Thị xã Phú Mỹ cho rằng chủ đất lấp đường, trồng sắn trên đất nông nghiệp bị phân lô bán nền là nhằm đối phó nên vẫn cưỡng chế.
Khu đất rộng gần 135.000 m2 ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) do ông Nguyễn Ngọc Sự (quê Hà Nội) đứng tên sở hữu được làm đường, xây bó vỉa, kéo điện rồi phân lô bán nền dưới danh nghĩa "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1".
Hơn một năm qua, trong căn nhà rộng hàng trăm m2 được xây ở mặt tiền khu đất, hàng chục người mặc đồng phục địa ốc Alibaba túc trực dẫn người dân ở các địa phương đến xem, mua đất nền tấp nập.
Gần 10 ngày trước, UBND xã Châu Pha đến dán quyết định cưỡng chế khiến việc giao dịch trở nên yên ắng. Chỉ vài người túc trực ở ngôi nhà. Hai con đường chính bị căng dây chặn lại, chủ đất thuê xe đến lấp bó vỉa hè, những con đường nhựa. Sắn vừa được trồng trên những khoảnh đất đã đâm chồi xanh.
Chủ đất thuê xe múc lấp đường được xây trái phép - điều này được cho là để đối phó lệnh cưỡng chế. Ảnh: Nguyễn Khoa. |
Ngày 27/6, tại cuộc họp trước khi cưỡng chế khu đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phú Mỹ cho biết, ông Sự đứng tên sở hữu 10 thửa đất, trong đó có 4 thửa đất ở, mỗi thửa 300 m2.
Theo quy hoạch thì khu đất của ông Sự chỉ có 0,7% là đất giao thông, còn phần lớn là đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm, trong khi ông này xây hạ tầng trái phép khoảng 24.500 m2. Việc "sử dụng đất không đúng mục đích" của ông Sự bị chính quyền thị xã Phú Mỹ nhiều lần lập biên bản, xử phạt.
Trước việc chủ đất lấp đất, có khả năng trồng cây trên mặt đường để chống cưỡng chế, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định là sai quy định vì đối với đất trồng cây hàng năm phải có "lịch sử canh tác".
Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ nói: "Những chủ đất có dấu hiệu đối phó sẽ tiến hành cưỡng chế trước. Trong tháng tới sẽ trả lại đúng hiện trạng ban đầu của các khu đất nông nghiệp". Ông khẳng định địa phương và ngành chức năng thị xã phải chịu trách nhiệm vì đã buông lỏng quản lý để việc phân lô bán nền trái phép diễn ra như thời gian qua.
Tại thị xã Phú Mỹ, hàng loạt khu đất nông nghiệp cá nhân đứng tên sở hữu bị phân lô bán nền dưới danh nghĩa "khu dân cư Alibaba". Các "dự án" này không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa.
Cơ quan chức năng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa tiếp nhận bất kỳ hồ sơ, giấy tờ nào liên quan đến việc cấp phép xây dựng đứng tên Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba. Các "dự án ma" được tạo lập do các cá nhân ủy quyền và ký hợp đồng hợp tác phân phối đất nền cho các công ty con của Tập đoàn địa ốc Alibaba.
Cuối năm ngoái, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Bà Rịa - Vũng Tàu mời chủ đất nhưng họ đều ủy quyền cho bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh đến làm việc. Bà Trinh khi đó là đại diện ủy quyền của Công ty CP địa ốc Alibaba, đã không cung cấp được hồ sơ pháp lý về các dự án.
Theo Tú Trinh, Alibaba đã giao dịch 3.333 nền với hơn 771 tỷ đồng tại các "dự án" ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1", công ty đã phân phối 346 nền với tổng giá trị hơn 189 tỷ đồng.
Sắn vừa được trồng trong khu đất được Alibaba bán hàng trăm nền. Ảnh: Nguyễn Khoa. |
Gần nửa tháng trước, UBND xã Tóc Tiên đã cưỡng chế khu đất bị biến thành dự án bất động sản trái phép và đã vấp phải sự chống đối của hơn 70 người mặc áo đồng phục Công ty địa ốc Alibaba. Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh bị bắt tạm giam khi chỉ đạo, cầm gạch đá đập vỡ kính xe múc của đoàn cưỡng chế.
Sau sự việc, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Alibaba trong buổi tọa đàm nhân viên về vụ cưỡng chế đã nói "học ngu ra làm công an xã". Ông này tự đặt câu hỏi "học cái gì ra làm chủ tịch xã" và tự trả lời "học làm côn đồ". Sau đó, ông Luyện viết thư xin lỗi.
Tuy nhiên, cho rằng những lời lẽ trên đã miệt thị công an và chủ tịch xã, là vi phạm pháp luật, làm mất uy tín, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và cơ quan nhà nước, ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên gửi đơn lên cơ quan chức năng kiến nghị xử lý ông Nguyễn Thái Luyện.
Trong cuộc họp báo về kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Công an tại Hà Nội hôm 26/6, trung tướng Lương Tam Quang (Chánh văn phòng Bộ Công an) nói Công an Bà Rịa - Vũng Tàu đang điều tra hành vi xúc phạm công an của Chủ tịch Công ty Alibaba.
Tập đoàn địa ốc Alibaba thành lập ba năm trước và hiện có 20 công ty con với 2.600 nhân sự. Theo giới thiệu trên website, tập đoàn này có vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng, đang triển khai 45 dự án bất động sản, gần 18.000 sản phẩm.
Ngoài Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều khu đất tập đoàn này rao bán bị chính quyền TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận cảnh báo "dự án ma".
Nguyễn Khoa
Dự án ma của địa ốc Alibaba tiếp tục vươn vòi ra Bình Thuận
Một dự án có tên “Alibaba Thắng Hải Newtimes City“ của Công ty CP Địa ốc Alibaba toạ lạc tại tỉnh Bình Thuận được quáng ... |
Alibaba không hề đăng ký đầu tư dự án nào ở Bình Thuận!
Sáng nay (25-6), ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở xây dựng Bình Thuận, khẳng định tại Bình Thuận không hề có dự án nào ... |
Ngày đăng: 08:02 | 28/06/2019
/ VnExpress