Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của chúng ta có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại chúng ta cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa của EU. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt, nhưng nếu quyết tâm đến cùng, DN sẽ tự tin phát triển tại thị trường này.

Tham gia “sân chơi” “EVFTA - cần nhất là tính chủ động

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đăng Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh lương thực Phước An - cho biết, khi thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp của cả Châu Âu và Việt Nam cùng được hưởng lợi. DN Việt sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng đi kèm cũng có rất nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn về quy trình, thủ tục giấy phép, đầu mối làm thủ tục xuất khẩu sang EU. Điển hình, như thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khẩu trang muốn xuất hàng đi EU, nhưng khi tìm hiểu quy trình xin cấp phép thì mất khá nhiều thời gian.

Với những nếm trải trên 10 năm lăn lộn trên thị trường, ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodland - DN đã có 10 năm kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nội thất gỗ sang EU, chia sẻ: Để vào được thị trường EU không dễ, thị trường này sẽ loại khỏi “sân chơi” những DN không đủ tầm và không có chiến lược dài hơi.

“Thị trường EU không phù hợp với những doanh nghiệp chỉ có ý định làm việc theo kiểu “tranh thủ”, ngắn hạn” - ông Vũ Hải Bằng khẳng định, đồng thời giải thích thêm: EU đánh giá rất nhiều góc độ, nhưng xoay quanh chủ yếu đến yếu tố pháp luật, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động. Đối với một số doanh nghiệp lớn của Châu Âu, ngoài yêu cầu thông thường về nguồn gốc xuất xứ, EU còn có tiêu chuẩn cao hơn như quản lý theo chuỗi, chứng chỉ FSC (chứng nhận bảo vệ rừng) cho nguyên liệu gỗ…

Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam - cho biết, thực tế, nhiều DN không biết nhiều về những lợi thế mà EVFTA mang lại, cho nên có thể sẽ bỏ qua nhiều cơ hội. Đó là lý do, DN và các Hiệp hội DN cần phải có trách nhiệm tự tìm hiểu, hoặc phổ biến cho các hội viên của mình. Đừng có tâm lý luôn luôn trông chờ vào việc Nhà nước sẽ mang các thông tin đó cho mình bởi đây là nền kinh tế thị trường.

Theo thống kê, DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 98% trong tổng số DN cả nước, tuy nhiên số lượng DN siêu nhỏ và DN nhỏ chiếm đến 70%.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho hay, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các DN. Tuy nhiên, những thách thức mà DN phải đối mặt cũng rất lớn. Khi tham gia các sân chơi này, cần lưu ý DN về tính chủ động.

“Thời đại hội nhập mà không đi nghe, đi hiểu thì rất nguy hiểm. Không cẩn thận chúng ta không những thua về khả năng mà còn thua cả về luật” - ông Thân nói.

Tuy nhiên, hiểu biết hay nắm rõ quan trọng nhưng một điều cần thiết không kém, đó là nguồn lực. Nguồn vốn rất quan trọng đối với các DN và hiện nay vấn đề này đang là “nút thắt” vô cùng lớn đối với các DNNVV.

“Các DN không khỏi lúng túng, trăn trở vì nguồn vốn hạn chế. Trong khi các điều kiện của EVFTA về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, tỉ lệ nội địa hoá… là rất khắt khe, đòi hỏi các DN phải đầu tư lớn. Chúng ta còn một khó khăn nữa là vấn đề công nghệ. Công nghệ đối với DNNVV của ta là hơi yếu” - ông Thân chia sẻ.

Nguy cơ bị các “ông lớn” EU thâu tóm

Theo ông Trần Đăng Tiến, EVFTA mở ra cơ hội cho DN vào thị trường quy mô GDP 18.000 tỉ USD, song cũng đối diện nguy cơ bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm. COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng từ các tập đoàn đa quốc gia. Xu hướng này cũng có thể dẫn tới điểm bất lợi, là DNNVV bị “nuốt chửng”, bị thâu tóm trước sự đổ bộ ồ ạt của các công ty Mỹ, EU, Nhật Bản.

Điều đáng lưu ý là EVFTA cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ với 99% số dòng thuế được xóa bỏ theo lộ trình cho cả Việt Nam và EU, giúp mở rộng hơn nữa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và ngược lại, nhiều hàng hóa EU chất lượng cao cũng chờ thời cơ để đổ vào thị trường Việt Nam tiềm năng với gần 100 triệu dân. Đây là thách thức đối với các nhà bán lẻ trong nước.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng trong năm 2020. Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực: Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%... Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư khi dư địa của mảng bán lẻ còn rất lớn và chưa được khai thác bài bản, đúng xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng.

Tự tin DN Việt đủ tầm để “chơi theo luật”

Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên chính ĐH Kinh tế Quốc dân - cách đây chưa lâu, cộng đồng DN Việt Nam cũng lo lắng không ít khi Việt Nam gia nhập WTO. Vào thời điểm đó, không ít ông chủ DN Việt Nam mất ăn, mất ngủ với nỗi lo liệu có trụ vững với thương trường nhiều biến động sau hội nhập WTO. Thế nhưng, DN Việt Nam không chỉ hội nhập tốt mà còn tự điều chỉnh để tăng tốc phát triển. Với sự tự tin, năng động, chịu khó tìm tòi, học hỏi, DN sẽ nhanh chóng thích ứng để vượt qua những thách thức mà EVFTA đặt ra, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để giúp các DN tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, chúng ta cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho DN, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Năng lực cạnh tranh là bài toán hóc búa mà chúng ta đã nhận thấy và gặp phải từ rất lâu rồi. Tuy vậy, với việc tham gia các FTA thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, chúng ta cần phải nhanh chóng có những giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực.

“Đối với những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tôi cho rằng chúng ta thực sự cần phải tiếp tục khuyến khích, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút nghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, chúng ta cũng cần có những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn cho DN trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm đầu ra” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA luôn có những cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không. Chính vì vậy, một mặt, cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người nông dân và DN sản xuất, nhưng mặt khác cũng cần có những giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép.

Phong Nguyễn – Cường Ngô

Hiệp định EVFTA: Không phải chỉ toàn màu hồng Hiệp định EVFTA: Không phải chỉ toàn màu hồng
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA
EVFTA: Cơ hội vàng hồi phục kinh tế hậu COVID-19 nhưng EVFTA: Cơ hội vàng hồi phục kinh tế hậu COVID-19 nhưng "đừng sớm hài lòng"

Ngày đăng: 13:58 | 07/08/2020

/ laodong.vn