Chúng ta có thể nói rằng, một người Á Đông, hay người Việt Nam không thể có hiếu với cha mẹ. Trong nền luân lý cổ truyền Việt Nam, hiếu hạnh được xem như một vấn đề trọng đại nhất của đạo làm người. Có thể nói hiếu đạo là nền tảng của các đạo lý khác. Một người Việt Nam không nhớ ơn và trả ơn cha mẹ thì không còn là một người Việt nữa. Chúng ta không thể quan niệm một con người không có hiếu đễ. Một người bất hiếu thì chắc chắn không thể hoàn thành bất cứ một đạo lý nào một cách tốt đẹp được. Người ấy đã tự mình đào bới gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Việt Nam, tự mình phá hủy những gì cao đẹp nhất của văn hóa dân tộc.
Chỉ vì một con gà |
Chữ thương trong đạo phật |
Tinh hoa và tinh thần cao đẹp ấy của người Việt không phải tự nhiên mà có, mà chính nhờ ảnh hưởng sự kết tinh củ cả một nền giáo dục, một tổ chức văn hóa từ ngàn xưa để lại, xứng hợp với bản tính, phong tục của người Việt Nam. Nhờ vậy truyền thống hiếu hạnh được duy trì và phát triển từ đời này qua đời khác. Trong tất cả các ảnh hưởng của nền văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng lớn nhất là của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục được truyền vào nước Việt từ cuối thế kỷ thứ I, đã đi vào lòng dân tộc, các tầng lớp quần chúng và mãi được duy trì qua các thời đại, cho đến ngày nay vẫn được đa số dân chúng tôn thờ quy ngưỡng.
Chúng ta đều biết người Phật tử Việt Nam vừa thừa hưởng được gia tài hiếu đạo của dân tộc mình, vừa tiếp thu truyền thống hiếu hạnh của Phật giáo. Cho nên cách báo hiếu của người Phật tử có điểm khác biệt và hoàn bị hơn người thường. Nhờ học tập giáo lý, nhờ chánh pháp soi sáng, người Phật tử ít câu nệ hình thức, không chấp nhặt vào những quan niệm luân lý hiếu đễ có tính chất ước lệ máy móc. Như khi cha mẹ qua đời, người Phật tử không cho rằng có than khóc bi ai mới tỏ niềm hiếu kính. Trái lại giữ tâm thanh tịnh mà cầu nguyện cho hương linh của cha mẹ được sáng suốt, lìa bỏ tham sân si để vãng sanh về cảnh giới an lành. Người Phật tử cũng không giết mổ gia súc để cúng giỗ tổ tiên ông bà, hay tổ chức đám tiệc linh đình nặng hình thức để báo hiếu. Điều quan trọng nhất của người con Phật, khi cha mẹ còn sống phải hướng họ vào đường lành, giới thiệu đạo giải thoát đến với cha mẹ. Khi quá vãng phải cầu nguyện cho hương linh của các bậc thiện tri thức và Tăng chúng như Ngài Mục-kiền-liên đã làm.
Trong kinh Đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú Chánh pháp, làm sao giúp đỡ, dẫn dắt cha mẹ an trú trong Chánh pháp. Cha mẹ chưa an trú trong điều lành, thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều lành. Cha mẹ chưa quy y Tam bảo thì nên đưa cha mẹ an trú trong quy y Tam Bảo. Như vậy, cha mẹ không những hưởng được phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, tránh xa lánh chấp trước, vọng tưởng, là nguyên nhân đưa đến sinh tử luân hồi. Khi cha mẹ bớt khổ, an vui, giải thoát thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên Cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”.
Hiếu là đức hạnh đặc biệt của con người. Hiếu là tình thương, là lòng thảo, là sự nhớ ơn, biết ơn, đền ơn, đối với công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đó là mối quan hệ tốt đẹp giữa con cái với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Về phương diện này đạo Phật có đóng góp gì, quan niệm như thế nào và những lời dạy về đạo hiếu của Đức Phật có ảnh hưởng ra sao đối với dân tộc Việt Nam?
Trước hết chúng ta thấy đạo Phật có mặt ở Việt Nam gần 20 thế kỷ, đã đi đôi với vận nước hưng suy, trong đó giáo lý dạy về hiếu nghĩa chiếm một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Đạo Phật nêu rõ công ơn của cha mẹ đối với con cái, công ơn ấy cao dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với lý tương quan tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, Đức Phật cho biết người con được sống ở đời, được trưởng thành là nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ trải qua nhiều năm tháng. Sau đây chúng ta lấy các kinh tiêu biểu nhất dạy về đạo hiếu để tìm hiểu quan điểm và cách thực hành hạnh hiếu qua lời dạy của Đức Phật.
I. ĐẠO HIẾU TRONG KINH VU-LAN-BỒN
Kinh Vu-lan và kinh Báo ân cha mẹ là hai kinh nói riêng về đạo hiếu và nói một cách cụ thể, thâm trầm, sâu sắc nhất. Do đó vào mùa báo hiếu các chùa luôn luôn tổ chức tụng hai kinh này. Thứ nhất để nhắc nhở Phật tử nhớ đến ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, một ân đức sâu nặng nhất của đạo làm người. Thứ hai để cầu nguyện cho thân nhân quá cố được vãng sanh về miền an lạc.
Do đó nói đến chữ Hiếu trong đạo Phật phải nói đến kinh Vu-lan-bồn và lễ Vu-lan trong ngày Tự tứ.
Vu-lan-bồn còn gọi là Om-lam-bà-noa, dịch âm từ chữ Phạn Ulambana. Người Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền. Nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, nghĩa bóng là giải thoát cho người đau khổ như bị treo ngược. Có người nói từ bồn là từ Trung Quốc, có nghĩa là chậu, nghĩa là chậu đựng phẩm vật cũng dường Đức Phật và chư Tăng.
Kinh Vu-lan-bồn là kinh nói về việc Đức Phật chỉ cách cho Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ đang bị đọa làm quỷ đói. Đó cũng là phương pháp cứu vớt vong linh khỏi cảnh khổ sở tối tăm nhờ sức chú nguyện của chư Tăng trong mười phương.
Còn lễ Vu-lan là đại lễ của Phật giáo thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng bảy mỗi năm. Đó cũng là ngày Tự tứ, ngày giải hạn của chư Tăng. Trong ngày ấy tất cả Phật tử vân tập về chùa hay tịnh xá dâng lễ vật lên cúng dường Đức Phật và chư tăng để cầu nguyện cho cha mẹ, thân nhân quá cố vãng sanh về miền tịnh lạc, theo đúng truyền thống báo hiếu bắt đầu từ Ngài Mục-kiền-liên.
Tôn giả Mục-kiền-liên là một đệ tử lớn của Đức Phật có thần thông bậc nhất. Sau khi đắc quả A-la-hán, Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi, thì thấy mẹ mình bị nạn đói khát dày vò trong loài quỷ đói. Tôn giả liền cầm bát cơm đến dâng cho mẹ. Vì tánh tham lam bủn xẻn, bà lấy một tay che bát cơm, một tay bốc ăn. Nhưng vừa đưa đến miệng thì hóa thành than hồng không sao ăn được. Tôn giả Mục-liên thấy vậy lòng rất đau xót nhưng không biết làm sao được, nên trở về xin Phật chỉ dạy. Đức Phật dạy: “Mẹ ông đã nhiều đời tham lam keo kiệt, nên phải chịu khổ báo làm quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi. Phải nhân ngày Rằm tháng bảy tổ chức cúng dường Phật và Thánh Tăng mười phương, nhờ vào sức mạnh chú nguyện của Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.
Ngài Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy dâng lễ cúng Phật và Tăng mười phương. Nhờ oai lực của giới đức và phương đức của chư Tăng, cũng nhờ công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả, mà mẹ Ngày sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói.
Nhân đó Đức Phật dạy Mục-kiền-liên rằng: “Là đệ tử Phật có đức hiếu thuận phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm vào Rằm tháng bảy, hãy nên làm lễ Vu-lan-bồn, cúng dường Đức Phật và chúng Tăng để báo ơn sanh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ hiện đời sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sanh vào các cõi lành”.
Từ đó lễ Vu-lan đó trở thành một truyền thống báo hiếu của người Phật tử.
Câu chuyện báo hiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên thật là cảm động, nó in dấu ấn sâu đậm vào tâm hồn của cả Phật tử năm châu.
Sau ba tháng an cư kiết hạ, cả hai chúng Phật tử cùng chung lo ngày báo hiếu Vu-lan rất trọng thể để biểu lộ lòng kính hiếu của mình đối với cha mẹ hiện tại và cha mẹ nhiều đời đã qua.
Riêng Phật tử tại gia suốt trong mùa An cư đã thành tâm cúng dường Tam bảo, thân cận với chư Tăng để tu học, nhất là ngày Vu-lan đã kết hợp được lòng hiếu đạo đối với cha mẹ và lòng kính ngưỡng đối với chư Tăng như một bổn phận thiêng liêng. Do đó mỗi độ thu về, báo hiệu một mùa Vu-lan sắp đến thì mọi người con Phật tử trong lòng rạo rực hân hoan, phấn khởi, chuẩn bị cho ngày hiếu hạnh thật long trọng và đầy ý nghĩa. Điều đó nói lên truyền thống báo hiếu trong đạo Phật thật là tốt đẹp và các tự viện tịnh xá luôn luôn là nơi quy tụ những người con hiếu hạnh muôn đời. Đêm Vu-lan mãi mãi gợi nhớ mẹ cha một cách thật tha thiết:
“Đêm Vu-lan trăng tròn vành vạnh
Nhớ mẹ cha canh cánh bên lòng
Cha còn như ngọn đèn chong
Mẹ còn như ánh trăng Rằm mùa thu”.
II. ĐẠO HIẾU TRONG KINH BÁO ÂN CHA MẸ
(Xem bài Hiếu hạnh của người Phật tử Việt Nam)
III. NHỮNG LỜI DẠY TIÊU BIỂU VỀ HIẾU HẠNH TRNG MỘT SỐ KINH ĐIỂN KHÁC
Ngoài hai kinh điển nói trên, Đức Phật còn dạy về đạo hiếu rải rác ở các kinh điển khác rất nhiều. Nhìn chung, khi nói về công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, Đức Phật trình bày một cách tường tận, sinh động, cụ thể làm cho người nghe dễ nhận ra ân đức cao dày của cha mẹ. Sau đây chúng ta hãy đọc một số đoạn kinh dạy về hiếu hạnh trong Hán tạng:
- Kinh bổn sự nói:
“Cha mẹ đối với con, ân đức cao nặng sâu dày, ân đức sanh tử tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao lảng, nhớ con thương con như bóng theo hình.”
- Còn kinh Tâm địa quán so sánh ơn cha mẹ như núi cao biển cả, như mặt trời mặt trăng sưởi ấm địa cầu xua tan bóng tối:
“Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như biển rộng. Không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ cha. Ở đời lấy gì làm sáng lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời giữa trưa chói chang, mẹ hiền khuất bóng gọi là mặt trời đã lặn, mẹ hiền còn sống gọi là mặt trăng sáng tỏ, mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám”.
- Kinh Đại tập dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật.”
- Kinh 42 chương nói: “Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ. Vì cha mẹ là vị thần linh cao nhất trong các vị thần linh.”
- Kinh Phân biệt dạy: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ”.
- Kinh Hiền ngu dạy: “Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ; do công đức như vậy, nên lên các tầng trời làm vị Thiên đế, xuống trần gian thì làm vị Thánh vương.”
- Kinh Nhẫn nhục nói: “Điều kiện tối cao không gì hơn hiếu, điều ác nhất không gì hơn bất hiếu.”
Sau đây là một số đoạn kinh dạy về hiếu hạnh trong kinh tạng Pali:
- Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt – Trường bộ IV – 188b: “Như vậy, người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: Nuôi dưỡng cha mẹ (khi già yếu); làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ; giữ gìn truyền thống gia đình; bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.”
- Kinh Tương ưng tập I cho biết: “Sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp nhiều hơn bể cả.”
- Kinh Tăng chi tập I nói: “Có hai hạng người, này các tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, xoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dù tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện như vậy, này các tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả hơn cha mẹ đủ…”
Như thế cả Nam tạng và Bắc tạng đều nói đến đạo hiếu và dạy cách báo hiếu rất đầy đủ. Nhưng điểm nổi bật nhất trong việc báo hiếu ở đây có khác với thường tình, nghĩa là ngoài việc cung phụng những nhu cầu về vật chất, về tâm lý cho cha mẹ được thỏa mãn, người con hiếu thảo đúng nghĩa phải hướng cha mẹ đi vào đường lành, thực hành chánh pháp, cũng là cách chuẩn bị một cận tử nghiệp tốt cho sự vãng sanh về cảnh giới an lành sau khi cha mẹ qua đời. Đó là đạo hiếu xuất thế gian, như Long thư tịnh độ văn chỉ nói:
“Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian giúp cha mẹ hưởng phước vô tận, vì cha mẹ được sanh Tịnh độ phước thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu.”
Qua sự phân tích một số kinh điển nói về hiếu hạnh, chúng ta thấy rõ lập trường, quan điểm của đạo Phật đối với vấn đề này rất rõ ràng. Hiếu ở đây ngoài phần vâng lời cha mẹ, bảo vệ danh dự khí tiết gia đình, còn phải giới thiệu đạo giải thoát đến với cha mẹ, để tạo thiện nghiệp, giúp cha mẹ khi còn sống được an lạc, khi quá vãng nương nghiệp lành mà về thế gian tốt đẹp an vui. Người Phật tử Việt Nam qua lời dạy về đạo hiếu của Đức Phật đã thể hiện được hiếu hạnh trong nếp sống của mình. Gia đình nào áp dụng đúng lời Phật dạy sẽ tạo được hạnh phúc, an vui ngay trong đời sống hiện tại, góp phần ổn định trật tự xã hội và hạnh phúc cho mọi người.
Nhưng ngày nay tình hình đạo đức xuống dốc, hiện tượng con cái bất hiếu bất mục rất nhiều, bên cạnh đó tệ nạn xã hội cũng lan tràn. Điều đó cho chúng ta thấy tinh thần hiếu đễ của Phật giáo nói riêng, tinh hoa của đạo Phật nói chung chưa phổ biến thật rộng rãi trong quần chúng. Ngoài ra số người theo đạo Phật khá nhiều, nhưng thực chất thẩm thấu giáo lý Phật-đà và áp dụng trong thực tiễn thì còn rất hạn chế. Muốn cho con cháu có hiếu hạnh, thì tự mình phải có hiếu hạnh. Hơn nữa, cha mẹ hải dạy cho chúng ngay khi còn nhỏ những đức tính căn bản như siêng năng làm việc, chăm lo học tập, vâng lời cha mẹ, kính nhường người lớn… Nhờ đó khi lớn lên con cái sẽ biết phụng dưỡng mẹ cha, gìn giữ tài sản, bảo vệ gia phong, khí tiết, danh dự của gia đình. Nói chung con cái dễ trở thành người có hiếu hạnh.
Như chúng ta đã xác định hiếu hạnh là căn bản của các hạnh lành, là đạo lý nền tảng của các đạo lý khác. Do đó nó có khả năng giúp con người hoàn thiện nhân cách, nhờ đó góp phần vào sự ổn định xã hội. Vậy muốn cho xã hội tốt đẹp thuần lương, chúng ta phải thực hành và phổ biến phần giáo lý này của Đức Phật.
Trong bài này chúng ta đã lược thuật hai kinh tiêu biểu nói về đạo hiếu mà Phật tử ai cũng biết. Mặc dù hai kinh này do Đức Phật trực tiếp chỉ dạy cho hàng đệ tử xuất gia, nhưng Ngài không có ý chỉ dạy riêng cho chúng đệ tử này, mà do nhân duyên chưa đến nên Ngài đã nói ra như thế. Do đó dù xuất gia hay tại gia, hiếu đạo vẫn là nền tảng của con người, mặc dù cách báo hiếu có phần khác nhau. Chúng ta lại có thể khẳng định rằng đã là Phật tử thì phải thực hành hiếu hạnh. Chính đạo Phật đã dạy hạnh hiếu là hạnh tu, là căn bản của các hạnh lành. Như thế nếu người không có hiếu thì không phải là Phật tử chơn chánh.
Điểm khác biệt căn bản giữa hiếu đạo Phật giáo và hiếu đạo thông thường là: Hiếu của người đời chỉ lo cung phụng đầy đủ cho cha mẹ hiện đời, mà có khi xúc phạm đến sinh mạng của loài khác, để đưa đến hậu quả khổ đau. Hiếu của đạo Phật không những lo cho cha mẹ hiện tại, mà còn lo cho cha mẹ nhiều đời, nói rộng ra là tất cả nhân loại chúng sanh. Kính dạy không thể tìm thấy một người nào trên thế gian này mà không một lần làm cha mẹ của mình trong cuộc sinh tử luân hồi. Do đó hiếu của đạo Phật là hiếu với tất cả mọi người. Điều ấy rất phù hợp với lời kinh dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Mặt khác, hiếu của đạo Phật không những lo phụng dưỡng cha mẹ đang sống mà cũng lo báo đáp thâm ân của cha mẹ quá vãng. Vì đạo Phật cho rằng cha mẹ dù đã qua đời nhưng không mất, mà vẫn còn quan hệ với con cháu. Điều thiết thực nhất, triệt để nhất, ý nghĩa nhất vẫn là cách làm cho cha mẹ trở về với đạo giác ngộ giải thoát, có chánh kiến chánh tư duy, tu tập giới định tuệ, thực hành chánh pháp, làm các hạnh lành. Đó là điều kiện xây dựng hạnh phúc thật sự cho đời sống hiện tại và tư tưởng cần thiết cho một đời sống an lạc giải thoát mai sau.
Các gương hiếu hạnh trong đạo Phật rất nhiều. Ở đây xin lược nêu hai tấm gương tiêu biểu nhất:
1. Đức Phật là tấm gương đại hiếu:
Khi còn làm Thái tử, hiểu được con người phải chịu sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết bức bách. Ngài nghĩ đến Phụ vương, đến mẹ Ngài cũng bị quay cuồng trong bể khổ đau ấy. Ngài thấy chúng sanh và mình cũng bị bốn khổ nói trên ép ngặt và xa hơn Ngài hiểu rằng cha mẹ đau khổ là chúng sanh đau khổ, chúng sanh đau khổ là cha mẹ đau khổ. Chính lòng thương chúng sanh, lòng hiếu với cha mẹ thúc đẩy Ngài từ bỏ tất cả quốc thành thê tử, để tìm đạo giải thoát cho cha mẹ và muôn loài. Chính lòng thương lòng hiếu ấy thúc đẩy, Ngài tinh tấn tu hành và cuối cùng thành bậc Chánh giác. Sau ngày thành đạo, Ngài thực hành việc cứu khổ cho chúng sanh. Ngài về thành Ca-tỳ-la-vệ thuyết pháp độ vua cha đắc quả Tu-đà-hoàn, lên cung trời Đạo-lợi thuyết pháp cho thân mẫu. Đến khi nghe tin vua cha lâm bệnh, Ngài lập tức trở về giảng đạo lý, khiến nhà vua trút bỏ mọi ưu tư buồn khổ và thác sinh lên cõi Tịnh Cư thiên. Chính tay Ngài nâng quan tài và làm lễ trà tỳ cho vua cha. Cho đến khi sáp nhập niết-bàn, Ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào, khi có nhân duyên cứu giúp. Nói chung Ngài cứu độ tất cả chúng sinh không một phút giây ngừng nghỉ bằng tâm từ đồng thể đại bi. Có thể nói hàng vạn ức chúng sinh được giác ngộ giải thoát là nhờ công ơn báo hiếu vẹn toàn của Đức Phật. Một con người chí hiếu như thế không thể ước lượng, không thể tán dương cho hết lời được.
2. Tổ Cáy là người thực hiện đạo chí hiếu nhưng vẫn giữ được tinh thần cắt ái từ sở thân.
Lúc còn nhỏ mẹ Ngài mua về một rổ cáy (cua đồng), định để chiều nấu ăn. Nhưng khi mẹ Ngài ra ngoài có việc, ở nhà Ngài đem rổ cáy đổ xuống sông. Khi bà mẹ về không thấy rổ cua, hỏi Ngài, Ngài thuwaL “Con nghe chúng nó kêu la than khóc quá, con chịu không nổi, nên con đã thả cho chúng nó được tự do kẻo tội nghiệp.” Mẹ Ngài quở trách, Ngài vẫn điềm nhiên. Sau đó Ngài xin xuất gia và biền biệt gia đình từ đó. Một ngày kia, Ngài nghe tin mẹ mình bán nước uống ở một làng nọ, Ngài liền tìm đến, thấy trong quán có một bà già bán nước lụm khụm. Ngài nhận biết mẹ mình và hỏi: “Bà có thích ở chùa không?” Bà nói: “Nếu được ở chùa ăn may lộc Phật là điều mong muốn của con”. Sau đó, nhà sư đã đưa bà cụ về chùa không cho Tăng chúng cũng như bà biết Ngài là con bà. Để tạo công đức thiện nhân cho mẹ, hằng ngày Ngài chia cho bà nhổ một khoảnh cỏ vừa sức. Luôn luôn xử sự với bà như mọi người khác, cho nên suốt thời gian dài mà mọi người xung quanh vẫn không ai biết đó là mẹ Ngài.
Một hôm có Phật sự, Ngài phải đi xa, trong lúc bà cụ đang lâm bệnh. Nên trước khi đi, Ngài dặn Tăng chúng rằng: “Trong thời gian tôi đi vắng, ở chùa bà già có mất thì nên tin gấp cho tôi và đợi tôi về sẽ tẩm liệm”.
Quả vậy, Ngài đi chỉ vài hôm sau thì bà mất. Chúng Tăng y lời, nhắn tin và đợi Ngài vè. Khi Ngài về, đưa mẹ vào quan tài đậy nắp xong, Ngài mới nói với mọi người: “Đây là mẹ đẻ của tôi”. Nghe xong mọi người đều xúc động, sửng sốt, thầm khen ngời đức hạnh của Ngài.
Ngày đăng: 08:47 | 18/09/2017
/ Sách 30 bài pháp cho người tại gia