Báo cáo tại cuộc họp về công tác điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.
Về học phí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo), Chính phủ quy định khung, trần học phí cho từng địa phương, đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học trong phạm vi khung, trần học phí do Chính phủ quy định. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ đã tham mưu và được Chính phủ, đồng ý giữ nguyên không tăng học phí năm học 2021-2022.
Nhưng bắt đầu từ tháng 9 của năm học 2022-2023, sẽ có lộ trình tăng học phí theo quy định. Với lộ trình này, giáo dục mầm non công lập tăng khoảng 75%, đại học tăng khoảng 12,5%. Tuy nhiên, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ tác động tới CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55 -1,05% và học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5-2,8%.
Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá tác động tăng giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa để báo cáo Chính phủ trong tháng tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, giá dịch vụ giáo dục trong quyền số tính CPI rất cao (5,45%) và dự kiến sẽ có tốc độ tăng từ 10 - 19%. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vẫn còn hỗ trợ. Vấn đề đặt ra là, khi không còn được Nhà nước hỗ trợ, phải có giải pháp để các tỉnh, thành phố không đồng thời tăng giá dịch vụ giáo dục.
Nhấn mạnh cần hết sức thận trọng khi tăng học phí, các cơ sở giáo dục công lập cần tính toán kỹ tác động và có lộ trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu con số, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2030 dự kiến tăng 40 - 90%, tác động đến CPI chung năm 2022 từ 0,55-1,05% là rất lớn. Cùng với tác động của giá xăng dầu và một số mặt hàng khác cộng hưởng vào sẽ rất khó cho công tác điều hành.
Cho rằng không phải tăng giá dịch vụ giáo dục là giải pháp cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên cơ sở nguồn lực ngân sách Nhà nước, có thể đề xuất tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp, trong một thời điểm nhất định.
Trước đó, nhiều tỉnh, thành phố đang lên kế hoạch tăng học phí bậc học phổ thông trong năm học tới theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố dự thảo Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026. Mức học phí được phân chia theo 4 vùng thay vì 3 vùng như năm ngoái. Trong đó, vùng 1 gồm trẻ em mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn các quận và các phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Vùng 2 là địa bàn thị trấn thuộc các huyện của thành phố Hà Nội. Vùng 3 bao gồm xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện của thành phố Hà Nội (trừ các xã miền núi). Vùng 4 gồm các xã miền núi thuộc các huyện của thành phố Hà Nội. Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và vùng 2 dự kiến 300.000 đồng/tháng trong năm học 2022 - 2023. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000 - 200.000 đồng (vùng 3) và 50.000 - 100.000 đồng (vùng 4). Tiêng bậc Tiểu học được miễn học phí. Như vậy, năm học tới học phí dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với 2021-2022.
Trong đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, nhiều trường đại học từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đều có điều chỉnh tăng học phí, trong đó có những trường tăng tới 70% so với năm học 2021-2022. Việc điều chỉnh này được các trường thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Cụ thể, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí các khối ngành: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật là 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); Y Dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng)... Như vậy, so với năm học 2021-2022, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành Y Dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 10,2 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Việc học phí công lập dự kiến được điều chỉnh tăng mạnh ở tất cả các cấp học đã khiến nhiều người lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của bộ phận học sinh nghèo, học sinh có điều kiện khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cho thu nhập của đại bộ phận người dân đều bị ảnh hưởng.
Ngày đăng: 15:09 | 15/06/2022
Hùng Quân / CAND