Bây giờ trở lại miền Tây, số lượng các loài hoang dã giảm thiểu sau những cuộc tàn sát ngày càng “hiện đại”; con buôn nhập lậu rùa, rắn, chim, thú, cả các loài hoang dã quý hiếm từ Campuchia về; nhiều người nai lưng bới đất lật cỏ tàn sát nốt những con vật quý hiếm cuối cùng để đem ra... hành hình.
Chưa hết, chúng còn bị vặt trụi lông, bóp cổ, thiêu sống bằng những cách tàn độc nhất ven đường nhựa nườm nượp xe cộ, giữa ban ngày ban mặt cùng “ba quân tướng sĩ”. Trước thảm trạng ấy, không ít cán bộ mặc sức nói dối vì những lý do đáng xấu hổ.
Biết tôi trở lại miền Tây, nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức đều khuyên: Ghé chợ “đồ rừng” ở thị trấn huyện lỵ Thạnh Hóa (tỉnh Long An) nhé. Buồn và tàn nhẫn vô cùng, nhưng đừng chỉ có nhìn bề mặt bán vài con rắn, mấy con rùa hay nhốt ít chim rừng, chim nuôi kêu ríu ran. “Tảng băng chìm” của nó mới là đáng sợ.
Đi vận động không “hành hình” tàn nhẫn với chim trời
Ở Hà Nội cũng có chợ chim trời công khai ở huyện Quốc Oai, đôi khi, giữa phố người ta buộc chân chim hoang dã giơ ra vỉa hè mời ôtô, xe máy ghé qua. Có thời, họ vặt lông chim bay trắng xóa, nâu trầm cả các con phố gần Bách Thảo rồi Công viên Thống Nhất. Nhưng rồi cảnh phản cảm với xâu chim bé con nào cũng bị vặt trụi lông, “nồng nỗng” kêu cứu trong tay những kẻ hau háu nghĩ đến món chiên, món nướng, món hầm, món xào xả ớt chim rừng... cũng chấm dứt. Bởi sự lên án của những người có lương tri.
Còn ở Thạnh Hóa, ven đường nhựa của quốc lộ 62, nườm nượp xe cộ hiện đại, bất chấp hành lang giao thông, bất chấp ngàn vạn kẻ qua người lại, “chợ nông sản” biến tướng phô ra vô thiên lủng nào là các loài hoang dã. Dĩ nhiên, tất tật là để bán, mua, làm món nhậu, ngâm rượu, nấu cao.
Hàng chục cửa hiệu kinh doanh. Rắn bò trườn đen ánh, vàng ươm. Rùa ngẩn ngơ dũi đầu vào cái lồng lơ phơ vài ngọn rau sống cầm hơi. Khỉ bị nhốt trong lồng tối, chí chóe điên cuồng tìm cách thoát thân, dường như khỉ ta còn tức tối tuyệt vọng hơn khi bà chủ tự xưng là Diễm My mặc áo đỏ đứng khoa chân múa tay miêu tả cảnh giết khỉ ăn thịt, múc óc rồi nấu cao toàn tính.
Nhiều nhất vẫn là các loài chim cạn, chim nước. Vô thiên lủng là cò ốc, loài chim tuyệt đẹp từng được nhóm đồng nghiệp ở Đài PTTH Đồng Tháp làm phim “Khi cò ốc trở về” rồi đoạt giải nhất Liên hoan Phim Môi trường toàn quốc lần 6 (năm 2018). Chúng trở về rồi thi nhau đem cái dáng vâm váp, cái mỏ to ngộ nghĩnh của mình ra chợ chim... Thạnh Hóa.
Nếu muốn biết sự giàu có của thiên nhiên miền Tây, vào rừng đặc dụng Trà Sư hay đi U Minh Thượng, U Minh Hạ, giờ cũng chả xem được gì. Cứ ra chợ rừng Thạnh Hóa sẽ có đủ bộ sưu tập. Có loài đẹp ngơ ngẩn với bộ lông diêm dúa. Có con chim nước đứng ngục ngoặc vì chân bị buộc dây. Cái mỏ to dường như quá nặng trước chút sức tàn của nó.
Ấn tượng nhất là lũ chim lợn, cú mèo. Có con mặt như mặt người, thoáng cái nét quyền quý kiêu sa như đang giữ các bí ẩn về một vương triều nào đó. Tất cả đều được nhốt trong lồng, cứ 500.000 đồng/con, “thịt nó ngon lắm”, “nhà hàng đặc sản họ bán miết mà, cưng ơi”. Điêng điểng, giang sen, rắn hổ đất, ai mua “có liền”.
Tàn nhẫn nhất, ám ảnh nhất vẫn là những cảnh họ vặt lông các loài chim to nhỏ, lông bay tứ tán, quẩn cả vào xe của khách đi trên quốc lộ 62 như cố quảng cáo cho cái chợ vô cùng “hút khách” này. Lũ chim rừng bị buộc chân treo ngược lên, chúng giãy giụa rồi kêu ríu ran thảm thiết.
Lũ cò ốc, nhiều loài chim quý hiếm ngộ nghĩnh nặng cả vài ký lô, sau khi bị vặt trụi lông, treo ngược phơi nắng, đã chết khô. Lũ chim nhỏ bị vặt trụi, buộc thành từng túm vài chục con, cứ thế run rẩy cuồng quẫy ở trạng thái treo ngược hành hình.
Cả kiểm lâm và chính quyền cơ sở đều thừa nhận: Họ liên tục ra quân, cả lãnh đạo tỉnh cũng về xử lý, yêu cầu bà con ở “chợ nông sản biến tướng” là đừng có hành hạ, ngược đãi tàn ác với động vật như vậy. Trông rất phản cảm.
Tuy nhiên, khi được hỏi, chúng tôi vẫn thấy người ta đồng loạt treo, hành hình các loài hoang dã ngay ven quốc lộ, liệu có xử phạt được không? Lãnh đạo địa phương thở dài: Chúng tôi thì nhìn cũng chả biết chim, rắn, rùa ấy là thuộc loài nào.
Cũng chẳng biết nếu phạt thì nó theo điều khoản nào. Cứ vận động thôi. Hỏi bên kiểm lâm, cảnh sát môi trường thì các anh ấy bảo, rất khó để có chế tài xử phạt việc treo cổ “hành hình” như thế.
Con vượn được rao bán 30 triệu bởi một chủ “vựa” chim thú ở chợ Thạnh Hóa.
Cảnh tàn sát, hành hạ động vật dã man ở “chợ đồ rừng” lớn nhất miền Tây. Ảnh: L.Q
Cán bộ “không tin nổi” với tài liệu tố cáo của PV Báo Lao Động
Rùng rợn hơn là cảnh người ta giết động vật bằng cách dùng các bình gas di động có vòi khò phụt lửa xanh lèo. Cả đàn chim rừng to lớn đang đứng khù khờ ở trạng thái bị cầm gù, họ chỉ phụt một cái, lông chim cháy bùng bùng. Rồi trong vài chục giây, con chim giãy giụa, da cháy, nội tạng bị khò chín, nổ bụp, phân bắn tứ tung.
Cảnh kinh hoàng nhất: Hàng chục con chim rừng bị vặt trụi lông, bị buộc dây rồi để lên cân trước khi bán cho thực khách. Khách đồng ý mua, là máy khò phun lửa, thiêu sống lũ chim vô tội ngay trên bàn cân, tiếng kêu não lòng, cảnh giãy chết khiến bất cứ ai cũng phải mất ngủ.
Khi làm việc với chúng tôi, cán bộ ở Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa, rồi Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Hóa - ông Ngô Lê Dũng, đều thừa nhận: Họ rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi phản ánh và yêu cầu xử lý nghiêm các đối tượng bán khỉ, rao bán vượn, đại bàng ở chợ Thạnh Hóa. Họ đều bảo, chưa từng nghe chuyện đó.
Ngay cửa ngõ Hòn Ngọc Viễn Đông - TPHCM đô hội nhất Việt Nam mà có cảnh bán khỉ, vượn thì đúng là coi trời bằng vung. Mà họ ra giá, cho xem hàng, bày cách nấu cao khỉ, mở cửa lồng khỉ đòi cược tiền ngay trong lần đầu gặp khách vãng lai - thế mới liều. Tạm gọi đây là hành vi thách thức luật pháp.
Trong vai một thực khách, một “đại gia” với vẻ mặt vừa giàu sổi và có thừa nhẫn tâm để đi chợ “đồ rừng” Thạnh Hóa, chúng tôi được chủ một cửa hàng lớn ở “chợ ven đường” đon đả mời vào. Cô chủ má phấn môi son, mặc áo bà ba màu đỏ, xẻ tà khá bạo dạn ra mời khách. Con gì cũng có, chim trời cá nước, rắn rùa quý hiếm. Suốt mấy ngày cô ngã giá bán hổ đông lạnh chuyển từ Campuchia về. Chim cú, đại bàng, chim lợn, con nào trong “Sách đỏ” thì tìm cách “mua” giấy tờ vận chuyển.
Cô chủ tự giới thiệu “Em tên là Diễm My”. Em bán cho anh cả đại bàng “nhập khẩu”, có giấy tờ nguồn gốc từ nước ngoài. Đây là con khỉ, bọn nó bắt ngoài rừng về, em trói lại nuôi đã 2 tháng. Giá đúng là 4 triệu đồng, khỉ hoang quý lắm. Anh về nấu cao thì tuyệt.
Chúng tôi bảo đặt hàng 10 con, Diễm My hứa. Cô cũng cho “xem hàng” qua Zalô cả một con voọc quý hiếm tuyệt đẹp. Cả một con đại bàng “giá chợ đen” rất đắt. Sau khi hét giá con vượn 30 triệu đồng.
Diễm My tuyên bố “dù không có giấy tờ, nhưng em bao đường (lo lót) vận chuyển cho anh đến tận nhà” ở Q5, TPHCM.
Cô cũng nhấn mạnh, khi chúng tôi thả vượn quý vào trang trại thì nên “nói khó” với kiểm lâm địa phương, nói là em được người bạn thân tặng con vượn đẹp làm bầu bạn, rồi tìm cách hợp thức hóa, xong ngay (?).
Trước các sai phạm trắng trợn của “chợ đồ rừng”: Video, hình ảnh My gửi vẫn còn nguyên, các giao dịch rõ ràng rành mạch; hàng loạt loài động vật quý hiếm, bị cấm buôn bán giết hại vẫn rành rành tồn tại ở cả một cái chợ “man rợ”; sau khi trực tiếp vào hang ổ và ghi hình toàn bộ cảnh cầm tù rao bán để nấu cao khỉ hoang dã, chúng tôi đã quyết định tìm gặp cơ quan hữu trách để tố cáo.
Theo tiết lộ của Kiểm lâm Thạnh Hóa, họ từng bắt hàng trăm cá thể rắn, rùa, cả cu li (linh trưởng) ở “chợ rừng” đem tiêu hủy hoặc thả vào tự nhiên. Mỗi tháng “ra quân” gần chục lần, nhưng rất khó xử lý triệt để. Các đối tượng thường rất gian manh, kiểm lâm ra quân là chúng biết liền, có khi chạy vào “rừng” thả rùa, rắn ra để phi tang. Khi bắt được hàng thì không ai xác nhận là “khổ chủ”.
Có lẽ, nói vậy là nói thác, nói dối, bởi nhóm PV mới vào vai “khơi khơi” mà sự thật đã lồ lộ đủ để đem tài liệu đến cơ quan hữu trách yêu cầu bắt giữ! Tại sao cái chợ tàn ác với hàng chục hộ kinh doanh “đồ rừng” ấy cứ tồn tại suốt nhiều năm qua?
Nữ hoàng có sở thích quái đản, ác nhất lịch sử nước Nga
Nữ hoàng Anna của Nga rất thích những trò đùa tai ác, như cho rung chuông cứu hỏa trên toàn St. Peterburg khiến dân chúng ... |
Hy vọng cho những cánh rừng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Vừa rồi, tôi ... |
Ngày đăng: 17:35 | 24/04/2018
/ https://laodong.vn