Chuyện nữ cử nhân lên xin xác nhận vào hồ sơ lý lịch bị xã bút phê “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương".
Dòng ghi xác nhận lý lịch vô cảm và lạm quyền của ông Phó chủ tịch xã An Bình |
1 công dân đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp mặt sau của bản sơ yếu lý lịch của em gái kèm bút phê và con dấu của UBND xã. Ở phần xác nhận của địa phương, Phó chủ tịch xã An Bình Trương Phúc Thực ghi: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương". Theo người này, nguyên nhân là giữa năm 2016, xã An Bình triển khai làm đường liên xã và có huy động đóng tiền mỗi nhân khẩu 2 triệu đồng. Gia đình không đủ khả năng đóng góp nên khi lên xin dấu xác nhận đã bị lãnh đạo "làm khó".
Câu chuyện xảy ra ở xã An Bình, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. Ngay sau khi thông tin được báo chí phản ánh, tỉnh Hải Dương đã vào cuộc, yêu cầu huyện và xã ngay lập tức cấp lại bản xác nhận sơ yếu lý lịch khác cho công dân.
Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Hải Dương Trương Văn Ơn cho biết: UBND tỉnh Hải Dương nhận định nội dung mà lãnh đạo xã An Bình ghi lên phần xác nhận của địa phương trên lý lịch cá nhân của một công dân như phản ánh là không đúng quy định. Tỉnh giao cho huyện Nam Sách trực tiếp phối hợp với xã mời công dân lên để tổ chức khai và xác nhận lại lý lịch cho công dân theo đúng thẩm quyền.
Việc ghi nội dung không chấp hành quy định chủ trương của địa phương của Phó chủ tịch xã An Bình Trương Phúc Thực lên lý lịch của nữ cử nhân 23 tuổi chỉ vì gia đình này chưa đóng tiền và bàn giao đất hiến để mở rộng đường lên xã đã vấp phải phản ứng của dư luận. Việc làm này được cho là lạm quyền và cứng nhắc. Ngoài việc yêu cầu xã An Bình phải sửa chữa khắc phục, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục xem xét trách nhiệm của lãnh đạo xã này khi để xảy ra sự việc.
Nhiều người ngạc nhiên vì sự lạm quyền của các cán bộ ở cấp xã, thậm chí có người còn đặt câu hỏi, đây là các ông quan xã hay những “ông trời con”?
Họ gây khó dễ cho dân bởi họ được quyền nắm con dấu, không có xác nhận bằng triện đỏ của họ, công dân sẽ không thể có lý lịch mà xin việc làm, xin cấp sổ đỏ, xin đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh...
Người ta có thể có hàng trăm lý do để chậm đóng tiền cho xã, bởi các khoản phí mà nhiều nơi vẽ ra đã khiến họ oằn lưng, không thể cõng nổi, bởi họ quá nghèo, bởi họ còn có những việc khác phải lo, bởi họ thấy khoản đóng góp ấy là chưa hợp lý... Ấy thế nhưng ông quan xã không cần biết, ông cứ “khái quát hóa” cái tội của gia đình nhà ấy lên thành một dòng vô cảm và lạnh lùng: “bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.
Một dòng ghi vào lý lịch như thế, là một dòng kết luận thiếu nhân văn. Ai biết đâu nội tình nhà ấy chỉ thiếu nợ xã vài triệu bạc, thiếu nợ một khoản phí độc đáo nào đó mà xã nghĩ ra, đọc vào người ta hẳn sẽ thấy bản thân công dân và gia đình ấy chắc là thuộc diện “bất hảo”, ghê gớm lắm đây nên mới bị ghi vào lý lịch. Mang cái lý lịch ấy mà đi xin việc, ai dám nhận công dân này?
Những người được giao quản lý chính quyền ở cấp cơ sở, nếu có đầu óc, có tầm nhận thức tốt thì dân được nhờ, còn ngược lại, họ là những vật cản mà người dân phải chịu đựng. Buồn thay...
Ngày đăng: 13:08 | 09/08/2017
/ Mi An/baodatviet.vn