Giữ hay bỏ điểm cộng ưu tiên trong xét tuyển đại học cần căn cứ vào một số ngành nghề đặc thù.

Việc cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học đang nảy sinh bất cập, thiệt thòi cho những thí sinh đạt điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành/trường “top”. Vấn đề là, có nên bỏ cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học, cao đẳng không?

Bỏ cộng điểm ưu tiên?

Tôi cho rằng, việc giữ hay bỏ cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học, cao đẳng cần căn cứ vào một số ngành nghề đặc thù. Chẳng hạn, cần cộng điểm cho thí sinh xét tuyển khối ngành Công an nhân dân, các trường quân đội là hợp lý. Bởi, có nhiều thí sinh là con thương binh, liệt sĩ, thân nhân các em có nhiều cống hiến cho Tổ quốc nên việc cộng điểm là việc làm nhân văn, hợp đạo lý dân tộc.

Hoặc cộng điểm ưu tiên cho quân nhân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, được công nhận hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ theo quy định là hoàn toàn hợp lý. Những người này phần lớn có năng khiếu, yêu nghề, đã kinh qua nhiệm vụ nên khi trúng tuyển (giả sử nhờ cộng 2 điểm) vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thì họ cũng đủ sức học tập, rèn luyện.

Hay thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh thuộc khu vực 1 được cộng điểm ưu tiên khi đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm là hoàn toàn đúng đắn. Phần lớn những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều quay về phục vụ bản làng, quê hương. Hơn ai hết, họ am hiểu văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện sống ở quê mình nên việc dạy học sẽ hiệu quả hơn. Còn những thí sinh ở thành phố học đại học xong rất ít đến khu vực này công tác.

Tuy nhiên, cần bỏ điểm cộng ưu tiên trong xét tuyển đại học, cao đẳng với những ngành nghề không mang tính đặc thù nhằm tạo sự công bằng cho thí sinh. Năm nay, sau khi nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh khu vực 3 rất “sốc”, thất vọng vì điểm thi trên 29,5 vẫn trượt.

Thậm chí, với mức điểm chuẩn như năm nay, nếu đạt trên 30 điểm tuyệt đối 3 môn đi chăng nữa thì học sinh thành phố vẫn không có cửa đỗ vào ngành học mình yêu thích, điển hình như Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy 30,5 điểm ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao - ngành học có điểm chuẩn cao nhất nước.

Khoảng 20 năm về trước, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì vấn đề cộng điểm là chấp nhận được. Thế nhưng hiện nay, kinh tế phát triển, mức sống chênh lệch giữa các vùng, miền ngày càng được thu hẹp lại (trừ một số vùng đặc biệt khó khăn), thí sinh vùng nông thôn cũng có điều kiện học tập tốt lên, nên việc áp dụng chính sách ưu tiên cộng điểm như bây giờ là không còn phù hợp.

Chống sốc điểm chuẩn: Chỉ nên cộng điểm ưu tiên với những ngành đặc thù - 1
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ)

Hơn nữa, chương trình học thống nhất cả nước, đề thi giống nhau, Internet bao phủ rộng khắp các vùng miền, việc học tập rất thuận tiện thì ưu tiên điểm cộng là vô lý. Chưa kể, thí sinh đậu vào các trường mũi nhọn như bách khoa, y khoa, ngoại ngữ… một phần nhờ điểm cộng thì khó đào tạo ra nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước.

Cùng với đó, cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới, kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu. Vậy nên, không có lý do gì để biện minh cho việc thí sinh thi hơn 9 điểm/môn vẫn trượt đại học.

Ngoài ra, lâu nay xuất hiện luồng dư luận cho rằng, một số phụ huynh chuyển trường, chuyển vùng cho con trước khi tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc thay đổi, cải chính hộ tịch để trở thành đồng bào dân tộc thiểu số (mặc dù bố mẹ là cán bộ sống ở thành phố, thị xã, thị trấn vùng cao…) điều đó gây ra không ít bức xúc cho người dân, Bộ GD&ĐT cần quan tâm tháo gỡ.

Điểm ưu tiên được tính thế nào?

Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng, ngành giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT áp dụng cộng điểm cho thí sinh thuộc đối tượng và khu vực ưu tiên như sau.

Thí sinh được cộng 2 điểm nếu thuộc một trong các nhóm: Người dân tộc thiểu số; làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; thương binh, bệnh binh, sĩ quan, quân nhân; con liệt sĩ, thương binh hoặc bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên...

Thí sinh được cộng 1 điểm nếu là thanh niên xung phong; quân nhân; các cấp chỉ huy tại xã, phường, thị trấn; con của người có công với cách mạng hoặc thương binh, bệnh binh suy giảm dưới 81% khả năng lao động; người khuyết tật hoặc lao động ưu tú tại tất cả thành phần kinh tế... Nếu thuộc nhiều diện, các em chỉ được hưởng ưu tiên cao nhất.

Thí sinh thuộc khu vực I gồm các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi, ven biển, hải đảo hoặc biên giới được cộng 0,75 điểm. Nếu ở các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương, thí sinh thuộc khu vực II, được cộng 0,5 điểm.

Như vậy, một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm. Đây là mức điểm được quy định tương ứng với tổng điểm ba bài hoặc môn thi, xét theo thang 10 và không nhân hệ số. Nếu tuyển sinh theo thang điểm hoặc phương thức khác, các đại học tự xác định mức điểm ưu tiên với tỷ lệ phù hợp.

CAO NGUYÊN

Điểm chuẩn đại học tăng "phi mã", nên bỏ quy định cộng điểm ưu tiên? Điểm chuẩn đại học tăng "phi mã", nên bỏ quy định cộng điểm ưu tiên?
19 trường đại học xét tuyển bổ sung 19 trường đại học xét tuyển bổ sung
Điểm chuẩn tăng kỷ lục: Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ? Điểm chuẩn tăng kỷ lục: Đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ?

Ngày đăng: 09:31 | 25/09/2021

/ vtc.vn