Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, nhưng cần cố gắng để không làm ảnh hưởng tới kế hoạch của năm tiếp theo.

Việc quyết định lùi thời điểm kết thúc năm học phải trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh cuối cấp. Ảnh: Hải Nguyễn.

Đến chiều 16.2, cả 63/63 địa phương trên cả nước đã cho học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt khi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có công văn đề nghị các địa phương xem xét cho học sinh các cấp học, sinh viên, học viên các nhà trường được nghỉ tiếp đến hết tháng 2.2020, thì 56 địa phương thực hiện theo đề nghị này.

Riêng TP.Hồ Chí Minh, tại cuộc họp về phương án cho học sinh nghỉ học phòng dịch COVID-19 vào tối 14.2, các sở ngành đánh giá thành phố vẫn tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên đề xuất cho học sinh nghỉ để phòng dịch đến hết tháng 3.2020. Học sinh sẽ đi học lại từ tháng 4, kết thúc năm học vào cuối tháng 7, nghỉ hè tháng 8 và đi học lại năm mới đầu tháng 9.

Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh sẽ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn được nghỉ học đến hết tháng 3.2020.

Về đề xuất kéo dài thời gian nghỉ phòng dịch, rút ngắn kỳ nghỉ hè, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã nêu quan điểm.

Theo ông Thành, theo phân cấp quản lý về giáo dục thì chủ tịch Ủy bân nhân dân cấp tỉnh/thành quyết định cho học sinh đi học trở lại hoặc tiếp tục nghỉ học trong những trường hợp đặc biệt.

Trong công văn số 335/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng ghi rõ: Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, các sở giáo dục và đào tạo tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực;

Đồng thời, xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định.

 Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học.

Với địa phương đề xuất cho học sinh nghỉ học phòng dịch như nghỉ hè và học bù vào 3 tháng hè tới, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chúng ta phải tính đến tất cả các đối tượng học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, không phải tất cả đều giống nhau.

Chẳng hạn, đối với học sinh cuối cấp phải có kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi này không thể lùi sang năm học sau  vì sẽ phải bảo đảm khung thời gian của năm học tiếp theo. Khi điều chỉnh thời gian năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tính đến việc này. Như học sinh lớp 9 phải có kỳ thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 phải có kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Ông Thành cho biết, thời điểm kết thúc năm học có thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo lùi từ 2-3 tuần. Đối với kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ cũng phải tính toán, có thể lùi hơn so với các năm học trước, tương ứng với khoảng thời gian kết thúc năm học đã được điều chỉnh lại.

Tất cả việc này sẽ được thực hiện trên cơ sở không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch năm học tiếp theo, kế hoạch tuyển sinh vào đại học của các nhà trường.

Đặng Chung

Vì sao TP HCM muốn học sinh nghỉ hết tháng 3?

Phòng học các trường đã được khử khuẩn nhưng TP HCM vẫn đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 nhằm đảm bảo an ...

Duy trì dạy học trực tuyến khi học sinh tiếp tục được nghỉ

Nhiều trường học tại Hà Nội chú trọng việc tổ chức các lớp học trực tuyến trong trường học sinh tiếp tục được nghỉ dài ...

Phụ huynh, giáo viên xoay xở với chuyện “học - nghỉ” của học sinh

Nhiều địa phương thông báo cho học sinh đi học trở lại, nhưng ngay sau đó lại ra văn bản tiếp tục cho nghỉ đến ...

Ngày đăng: 20:59 | 16/02/2020

/ laodong.vn