Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia đã lộ ra nhiều bất cập, trong đó chủ yếu do các quy trình, quy chế còn chưa chặt chẽ và đề nghị đưa bài thi về cho các trường đại học tự chấm.
Công bằng cho thí sinh
Đánh giá về kỳ thi THPT, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng những năm gần đây việc tổ chức thi thay đổi liên tục, nhiều hình thức khác nhau. Thầy Dũng nhận định hình thức nào cũng có mặt trái cần khắc phục, tuy nhiên thành công lớn nhất của kỳ thi là đã vì quyền lợi của thí sinh.
“Ngày xưa các trường đại học tổ chức thi thì các em phải về tập trung các cụm, ra các thành phố lớn. Cha mẹ phải đi theo gây tốn kém rất nhiều, chưa kể các áp lực về kẹt xe ở những thành phố tổ chức thi.
Cho nên việc tổ chức thi ở trường phổ thông mà các em theo học là phương pháp tối ưu, tiết kiệm được chi phí cho gia đình, đỡ tốn công sức cho các em và tạo ra sự công bằng”, thầy Dũng cho biết.
Thầy Dũng lý giải, trước đây khi tổ chức thi theo cụm, những thí sinh ở thành phố có thể đi thi tại chỗ, trong khi đó những thí sinh ở nông thôn phải lặn lội đường xa để đi thi. Việc này khiến các thí sinh ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất lợi hơn.
Với những tiêu cực vừa mới xảy ra, lỗi chính nằm ở địa phương. Mặc dù nói có sự phối hợp của các trường đại học để làm cho kỳ thi nghiêm túc hơn, nhưng thực chất ở địa phương chủ trì nên có thể làm tất cả.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Theo thầy Dũng, một số địa phương có luôn trường đại học địa phương, cán bộ giảng dạy, cán bộ viên chức coi thi là người địa phương, chính lý do đó đã không tránh được những tiêu cực, đặc biệt là ở khâu chấm thi.
“Nhiều sơ hở lâu nay mình nhìn thấy rất rõ, tôi lấy ví dụ như lỗ hổng chết người của bài thi trắc nghiệm là không có phách và tô bằng chì nên người ta có thể lợi dụng để tẩy xóa, chỉnh sửa theo đáp án. Bài tự luận nếu để giấy trắng người ta hoàn toàn có thể rút ra và viết thêm vào”, thầy Dũng nhấn mạnh.
Đại học chịu trách nhiệm chấm thi
Để đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, thầy Đỗ Văn Dũng cho rằng nên giao quyền coi thi và chấm thi về cho các trường đại học để không còn hiện tượng "địa phương chủ nghĩa".
“Người coi thi từ các trường đại học ở địa phương khác đến, không có dây mơ rễ má, không có tư tưởng nâng điểm cho cao hơn các địa phương khác. Việc này cũng để hạn chế dính tới con em quan chức ở địa phương, để cán bộ coi và chấm thi không chịu bất kỳ áp lực nào.
Những sự vụ tiêu cực vừa rồi có thể ít nhiều cũng chịu áp lực từ phía chính quyền địa phương. Tác động không có thì không xảy ra tiêu cực được. Tôi đề nghị giao việc này cho các trường đại học dưới hình thức bốc thăm ngẫu nhiên”, thầy Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, dưới con mắt của nhà tuyển sinh, thầy Trần Đình Lý cũng đề xuất chuyển bài thi về cho các trường đại học tự chấm. Trường nào sử dụng kết quả của thí sinh đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính về khâu chấm điểm để ra được kết quả cuối cùng trung thực.
“Bộ đã có đề án rồi, lộ trình đến năm 2020 sẽ thay đổi toàn diện. Khâu chấm thi phải điều chỉnh lại về nguyên tắc là đơn vị nào, ai sử dụng kết quả thì chịu trách nhiệm về điểm. Ngay cả khi trường đại học chấm thì cũng phải tăng cường khâu giám sát, đề phòng trường hợp gian lận theo nguyên tắc phòng hơn chữa, làm sao để bất kỳ cá nhân hay một nhóm nào cũng không thể can thiệp vào, không thể vi phạm”, thầy Lý nói.
Phòng ngừa hơn chữa
Bên cạnh đó, ngoài việc phòng ngừa, thầy Dũng cũng đề xuất với những bài thi trắc nghiệm nên dùng các biện pháp công nghệ để tránh gian lận. Cụ thể, sau khi thí sinh làm xong bài, giám khảo sẽ sử dụng tờ giấy bóng, trong suốt, có một mặt keo dán lên, coi như một hình thức niêm phong kết quả thi.
“Như vậy nếu gỡ ra để sửa thì rách tờ giấy ngay, phương án đó đảm bảo an toàn, khỏi làm phách. Đối với các bài tự luận phần trắng mình gạch chéo đi, như thế là không thể viết thêm nữa. Đó là phương án tốt nhất cho các kỳ thi hiện nay”, thầy Dũng nói.
Đồng quan điểm với thầy Dũng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM, TS. Trần Đình Lý cho rằng, những tiêu cực đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành, trong đó tiêu biểu ở Hà Giang, Sơn La là cá biệt, không đại diện cho toàn bộ kỳ thi.
“Tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La là do có bàn tay con người chủ động can thiệp, về lâu dài nó sẽ gây nguy hiểm cho việc tổ chức toàn bộ hệ thống coi và chấm thi”, thầy Lý nhận xét.
Theo thầy Lý, các kỳ thi cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra vì đó là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thanh tra này phải độc lập, mục đích là đưa ra các hoạt động phòng ngừa.
TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM.
“Phòng ngừa là để người ta không làm được chứ không phải họ làm được mà họ không làm. Mình phải làm sao để ban hành quy chế, kết hợp giữa các ban ngành thật chặt chẽ.
Công tác đề phòng cần chuẩn bị mọi tình huống, mọi khâu, nhất là những khâu nhạy cảm như chấm điểm, nhập điểm cần phải có sự giám sát qua lại giữa các trường đại học, giữa các cơ quan cấp Bộ. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với người lợi dụng và lạm dụng làm điều xấu, ảnh hưởng hệ thống, xúc phạm đến những người thầy tử tế của ngành giáo dục.
Khâu phòng ngừa muốn tốt thì quy chế phải tốt, quy trình phải chặt chẽ, con người phải có đạo đức nghề nghiệp. Những cái đó tạo thành hệ thống chặt chẽ, lúc đó mới có kết quả trung thực được, nếu có trục trặc một trong các công đoạn sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống”, thầy Lý chia sẻ.
Không nên nâng điểm bằng mọi giá
Dưới con mắt một nhà tuyển sinh, thầy Lý cho biết việc tốt nghiệp của học sinh do các Sở, địa phương chịu trách nhiệm, còn các trường đại học lo khâu xét tuyển vào đại học, cao đẳng thông qua những hình thức đặc thù, đánh giá năng lực, thi tuyển...
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có nhiều tiêu cực, đặc biệt ở 2 tỉnh Hà Giang và Sơn La.
“Có chăng kỳ thi chung chỉ dành cho yêu cầu xét tuyển của các em muốn vào đại học thôi. Cũng nói thêm các trường đại học xu hướng hiện nay là tự chủ nên có những hình thức và phương thức tuyển sinh khác nhau.
Có trường thi, có những trường đánh giá năng lực, có những trường kết hợp cả 2. Việc tồn tại kỳ thi chung để có sự tương đồng về năng lực giữa các trường cũng tốt, nhưng kỳ thi đó phải nghiêm túc và do đơn vị nào sử dụng kết quả thì đơn vị đó chủ trì chấm thi”, thầy Lý mong muốn.
Riêng thầy Dũng khẳng định: “Việc các trường đem bài thi về chấm có hơi vất vả nhưng sẽ hạn chế được phần nào tiêu cực. Còn với hệ thống những trường tốt thì công tác đào tạo bên trong sẽ làm rất kỹ. Em nào không đủ năng lực thì sau 1-2 năm bị đuổi ra liền.
Riêng trường Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, mỗi năm chúng tôi đuổi 300 đến 400 em, bằng 1/10 số tuyển vào. Bây giờ các trường chỉ cần đảm bảo chất lượng bên trong là có sự đào thải ngay, cho nên người ta không cần nâng điểm bằng mọi giá để vào đại học”.
Thi THPT quốc gia: “Không phải xử anh Lương, anh Hoài là xong chuyện”
Trao đổi với VietNamNet chiều 28/7, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho rằng khi nào hình ... |
Bắt Phó Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La trong vụ gian lận điểm thi
PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La Trần Xuân Yến cùng 4 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc lợi dụng chức vụ ... |
Gian lận thi cử ở Sơn La câu kết chặt chẽ, có tính toán kỹ lưỡng
Cơ quan chức năng đã xác định được một số cá nhân có hành vi sửa chữa bài thi gốc trước khi scan ảnh gửi ... |
Ngày đăng: 15:27 | 02/08/2018
/ https://vtc.vn