Đầu tuần này, người ta đã phát hiện 3 chỗ rò rỉ nghiêm trọng trên 4 đường ống của dự án “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) chạy từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Ngày 27-9, Nord Stream AG - nhà điều hành các đường ống nói trên cho biết, thiệt hại mà họ phải gánh chịu là “chưa từng có”.

Chưa rõ động cơ dẫn đến vụ nổ của đường ống dẫn Nord Stream 1 ảnh 1

Một điểm rò rỉ trên đường dẫn khí Nord Stream 2 được máy bay quân sự Đan Mạch chụp ngày 27-9

Nguy cơ khó lường

Các hình ảnh do Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển và quân đội Đan Mạch công bố hôm 26-9 cho thấy, khí tự nhiên tại 3 đoạn bị rò rỉ phun trào trên bề mặt biển Baltic. Một trong những khu vực ảnh hưởng lớn nhất rộng tới hơn 1km2. Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết, một tàu khu trục lớp Absalon và một tàu kiểm soát ô nhiễm đã được điều đến khu vực rò rỉ với mục đích giám sát và cảnh báo các tàu khác tránh xa. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp vào ngày 30-9 để thảo luận về hiện tượng sự cố này.

Cả 2 đường ống trong dự án “Dòng chảy phương Bắc” 1 và 2 đều chứa đầy khí đốt tự nhiên nhưng không cung cấp nhiên liệu cho châu Âu trong bối cảnh căng thẳng với Nga do chiến dịch quân sự của Matxcơva vào nước láng giềng Ukraine. Hiện Đường ống Nord Stream 1 đã tạm ngừng việc cung cấp khí đốt, trong khi đường ống Nord Stream 2 đã sẵn sàng đi vào hoạt động nhưng phải dừng lại từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Theo nhật báo Der Tagesspiegel (Đức), các cơ quan an ninh Đức lo ngại dự án Nord Stream 1 có thể vĩnh viễn không sử dụng được nữa. Nếu các vết rò rỉ không được nhanh chóng sửa chữa, một lượng lớn nước biển có thể chảy vào các đường ống và tạo ra sự ăn mòn. Các nhà phân tích cho rằng, thiệt hại lần này khiến các đường ống khó vận chuyển khí đốt đến châu Âu ngay cả khi tình hình chính trị thay đổi.

Phản ứng mạnh mẽ của các nước

Mặc dù, các nhà chức trách châu Âu cho rằng sự việc là do cố ý, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đã gây ra vụ nổ hoặc tại sao lại làm vậy, chưa có ai nêu tên thủ phạm tình nghi. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 28-9 cho biết, ông đã thảo luận về “vụ phá hoại” đường ống với Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch và nhất trí cần bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng ở các nước NATO. Ngày 27-9, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Đây là hành động có chủ ý, không phải là một tai nạn”. Cùng ngày, Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen mô tả hành động này là sự phá hoại, ảnh hưởng đến tất cả các thành viên nên sẽ kích hoạt “phản ứng mạnh nhất có thể”.

Ông Anne Tonnes - Cảnh sát trưởng Copenhagen (Đan Mạch) nói trong một cuộc họp báo rằng, cảnh sát Đan Mạch đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này và đang hợp tác với các cơ quan cảnh sát Thụy Điển và Đức. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser kêu gọi nhanh chóng điều tra về thiệt hại và cho biết, Đức đang thực hiện các biện pháp để chống lại bất kỳ nỗ lực nào gây gián đoạn thêm cho các mạng lưới năng lượng. “Việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng được ưu tiên cao nhất. Trong nhiều tháng, chúng tôi nhận thấy có một mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng năng lượng này, vì nó là đối tượng được công chúng đặc biệt chú ý” - bà Nancy Faeser nói. Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết, cảnh sát liên bang đang tuần tra các vùng biển phía Bắc và biển Baltic mỗi ngày. Na Uy - hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu - cho biết, họ sẽ tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở khai thác dầu của mình sau vụ phá hoại đáng ngờ.

Trong khi đó, Điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc về mặt trách nhiệm liên quan, đồng thời cho rằng việc dòng khí đốt đi qua các đường ống này ngừng hoạt động là bất lợi cho Nga. Sự cố vừa là nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, vừa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu khi các dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu ngừng hoạt động.

https://www.anninhthudo.vn/chua-ro-dong-co-dan-den-vu-no-cua-duong-ong-dan-nord-stream-1-post518452.antd

Ngày đăng: 08:19 | 30/09/2022

/