Vào những ngày nghỉ cuối tuần, dù không có sự kiện văn hóa nào diễn ra quanh hồ Gươm thì khu vực này vẫn đông đúc, nhộn nhịp hơn ngày thường. Không chỉ nam thanh nữ tú mà cả người già, trẻ nhỏ cứ đều bước chân dạo quanh hồ, mỏi chân thì nghỉ.
 

Ngày Quốc khánh 2-9 và Giao thừa, quanh hồ Gươm là biển người, đông hơn bất kỳ nơi nào ở Hà Nội. Nếu có bắn pháo hoa thì dù người chen người nhưng sự vất vả lo toan thường nhật biến mất, chỉ thấy những khuôn mặt nhẹ nhõm vui vẻ dạo chơi. Thời bao cấp, người dân các tỉnh thường nói với nhau đến Hà Nội mà chưa ra Bờ Hồ, chưa vào Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền coi như chưa biết Hà Nội. Đi chơi Bờ Hồ như sự mặc định tự nhiên từ bao năm nay.

chon choi bo ho
Bờ Hồ lúc nào cũng đông người

Hồ Gươm như thỏi nam châm có lẽ do là khu trung tâm thành phố, song đó chỉ là một lý do. Lý do chính vì Bờ Hồ là thắng cảnh, nơi có di tích thờ vua Lê. Những năm “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”, chúa Trịnh đã xây phủ chúa rất lớn ở phía Đông Nam kinh thành (tương ứng với đoạn đầu phố Tràng Thi, đầu phố Quang Trung, khúc giữa Lý Thường Kiệt và đoạn đầu phố Bà Triệu hiện nay).

Nhà chúa cũng cho xây lầu Ngũ Long ở phía Đông hồ làm nơi duyệt thủy binh. Để có đường cưỡi voi sang lầu, nhà chúa cho ngăn hồ Lục Thủy làm hai, nửa trên gọi Tả Vọng (nay là hồ Gươm), nửa dưới gọi là Hữu Vọng (còn gọi là hồ Thủy Quân). Theo thời gian, hồ Hữu Vọng đã bị lấp. Đến đời Vĩnh Hựu (1735-1740), Trịnh Giang cho xây cung Khánh Thụy ở đảo phía bắc Tả Vọng.

Trên bờ gần cung sai đắp hai hòn núi giả gọi là Đào Tái và Ngọc Bội, trên đảo nhỏ ở phía nam (Tháp Rùa ngày nay) cho xây Tả Vọng đình lấy chỗ vui chơi. Vào những ngày đẹp trời, đoàn thuyền của nhà chúa dạo quanh hồ, theo sau là thuyền của các quan và gia nhân, sau dạo thuyền, nhà chúa lên Tả Vọng Đình buông cần câu cá, có khi tiệc tùng đến khuya, tiếng đàn làm rộn ràng cả góc hồ, dân chúng quanh hồ đổ ra xem.

Năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, truyền ngôi cho cháu là Lê Duy Khiêm (tức Lê Chiêu Thống) và chỉ 2 năm sau khi lên ngôi, Lê Chiêu Thống đã ra lệnh phá hết đền đài nhà chúa. Cung Khánh Thụy tan tành như đảo hoang, phủ chúa bị quân Thanh phóng hỏa đốt. Khi Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi năm 1802 rồi chuyển kinh đô vào Huế thì Thăng Long bị hạ cấp xuống Trấn và hồ Gươm bị lãng quên. Năm 1865, nhà Nho Nguyễn Siêu cho cải tạo ngôi chùa trên đảo Ngọc Sơn thì hồ Gươm lại như xưa.

Khen ai khéo họa dư đồ

Trước sông Nhị thủy sau hồ Hoàn Gươm

Và Nguyễn Văn Siêu bật lên cảm xúc:

Nhất trản trung phù địa

Trường lưu đảo tải thiên

Ngư châu xuân tống khách

Hồi trạo túc hoa thiên.

(Tạm dịch: Một chén giữa lòng đất nổi/Nước dài chở lật trời/Thuyền câu ngày xuân đưa khách/ Quay chèo về ngủ bên hoa)

chon choi bo ho
Bờ Hồ mặc nhiên trở thành chốn đi chơi của khách du lịch mỗi khi đến Hà Nội

Cuối thế kỷ XIX người Pháp chiếm Hà Nội, họ đã nhận ra vẻ đẹp của nơi này nên quy hoạch để gọt giũa viên ngọc quý. Họ xây công viên Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) rồi làm đường quanh hồ và khánh thành đúng vào Tết Nguyên đán năm 1893. Công sứ Beauchamp Laurent cho tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập niêu, đấu vật, leo cột mỡ, liếm chảo, đua thuyền thúng, đốt pháo bông... Dù là mỵ dân song đây là sự kiện vui chơi giải trí mở đầu thời kỳ Pháp chiếm Hà Nội. Vào những ngày cuối tuần, tại nhà lục giác, ban nhạc binh chơi kèn phục vụ người Pháp và một bộ phận nhỏ người Việt tò mò. Từ đó, vào ngày cuối tuần, quanh hồ Gươm trở thành nơi vui chơi, giải trí.

Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, Pháp phải rút quân khỏi Đông Dương nhưng vĩ tuyến 17 đã chia cắt hai miền. Miền Bắc sống trong hòa bình nhưng Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam. Trong khi nhiều người miền Bắc di cư vào Nam thì cũng rất nhiều cán bộ, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1960, Ủy ban Thống nhất Trung ương thành lập câu lạc bộ Thống Nhất ở 16 phố Lê Thái Tổ và câu lạc bộ này trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, tìm kiếm đồng hương của người Nam tập kết.

Địa chỉ 16 Lê Thái Tổ cũng chính nơi bà con liên hoan, đón Giao thừa nghe Bác Hồ chúc Tết trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Đón Giao thừa xong, những người con miền Nam chưa lập gia đình đi chơi quanh hồ Gươm như để kìm nén nỗi nhớ quê, nhớ người thân. Để chung vui đồng thời cũng chia sẻ với bà con miền Nam, nhiều người Hà Nội, nhất là thanh niên cũng ra hồ Gươm chơi qua giao thừa và thế là từ đó trở thành nét văn hóa độc đáo: đi chơi Giao thừa quanh hồ Gươm. Nét văn hóa này đã hơn nửa thế kỷ và chắc chắn nó sẽ còn mãi.

Người Hà Nội thường nói “đi chơi Bờ Hồ”, ít người nói đi chơi hồ Gươm hay ra hồ Hoàn Kiếm chơi. Tại sao lại như vậy? Chuyện là khi người Pháp quy hoạch khu vực quanh hồ Gươm thì phía Bắc hồ (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay) là nơi khoảng đất sát hồ rộng nhất có thể ngồi chơi. Rồi ở đây xuất hiện bến tàu điện, có hàng quán nên ngày hè nóng nực, người dân ra bờ hồ hóng gió nam. Và người ta nói lên bờ hồ hay ra bờ hồ có ý là ra đây hóng gió uống nước chè. Lâu dần Bờ Hồ trở thành tên gọi với hàm nghĩa như hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Từ Bờ Hồ cũng xuất hiện trong một bài phong dao của Tản Đà viết vào cuối thập niên đầu thế kỷ XX: “Bờ Hồ những gió cùng trăng/Những trăng cùng gió lăng nhăng sự đời”.

http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/chon-choi-bo-ho/740806.antd

Ngày đăng: 17:11 | 16/09/2017

/ Theo Nguyễn Ngọc Tiến/An ninh Thủ đô