Nhiều kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết khiến vị đại biểu HĐND TP Đà Nẵng "thấy khó chịu".
Trong hai ngày 5 và 6/12, kỳ họp thứ 6 HĐND TP Đà Nẵng khóa 9 diễn ra phần thảo luận và chất vấn với nhiều vấn đề nóng trên địa bàn, từ ô nhiễm môi trường đến ùn tắc giao thông, quy hoạch treo, quản lý đô thị và chung cư lỏng lẻo...
Dẫn chứng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan làm gần xong, nhiều hộ dân bị giải tỏa hai năm nay nhưng vẫn chưa nhận đất tái định cư, đại biểu Trần Văn Trường - Bí thư Huyện uỷ Hòa Vang nói: "Chúng ta làm như thế là mất lòng tin với dân".
Theo ông Trường, quy hoạch không khớp nối trên địa bàn đã dẫn đến sự chồng chéo; ở xã Hòa Liên khi các quy hoạch hoàn thành thì lại phát sinh chuyện người dân không sản xuất nông nghiệp được, nhà bị ngập nước, lại phải giải tỏa, đền bù gây tốn kém.
Kênh thoát lũ Hòa Liên (Hòa Vang) chậm tiến độ hai năm nay. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, người dân có ý kiến rồi mình hứa về phản ánh với ủy ban thành phố và các ngành để giải quyết, lần sau tiếp tục hứa. Tôi nghĩ mình làm không tròn vai trò đại biểu vì cứ hứa miết. Tôi rất khó chịu chuyện này", ông Trường nói và đề nghị thành phố phải quan tâm giải quyết những kiến nghị mà đại biểu nêu ở nghị trường.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Hải đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương phải khảo sát, đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chức năng, đề xuất thời gian hoàn thành; tránh tình trạng hứa rồi không làm.
Ông Hải thống kê, năm 2017 chỉ có 144/203 kiến nghị của cử tri được giải quyết, trong đó 39% kiến nghị được giải quyết dứt điểm, còn 29% kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời; từ sau kỳ họp thứ 3 đến nay, chỉ có 61/116 nội dung kết luận được thực hiện.
Đại biểu Huỳnh Minh Chức thì đề nghị lãnh đạo thành phố nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các ngành, các quận huyện.
Ông Nguyễn Nho Trung - Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, chủ trì kỳ họp, cho rằng nếu để cử tri kiến nghị đến lần thứ hai mà chưa giải quyết được thì cơ quan nào chậm phải đứng ra xin lỗi.
"Tôi đề nghị biểu quyết luôn vấn đề này để đưa vào nghị quyết về văn hoá xin lỗi nhân dân", ông Trung nói.
Tính chuyện thu phí giữ xe ở bệnh viện sau 7 năm miễn phí
Tại kỳ họp, UBND TP Đà Nẵng đã đề xuất tái thu phí giữ xe máy, xe đạp tại các bệnh viện công lập từ 1/1/2018.
Chính quyền thành phố cho biết hàng năm ngân sách thành phố phải chi cho việc trông coi xe miễn phí tại 23 đơn vị bệnh viện công, kinh phí giai đoạn 2011 - 2017 là hơn 32 tỷ đồng.
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng - một trong những đơn vị thực hiện miễn phí giữ xe cho người dân từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tuy nhiên có một số cá nhân lợi dụng chính sách này đến gửi xe tại bệnh viện nhưng không phải mục đích vào thăm bệnh nhân hoặc khám chữa bệnh, làm cho bãi giữ xe bị quá tải, có lúc không còn chỗ. Thêm vào đó, kinh phí thuê người trông coi xe cũng như phát sinh tiền điện, nước, gia cố mái che,... khiến thành phố không có kinh phí thực hiện.
Nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với đề xuất trên. Ông Lê Minh Trung cho rằng việc miễn phí giữ xe là chủ trương hợp lòng dân, tạo sự khác biệt cho Đà Nẵng và được sự mến mộ của cả nước. "Chi phí cho việc này bình quân mỗi năm là 4,6 tỷ đồng, nghe thì to nhưng nếu chia cho hơn một triệu dân Đà Nẵng thì mỗi người chỉ được khoảng một bó rau", ông nói.
Hai năm bàn thảo vẫn chưa mở được một lối xuống biển
Trong phiên chất vấn, đại đức Thích Thông Đạo đặt câu hỏi "tại kỳ họp HĐND đúng một năm trước, thành phố cho biết sẽ mở thêm 5 lối xuống biển, nhưng đến nay vẫn chưa có lối xuống biển nào được mở, đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai".
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho biết theo quy hoạch, từ bãi tắm Sao Biển đến Quảng Nam (nơi đã cấp đất cho các nhà đầu tư xây dựng các khu resort nghỉ dưỡng) dài 10 km, hiện có 4 bãi tắm và 5 lối xuống biển được duyệt nằm giữa các dự án.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Vũ Quang Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phần trả lời dài dòng, không đúng trọng tâm của ông Hùng khiến chủ tọa Nguyễn Nho Trung nhiều lần cắt ngang, yêu cầu nói rõ "vì sau chậm".
Ông Hùng sau đó cho biết trong năm 2018, thành phố bố trí 10 tỷ đồng để mở lối xuống biển giữa khu resort Furama và Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Ariyana.
Lãnh đạo Sở Xây dựng không đề cập trách nhiệm của cá nhân hay đơn vị chậm triển khai việc mở các lối xuống biển cho người dân tắm, dạo mát.
Thông tin thêm tới đại biểu HĐND TP, ông Nguyễn Nho Trung cho biết, việc bố trí các lối xuống biển gặp khó khăn, kéo dài do đất đã cấp cho các doanh nghiệp rồi nên bây giờ phải thỏa thuận mới lấy lại để mở lối đi công cộng.
Họp tới lui, người Đà Nẵng phải đợi thêm 1 năm mới có lối đi xuống biển Sau 2 năm bị trì hoãn với vô số lần cử tri đề xuất tại các cuộc tiếp xúc cử tri đến họp HĐND, người ... |
Thanh tra toàn diện dự án tại Sơn Trà và khu đô thị lấn biển ở Đà Nẵng Cơ quan chức năng thanh tra dự án trên bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đà Nẵng trong 45 ngày. |
Ngày đăng: 22:15 | 06/12/2017
/ VnExpress