LTS: Trong gần 1 năm qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ NNPTNT đã phối hợp các cơ quan chức năng công an, quản lý thị trường… các địa phương bắt giữ, triệt phá nhiều vụ bơm tạp chất vào tôm. Sự phối hợp hành động đã đạt được nhiều thành công lớn, lấy lại hình ảnh con tôm Việt, song để phòng, chống triệt để tình trạng này vẫn còn nhiều việc rất gian nan, khó khăn.
Những năm gần đây, mặc dù ngành chức năng các tỉnh đã rất quyết liệt trong thanh kiểm tra, “tuyên chiến” với hành vi bơm tạp chất vào tôm. Tuy nhiên tình trạng ở các tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là hành vi gian lận thương mại, gây tác động xấu đến hình ảnh con tôm Việt.
Số vụ vi phạm gia tăng
Mới đây nhất, đầu tháng 11.2017, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Cà Mau đã phát hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm ở cơ sở kinh doanh thu mua tôm nguyên liệu do ông Nguyễn Thành Thân (SN 1968), làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 4 công nhân đang bơm tạp chất vào tôm sú nguyên liệu, thu giữ gần 20kg tôm nguyên liệu đã được bơm tạp chất agar (rau câu), 46kg tôm sú nguyên liệu chuẩn bị tiêm tạp chất, 2 thùng chứa tạp chất agar đã pha loãng, 10 bình hơi dùng để bơm tạp chất vào tôm cùng một số dụng cụ khác.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ năm 2014 đến năm 2016, đã phát hiện 92 vụ vi phạm bơm tạp chất vào tôm, với số lượng hơn 12,4 tấn, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu năm đến nay đã phát hiện 31 vụ vi phạm, với số lượng gần 5,2 tấn tôm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 713 triệu đồng.
Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang 1 điểm bơm chích tạp chất tại thị xã Giá Rai. ảnh: Chúc Ly
Tại tỉnh Kiên Giang, ngày 24.4, lực lượng chức năng đã phát hiện 17kg tôm sú bơm tạp chất chờ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Vinh Cường (huyện Vĩnh Thuận). Đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản và niêm phong toàn bộ lô hàng để xử lý. Được biết, đây là lô hàng của doanh nghiệp làm gia công cho một công ty đang chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.
Còn tại Bạc Liêu, đầu tháng 9 vừa qua, trên địa bàn huyện Đông Hải, Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh đã bắt quả tang một cơ sở thu mua tôm đang bơm tạp chất vào hàng chục kg tôm nguyên liệu.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp lực lượng chức năng kiểm tra, bắt quả tang hộ ông Nguyễn Văn Khởi (ngụ xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai) đang tổ chức cho nhiều công nhân bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tại hiện trường, có gần 300kg tôm nguyên liệu, trong đó 114kg đã được bơm tạp chất. Đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ số tôm có chứa tạp chất và các dụng cụ phục vụ cho việc đưa tạp chất vào tôm.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị và Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức thanh kiểm tra 89 đợt, phát hiện 56 trường hợp vi phạm với số lượng hơn 9 tấn tôm có chứa tạp chất. Đơn vị đã đề xuất ra quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Ảnh hưởng đến thương hiệu tôm
Theo ngành chức năng các tỉnh, tạp chất bơm, chích vào tôm ở nhiều dạng, loại, như: agar, chế phẩm dạng bột CMC, rong biến nấu chín được xay nhuyễn, nước… để tăng trọng, trong đó nhiều nhất là agar vì giá thành rẻ. Hành vi này sẽ xảy ra ngày càng nhiều khi vào thời điểm nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những con tôm sạch được “hô biến” thành những con tôm to và nặng hơn bằng tạp chất, trung bình cứ 1kg tôm sau khi được bơm sẽ tăng lên từ 1,3 - 1,5kg.
Nông dân Trần Văn Hùng - người nuôi tôm gần 15 năm ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai (Bạc Liêu), cho rằng: Nông dân không bao giờ bơm tạp chất vào tôm, chỉ có thương lái, doanh nghiệp thu mua tôm mới tổ chức làm tập trung. Con tôm khi có tạp chất thường sẽ thẳng đơ chứ không cong như bình thường, đầu tôm phù lên, đuôi xòe. Chiêu trò này đã làm cho người dân nuôi tôm chân chính gặp thêm khó khăn. Bởi các nhà máy, xí nghiệp khi thu mua tôm nguyên liệu đã tính trừ các khoản chi phí loại bỏ tạp chất trong chế biến trước khi đem đi xuất khẩu.
Theo nhận định của nhiều nông dân, hiện nay vẫn có công ty, đơn vị thu mua thì mới có người bơm, chích tạp chất vào tôm. Thực tế là nếu không tiêu thụ trong nước thì phần lớn số lượng tôm này sẽ được tuồn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh con tôm Việt, nhất là mặt hàng xuất khẩu.
Nhiều năm qua, trong hoạt động xuất khẩu tôm của các công ty ở ĐBSCL, đã có những trường hợp bị một số nước trả hàng về, ngoài nguyên nhân do sản phẩm nhiễm kháng sinh thì vẫn có trường hợp bị nhiễm vi sinh do bơm, chích tạp chất. Điều đáng nói là vẫn có thị trường có thể nhập tôm bơm, chích tạp chất mà không trả về. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng./.
Cấm đưa tạp chất vào thủy sản nhằm gian lận thương mại Đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại là 1 trong 13 hành vi bị cấm được quy định trong Luật Thủy sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019)- Quốc hội vừa thông qua. Luật Thủy sản quy định cơ sở mua bán, chế biến thủy sản phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Thủy sản mua bán, chế biến phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Mua bán thủy sản tại các vùng công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Luật quy định không được sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng để bảo quản thủy sản, sản phẩm thủy sản. |
Cả thế giới ăn tôm
Mỗi người trên thế giới ăn một cân tôm mỗi năm, thì Việt Nam có thể xuất khẩu được 7 triệu tấn. |
Hà Nội: Bắt tại trận dân buôn bơm tạp chất vào tôm
Một cơ sở kinh doanh tại khu vực chợ đầu mối phía Nam thuộc quận Hoàng Mai - Hà Nội đã bị bắt tại trận ... |
http://danviet.vn/nha-nong/chong-bom-tap-chat-vao-tom-cuoc-chien-chua-hoi-ket-825853.html
Ngày đăng: 17:00 | 27/11/2017
/ Dân Việt