Ngày 21.9, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết, Tổng cục hiện đang đẩy mạnh công tác rà soát lại 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý trên cả nước và tiến hành đàm phán với các chủ đầu tư để điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng của trạm thu phí cũng như giảm phí chung cho các phương tiện.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giảm 25% mức phí
Chốt thêm lãi cho nhà đầu tư BOT: Người dân trả?

Một trạm thu phí BOT tại phía Nam. Ảnh: Báo Giao thông

Dự kiến việc đàm phán và rà soát sẽ hoàn tất trong tháng 10 để Tổng cục gửi văn bản đề xuất lên Bộ GTVT xem xét phê duyệt. Nếu được phê duyệt, các trạm sẽ tiến hành giảm phí trong tháng 11.

Theo ông Huyện, phần lớn các dự án trong số 54 dự án do bộ quản lý sẽ giảm phí, trừ một số ít trạm có lưu lượng phương tiện quá thấp. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể của từng trạm sẽ khác nhau và sẽ được chốt chính thức sau khi công tác rà soát cũng như đàm phán được hoàn tất.

Xác nhận cùng một thông tin, lãnh đạo Ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT dự kiến giảm phí cho người dân sống quanh tất cả các trạm thu phí do bộ quản lý và giảm phí chung cho tất cả các nhóm phương tiện tại một số trạm.

Trước mắt, dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn tất công tác đàm phán với Tổng cục Đường bộ về phương án giảm phí từ 22-25% cho tất cả các nhóm phương tiện và đề xuất lên Bộ GTVT để quyết định trong ngày 22.9. Thời điểm giảm phí từ ngày 15.10.2017.

Nguyên nhân giảm mức phí trên được Tổng cục Đường bộ đưa ra là do quá trình kiểm tra đơn vị nhận thấy lưu lượng xe tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng nhanh, doanh thu cao. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cho phù hợp.

Ngoài dự án này, sẽ có ít nhất hai dự án khác cũng giảm phí chung cho tất cả các phương tiện nhưng hiện mới đang trong giai đoạn đàm phán. Riêng về hai trạm thu phí trên QL5, đại diện ban PPP cho biết việc điều chỉnh phí (nếu có) thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Trước đó, lãnh đạo Vidifi - chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cũng là đơn vị đang triển khai thu phí tại hai trạm BOT QL5 khẳng định dự án được lập ra với mục tiêu thúc đẩy phát triển đồng bằng sông Hồng và hoàn toàn phi lợi nhuận và Vidifi đang thu phí hộ nhà nước chứ không phải cho mình.

Chia sẻ với báo Lao Động, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (nhà đầu tư tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ) - cho biết sẽ dự kiến giảm phí từ ngày 15.10 tới sau khi được Bộ GTVT phê duyệt. Theo đó, xe dưới 9 chỗ đi hết tuyến dài 28km được giảm từ 45.000 đồng/lượt còn 35.000 đồng/lượt.

Cùng với việc giảm phí, thời gian thu phí dự kiến sẽ không đổi và kéo dài khoảng 17 năm và tới năm 2021, tuyến đường này tăng phí trở lại với mức 18%, lộ trình sau đó sẽ 3 năm tăng phí một lần.

Trong thời gian qua, người dân tại nhiều địa phương đã có phản ứng với các trạm thu phí BOT bằng cách dùng tiền lẻ hoặc cố tình gây ùn tắc để buộc phải xả trạm. Mới đây nhất, người dân sống cạnh trạm thu phí Đại Yên (Quảng Ninh) bày tỏ sự phản đối do dự án này đường xấu và phí cao.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh đã đề xuất miễn phí 100% cho người dân sống trong phạm vi 4km tính từ hai đầu trạm thu phí và giảm 70% với người có hộ khẩu cách trạm thu phí từ 4 đến 8km. Còn đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam đang đề xuất bỏ hai trạm thu phí trên QL5.

https://laodong.vn/thoi-su/chuan-bi-giam-phi-54-du-an-bot-tren-ca-nuoc-565962.ldo

Ngày đăng: 08:00 | 22/09/2017

/ Báo Lao động