Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhưng do chưa đủ điều kiện kinh tế nên không thể thuê nhiều nhân viên, nhất là bộ phận quản lý an ninh, trật tự. Tôi muốn lắp camera ở cơ sở lưu trú của mình, nhưng cán bộ cơ sở nói là không được phép. Xin hỏi quy định pháp luật về vấn đề này? Nguyễn Tuấn Anh (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội)
Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) |
Luật sư trả lời: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc lắp đặt, sử dụng camera hoặc các thiết bị ghi âm, ghi hình trong các hoạt động của đời sống xã hội dân sinh mà chỉ có những nội quy, quy chế riêng biệt trong từng lĩnh vực.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực bảo vệ bí mật Nhà nước, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật Nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Hoặc ngành Công an có quy định về việc không được tự ý sử dụng các thiết bị quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phỏng vấn tại cơ sở giam giữ phạm nhân… Hiện tại, pháp luật chỉ có các quy định về việc nghiêm cấm sử dụng trái pháp luật hình ảnh, bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của người khác và chế tài xử lý đối với hành vi này.
Cụ thể, khoản 2, Điều 38 - Bộ luật Dân sự quy định: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Việc lắp camera an ninh ở cơ sở lưu trú phải được kiểm soát chặt chẽ |
Như vậy, việc lắp đặt camera tại cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ không bị cấm. Nhưng việc sử dụng hình ảnh có được thông qua thiết bị ghi âm, ghi hành được pháp luật kiểm soát chặt chẽ. Người sử dụng những hình ảnh này mà xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra.
Ví dụ như việc lén lút lắp đặt camera trong phòng nghỉ để thu thập hình ảnh của người khác và/hoặc sử dụng hình ảnh đó để tống tiền hay đăng tải lên trang web, mạng xã hội sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự về “Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135)”, “Tội làm nhục người khác (Điều 155)”, “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253)”…
Có nhiều trường hợp đối tượng quay trộm cảnh quan hệ yêu đương của các cặp đôi, quay trộm người khác tắm… đã bị khởi tố, truy tố, xét xử về một trong các tội danh trên với hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, mặc dù đã có những chế tài điều chỉnh việc sử dụng trái phép hình ảnh của người khác, nhưng theo quan điểm của luật sư, các nhà làm luật vẫn cần phải ban hành những quy định cụ thể về việc sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình tại các cơ sở lưu trú, chẳng hạn khu vực được lắp đặt, hạn chế lắp đặt, nghiêm cấm lắp đặt camera; Cảnh báo về khu vực có camera giám sát… Như vậy sẽ tránh được những hiểu lầm của chủ cơ sở lưu trú khi tùy tiện sử dụng camera với lý do đảm bảo an ninh, còn về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng không bị bối rối khi không cho phép cơ sở lưu trú lắp đặt camera để bảo vệ tài sản của cơ sở mình.
Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.
Ngày đăng: 14:03 | 27/06/2022
ANTĐ / anninhthudo.vn