổi tiếng. Sông không lớn lắm và chỉ dài hơn 600km nhưng chảy xiết khủng khiếp vì độ dốc. Dòng sông này chảy qua biên giới sang Pakistan và “hội nhập” với dòng sông Indus tại ngay khu vực giáp ranh hai tỉnh Peshawar và Punjap, cách Islamabad hơn 100km. Sông Indus bắt nguồn từ vùng núi cao gần 6.000m ở phía bắc Pakistan. Đứng tại đây, phong cảnh thật ngoạn mục và nên thơ. Hai dòng nước khác màu hòa vào nhau: dòng Indus nước xanh như nước biển, dòng Kabul nước vàng khè phù sa... rồi chảy xuôi.

Từ khi Mỹ tấn công, bỗng nhiên trên dòng sông Kabul thỉnh thoảng lại thấy có xác người nổi lên và hầu hết đã nát bét vì bị quật vào ghềnh đá - đó là những người Afghanistan liều lĩnh vượt biên bằng đường thủy. Đó cũng là chuyện từ cổ xưa đến nay chưa từng thấy.

Người dân vùng núi Trung Á cưỡi ngựa, lừa hay đi bộ thì không chê vào đâu được. Nếu trang bị gọn nhẹ, có đồ ăn mang theo, người Afghanistan có thể cuốc bộ được khoảng 100km ngày. "Đánh bộ" thì tốt nhưng "đánh thủy" dùng thuyền bè thì họ lại hầu như không biết gì. Nhưng vì quyết tâm chạy trốn ra khỏi một đất nước mà không chết vì đói thì cũng có thể chết vì những hình phạt quái quỷ của chế độ Taliban hoặc chết vì bom, tên lửa Mỹ... cho nên họ đành phải liều mạng đóng bè trôi sông.

Không ai được chứng kiến là họ đã phải chịu những cảnh nguy hiểm như thế nào trên dòng sông đầy rẫy thác ghềnh chảy ngựa đuổi nhau, chắc là chết không ít.

Chúng tôi tạt vào một trại tị nạn mới dựng bên đường bằng những bó cỏ, một người đàn ông chống nạng đứng chìa bàn tay ra xin tiền. Khi hỏi chuyện về những người vượt biên bằng đường sông, ông ta cho biết là có biết nhưng số đến được đất Pakistan không rõ là bao. Và ông ta bảo: "Tôi ở Kabul, tôi biết con sông ấy. Thánh Allah trừng phạt không sợ bằng xuống sông đâu!".

(Còn nữa)

Nguyễn Như Phong

Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á  (kỳ 3) Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 3)
Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 2) Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á (kỳ 2)
Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á Chúng tôi ở vùng lò lửa Trung Á

Ngày đăng: 06:00 | 24/08/2021

/ An ninh thế giới