Cứu khoai lang tím Vĩnh Long bằng xe máy, qua các chốt kiểm dịch, tôi rất lo cho trận địa miền Tây.

Tôi được phân phối 5 ký khoai lang tím tuần trước. Cơ quan tôi đã mua hai tấn để hưởng ứng kêu gọi giải phóng hơn 50.000 tấn khoai giúp bà con huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Những ngày sau đó, chúng tôi trực tiếp xuống tận ruộng của thủ phủ khoai lang tím để giúp bà con. Từ "vương quốc" khoai lang Vĩnh Long, chúng tôi chở khoai bằng xe gắn máy khoảng 30 km về Cần Thơ tập kết tại nhà người quen. Từ đây, chia nhỏ khoai giao cho khách trong nội đô và các quận, huyện ngoại thành.

Thành phố Cần Thơ đã thiết lập 15 chốt kiểm dịch, tạm dừng xe khách từ Cần Thơ đến các địa phương có dịch. Trên hành trình, chúng tôi liên tục phải dừng lại ở các chốt, khai báo y tế bằng hình thức thủ công.

Cứ mỗi trạm, tôi phải trình thẻ căn cước, khai báo điểm đi, điểm đến bằng trao đổi miệng. Các bạn là tình nguyện viên nghe xong, ghi vào sổ. Mỗi lần mất ít nhất vài ba phút. Vào giờ cao điểm, cảnh ùn tắc thường xuyên xảy ra ở các chốt, vừa mất thời gian, vừa không đảm bảo giãn cách.

Cuối tháng tư, khi các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về đợt dịch mới, tôi rất lo cho trận địa miền Tây. Lúc ấy, hai quốc gia chung đường biên là Lào và Camphuchia đang đứng trước nguy cơ vỡ trận.

May thay, đến thời điểm này, về cơ bản miền Tây vẫn đang kiểm soát tốt thế trận phòng dịch. Bình quân số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở mức thấp.

Có lẽ, trong cái rủi là cái may. Cửa ngõ chính kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với phía Nam về cơ bản chỉ có tuyến quốc lộ 1A và sân bay Cần Thơ. Nhược điểm về hạ tầng giao thông lại là một thuận lợi giúp các địa phương dễ giám sát luồng di chuyển giữa đồng bằng với bên ngoài.

Vấn đề là, dù tạm yên, chúng ta chưa thể nói trước bất cứ điều gì về diễn biến bệnh dịch. Bên cạnh đó, miền Tây sắp sửa vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Ở các thủ phủ khác về tôm, thủy, hải sản và cây ăn trái, người dân đang thấp thỏm, vừa lo dịch đến, vừa lo lắng lối ra cho nông phẩm.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - mục tiêu kép của miền Tây dường như đang mơ hồ.

Tháng trước, những chùm hành tím được chất thành đống tại gian hàng của cô Tư gần nhà tôi. Chủ nhân của đống hành là bà con của cô ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng.

"Con gái chị bán qua Zalo nhưng cũng không được bao nhiêu vì có vài ký hành mà phải giao cho khách ở thành phố thì lỗ tiền xăng chú ơi" - người phụ nữ đáp khi tôi hỏi "sao chị không bán hành qua mạng?".

Dù nhà vẫn còn hành tím từ trước Tết nhưng tôi cũng mua thêm mấy chùm để giúp chị với hy vọng "gỡ" được đồng nào hay đồng đó. Mùa hành tím này, người Vĩnh Châu quê chị xuống giống khoảng 6.500 hecta. Đầu vụ, hành tím có giá 15.000 đồng một ký nhưng hiện chỉ còn khoảng 5.000 mà không có người mua. Đó là lý do ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu phải ký công văn vận động các cơ quan ủng hộ tiêu thụ khoảng 50.000 tấn hành tím tồn đọng.

Cũng may, vì miền Tây đang tạm yên với dịch bệnh, nên khoai lang tím, hành tím vẫn còn lối ra, dù lối đi cũng gập ghềnh.

Thế nên, ngay lúc này, nếu không chủ động dự báo cũng như xây dựng các phương án chống dịch kèm thu mua và vận chuyển nông, hải sản cho miền Tây, e rằng năm nay sẽ lại là một năm thất thủ của đồng bằng. Trong đại dịch, điệp khúc đó hứa hẹn nhiều chua chát. Chưa kể, còn có những người mua đang lợi dụng dịch để "dìm giá" bà con.

Nhỡ mà dịch đến, miền Tây xoay xở thế nào?

Nhìn đống khoai tím, hành tím trong bếp, tôi nhớ lãnh đạo ngành nông nghiệp Vĩnh Long mới giải thích, "do dịch bệnh phức tạp nên việc vận chuyển khoang lang tím để xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia gặp khó". Như vậy, sự bị động trong khâu dự báo, kết nối và nhất là "chia lửa" giữa các địa phương, thiếu đồng bộ phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, công thương, giao thông, vẫn như cũ trong tình hình dịch mới.

Để chấm dứt bài ca kinh điển này, tôi cho rằng thiết lập càng sớm càng tốt một diễn đàn gồm lãnh đạo các tỉnh miền Tây. Rút kinh nghiệm bài học giữa các địa phương với TP HCM, một diễn đàn online lãnh đạo vùng sẽ giúp các tư lệnh địa phương được cập nhật, trao đổi mỗi ngày và đưa ra hành động chung cho khu vực.

Thậm chí, sẽ tốt hơn nếu chúng ta có một vị tư lệnh vùng giỏi cho miền Tây trong tình huống này.

Riêng việc vận chuyển hàng hóa, một chủ cơ sở vận tải cho tôi biết, hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ khai báo một lần qua app cho hàng hóa của doanh nghiệp và tài xế. Sau đó, "dán nhãn" người và xe để có thể thông thương nhanh chóng qua các chốt kiểm dịch, tương tự cách làm của các trạm thu phí BOT tự động.

Việc này đã có sẵn công nghệ, chỉ còn thiếu sự phối hợp và phân loại giữa các sở nông nghiệp, công thương, y tế các tỉnh.

TP HCM - "đầu tàu kinh tế" đang vất vả chống dịch, còn miền Tây - "vựa lương thực" dường như chưa có kịch bản cụ thể nào. TP HCM đóng góp 23%, miền Tây đóng góp 20% GDP của cả nước.

Nếu chúng ta không giữ vững trận địa miền Tây thì những khó khăn kéo dài về kinh tế và an sinh xã hội cho năm nay và năm sau sau là nguy cơ hiển hiện.

Giữ vững trận địa miền Tây chỉ có thể bằng hai mũi tấn công: kịch bản phòng dịch khoa học và thiết lập mạng lưới thông thương hàng hóa tối ưu. Chống dịch và chống ế nông sản - "mục tiêu kép" nói đâu xa, chỉ là như vậy.

Dân gian có câu "cái khó bó cái khôn", nhưng dân gian cũng đúc kết "cái khó ló cái khôn". "Bó" hay "ló" là ở tài thao lược của người đứng đầu các tỉnh.

Nguyễn Trọng Bình

Chống dịch Chống dịch

Muôn thuở, dịch bệnh là sự nổi giận của tự nhiên, đòi hỏi con người phải thật bình tĩnh mới có thể hóa giải. Điều ...

Ngày đăng: 11:08 | 13/06/2021

/ vnexpress.net