Nhiều người biết đến Phong Điền với đặc sản cam mật ngọt lịm, song không phải ai cũng biết Phong Điền từng có khu chợ nổi sầm uất, phồn thịnh chẳng kém chợ nổi Cái Răng.

Trong hành trình tìm kiếm những miền ký ức tại xứ Tây Đô, PV Báo Giao thông về chợ nổi Phong Điền nức tiếng khi xưa. Song, nơi đây giờ chỉ còn bờ kè bê tông, công viên trên bến, còn dưới sông vắng lặng.

Chợ nổi dần chìm vào ký ức

10
Chợ nổi Phong Điền khi xưa, lúc còn nằm cặp với khu chợ trên bờ. Ảnh: Trương Công Khả.

Chợ nổi đã không còn trên sông Cần Thơ xưa mà dời vào bên trong rạch KH9 thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền - cách đó chừng 2km. 

Hơn 7h sáng, chợ chỉ vỏn vẹn hơn 10 chiếc xuồng. Hàng hóa cũng chủ yếu là rau củ quả, trái cây… Vài khách du lịch nước ngoài đến ngắm chợ, chụp ảnh, uống cà phê…

11
Hơn 8h sáng, chợ nổi chỉ còn vài chiếc ghe.

Hơn 10 năm trước, chợ nổi Phong Điền vì lý do đảm bảo an toàn giao thông thủy nên bị dời về ngã ba sông Cần Thơ và rạch KH9. Rồi khoảng 5 năm trước, cũng vì lý do này, chợ bị dời về cống KH9.

Chợ nổi giờ đã hoàn toàn bị cô lập với trên bờ, khi không hề có cầu cảng nào. Lúc đông nhất chợ cũng chỉ có chừng 30 chiếc ghe. Một phần vì vị trí không còn thuận lợi giao thương như mấy chục năm trước.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn là khi đường giao thông nông thôn phát triển, giao thông thủy không còn là lựa chọn tối ưu của người dân vùng sông nước, chợ nổi chìm dần vào ký ức cũng là điều dễ hiểu.

12
Dì Ba đã gắn bó với chợ nổi trên 30 năm.

Chị Phạm Hồng Nga, một thương hồ ở chợ nổi Phong Điền cho biết: "Trước nhóm chợ ở ngã ba, giờ dời về đây vắng lắm. Chắc chừng ba năm nữa, tôi cũng nghỉ, lên bờ mua bán".

Gần 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Ba, ở rạch Cây Cẩm đã hơn 30 năm gắn bó với chợ nổi Phong Điền. Bà nói, thời gian trên ghe của bà còn nhiều hơn ở nhà. 

Bà quen từng tiếng bìm bịp kêu, quen từng nhịp sóng, từng mạn ghe của các thương hồ chợ nổi… nhưng buồn vì chợ vắng dần.

"Giờ buôn bán chậm lắm chú ơi. Vài ngày, tôi chèo ghe ra chợ lấy thanh long, hành ngò… về trong các rạch bán. Chợ này mà "chìm", tôi không biết làm nghề gì nữa", bà ngao ngán.

Hơn 8h sáng, chợ đã dần tan. Khách thương hồ mỗi người một ngả, hẹn mai hoặc vài ba ngày tái ngộ.

Qua sông không cần cầu

13
Cách giao hàng độc đáo ở chợ nổi: Người trên bờ ném xuống cho người dưới ghe bắt.

Thời Pháp thuộc, làng Nhơn Ái ở địa đầu của các làng: Nhơn Nghĩa, Trường Long, Trường Thành, Tân Thới và luôn cả Bà Đầm, Thác Lác, Hòa Hưng (Rạch Giá, Kiên Giang), lại ở gần vàm kinh xáng Xà No, là điểm giao thông qua lại của khách thương hồ khắp các nơi miền sông Hậu.

Do vậy, chợ Phong Điền của làng Nhơn Ái rất phồn thịnh, sầm uất. Ghe xuồng tấp nập nhộn nhịp dưới sông, khi giao thông đường thủy còn nắm ưu thế.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hữu Huy, từ cầu tàu ở bến sông chợ Phong Điền có hình chữ T, bên trái có đúc các bậc thang để lên xuống. Đi thẳng lên là nhà lồng chợ, lớn bằng nhà lồng chợ Cái Răng ngày nay. Dọc theo bờ sông đến ngang vàm Trà Niềng, dưới sông là chợ nổi Phong Điền.

Trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên ở Phong Điền, người dân sống ven bờ sông đoạn xung quanh khu vực chợ nổi hay những người mua bán trên sông, từ khi chợ nổi mới hình thành, hình ảnh hàng trăm xuồng, ghe đậu kín cả ngã ba sông, nhộn nhịp mua bán vào những thập niên cuối thế kỷ 20 vẫn còn đậm nét.

"Tết đến, ghe thuyền đậu chen kín cả con sông. Người bên này xã Nhơn Ái muốn qua chợ Phong Điền chỉ cần đi nhờ từ ghe này qua ghe kia, khỏi cần đi đò, xuồng chi hết, ghe đậu đặc mặt sông", ông Trần Thạch Song, chủ tiệm đồ nhựa ở chợ Phong Điền hồi tưởng.

Trong ký ức ông, ngoài ghe thuyền của người bản địa thì còn có ghe thuyền từ Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Sóc Trăng, Bạc Liêu, kể cả từ Campuchia kéo về. Từ Campuchia, họ đem đường mía, thuốc rê, lá lợp nhà, củ hành, chiếu, đồ gốm… xuống bán, rồi chở về những trái cây đặc sản của vùng này như cam mật, chuối, dừa.

Nhiều người tin chợ nổi Phong Điền hình thành vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, do cây trái ở địa phương và các vùng lân cận phát triển, chợ trên bờ không đáp ứng đủ quy mô, nhu cầu giao thương ngày càng lớn.

Chợ nổi có ưu điểm là cả hai bên mua - bán đều giảm được chi phí bốc vác, vận chuyển; bỏ qua khâu lưu kho trung gian, rút ngắn thời gian mua bán. Tiểu thương đưa nhanh nông sản tươi nguyên đến tay người tiêu dùng, giá cả vừa phải.

Níu hồn chợ nổi

14
Khách nước ngoài tham quan chợ nổi.

Giờ đây, dù chợ nổi Phong Điền đã không còn tấp nập như xưa, nhưng ông Martin Stiermann (người Đức), Giám đốc Mekong Delta Ricefield Lodge tin rằng: "Đây đích thực là khu chợ nổi mà bạn có thể giới thiệu cho bạn bè, du khách. Khách của tôi tham quan cả chợ nổi Phong Điền và chợ nổi Cái Răng, nhưng chợ nổi Cái Răng không quá thu hút. Họ thích ở đây hơn".

Nhiều người dân và cả du khách đều có chung nhận xét, chợ nổi Cái Răng giờ đã thương mại hóa. Ghe tàu chưa vào chợ đã bị hàng loạt tàu ghe áp sát, chèo kéo bán trái cây, hàng lưu niệm.

Còn ở chợ nổi Phong Điền, du khách đúng là… du khách. Ít ai chú ý đến họ, mọi người cứ tự nhiên mua bán. Du khách muốn mua gì thì hỏi, không thì gọi ly cà phê, tô bún, vừa lặng lẽ nhâm nhi, vừa ngắm cái hồn chợ nổi thực sự.

Cảnh quan chợ nổi Phong Điền hiện nay cũng khá hấp dẫn. Xung quanh là những tán cây bần, lũy tre, mái nhà quê. Nước sông trôi lặng lẽ, không tiếng máy tàu ghe nổ ầm liên tục, ồn ào như chợ nổi Cái Răng.

Ông Nguyễn Văn A, một doanh nhân ở Cần Thơ hiện cũng đang nghiên cứu, hỗ trợ lập đề án xin bảo tồn, phát triển lại chợ nổi. Theo ông, trước tiên cần có bờ kè, cầu cảng, bến đỗ xe cho khách du lịch. "Kế đó, tôi cũng tính đến chuyện chào mời vài doanh nghiệp thu mua nông sản về đây bán, giá bán có thể cao hơn các nơi khác đôi chút", ông A tiết lộ.

Với nhiều người dân nông thôn, tàu ghe vận chuyển vẫn có nhiều lợi thế là chi phí thấp, khối lượng vận chuyển lớn hơn so với xe gắn máy, xe tải nhỏ.

Khi tàu thuyền nhộn nhịp trở lại, khách du lịch kéo đến, ông A tính toán đến việc mở các gian hàng lưu niệm, ăn uống, đưa khách tham quan các kênh rạch gần đó.

"Tuy nhiên, đề án này cần có sự ủng hộ của địa phương, sự chung tay của các doanh nghiệp nông sản, vốn Nhà nước đầu tư vào cảng, kè", ông A nói.

Ông Lê Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Phong Điền chia sẻ: "Phong Điền đang kêu gọi nên rất ủng hộ các nhà đầu tư. Đúng là phải đầu tư bến tàu, kết hợp phát huy chợ nổi với du lịch".

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cũng khẳng định: "Huyện sẵn sàng ủng hộ. Nên khôi phục bằng cách xây cầu cảng, cho kinh doanh trên ghe xuồng như mô hình chợ nổi bên Thái Lan".

Ghe là nhà, sông là đất

Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức "bẹo hàng". Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán.

Đối với những người mua bán trên sông, chiếc ghe là căn nhà di động. Nhiều gia đình lấy ghe làm nhà, lấy sông rạch, bến chợ làm đất ở. Mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe.

"Nhà ghe" có bố cục riêng, như phần khoang trước là nơi chứa hàng hóa, khoang sau dành cho gia đình chủ ghe nghỉ ngơi; cuối ghe là nơi nấu nướng, tắm rửa, giặt giũ. Còn dưới sạp ghe (dưới khoang sau) là khoang hầm dùng chứa hàng hóa hoặc để những vật dụng sinh hoạt gia đình có kích thước lớn nhưng ít sử dụng. Nhiều ghe còn có cả máy may, tủ thờ, bộ salon nhỏ, tivi… như một căn nhà trên bờ.

Ngày đăng: 11:07 | 30/08/2023

Hồ Hùng / Báo Giao thông