Ngày 31/8, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022.
Các đồng chí: Phạm Thanh Hà, Phó Chủ tịch Văn phòng Chủ tịch nước; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an; Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TAND Tối cao chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà đã công bố Quyết định số 978 về đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc xá cho 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.
Đặc xá năm 2022 một lần nữa khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Như các lần đặc xá trước đây, quá trình xét Quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đều được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và đảm bảo dân chủ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khác với các lần đặc xá trước, Quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.
Để thực hiện công tác đặc xá, ngày 1/7/2022, Chủ tịch nước đã có Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng và uỷ viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; trong đó Bộ Công an là cơ quan thường trực của Hội đồng. Hội đồng tư vấn đặc xá đã có hướng dẫn, tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền để phạm nhân và người dân hiểu; tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện đúng quy định.
“Chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi phạm tội là “nghiêm trị” kết hợp với “khoan hồng”. Chính vì vậy, pháp luật không chỉ nhằm trừng trị mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống, ngăn ngừa họ không phạm tội mới” – đồng chí Phạm Thanh Hà cho biết và khẳng định, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào. Dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài nếu có đủ điều kiện theo quy định, đều được đặc xá.
“Chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá, tha tù tái hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp, chính sách nhân đạo để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù về nơi cư trí, sớm tái hoà nhập cộng đồng” – đồng chí Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, đợt đặc xá lần này có 16 phạm nhân quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện được Chủ tịch nước đặc xá, gồm 1 phạm nhân quốc tịch Australia; 1 phạm nhân quốc tịch Canada, 4 phạm nhân quốc tịch Trung Quốc…
Trả lời câu hỏi về tổng số tiền những người đặc xá thực hiện hình phạt bổ sung, án phí, phạt tiền, nghĩa vụ dân sự khác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, tổng số tiền những người được đặc xá thực hiện hình phạt bổ sung, án phí, phạt tiền, nghĩa vụ dân sự khác là 67 tỷ; người nộp nhiều nhất (trên 4 tỷ đồng) là phạm nhân Huỳnh Tiến Dũng. 8 phạm nhân trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo được đặc xá lần này.
Ngày đăng: 12:40 | 31/08/2022
Phương Thuỷ / CAND