Các tập đoàn lớn của thế giới tại Việt Nam đều muốn có cơ chế mua điện sạch trực tiếp, đáp ứng nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, họ vẫn đang phải chờ vì chưa có cơ chế.
Nhiều "ông lớn" ngoại muốn tham gia
Thời gian qua, nhiều tập đoàn, khách hàng sử dụng điện bày tỏ quan tâm tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các nhà máy năng lượng tái tạo với các khách hàng dùng điện lớn (DPPA). Trong số đó có Samsung, Apple, Heiniken, Google, Nike...
Nhà máy điện gió hoặc mặt trời có công suất đặt từ 10 MW trở lên mới được tham gia cơ chế DPPA.
Ông Nguyễn Duy Vương, Trưởng bộ phận đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam cho biết, chiến lược đến năm 2025 của công ty là sẽ sản xuất 100% sản phẩm bằng năng lượng tái tạo, không có rác thải chôn lấp. Vì vậy, doanh nghiệp rất muốn mua điện sạch trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo để giảm chi phí.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu mong muốn mua điện trực tiếp từ các nhà phát triển điện mà không qua EVN. Sở dĩ có nhu cầu này là vì họ cần hướng đến mục tiêu 100% năng lượng sạch. "Mục tiêu này giờ đã trở nên phổ biến đối với các công ty trên toàn cầu", đại diện EuroCham cho hay.
Ông Phạm Đăng An, Giám đốc Văn phòng Carbon Solutions cho biết, khi sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và được dán nhãn sinh thái, các sản phẩm cũng sẽ có sức cạnh tranh cao hơn ở các thị trường quốc tế. Nhất là từ năm 2026, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU bắt đầu áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với các sản phẩm thép, nhôm, phân bón và điện... Trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang EU lớn.
Doanh nghiệp lợi gì khi mua điện tái tạo?
Cơ chế DPPA cho phép các doanh nghiệp lớn được mua điện tái tạo phục vụ sản xuất kinh doanh giúp các "ông lớn" không phải đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo, vốn được cho là quá sức với họ về vấn đề pháp lý.
Theo thông tin của Báo Giao thông, nhóm tư vấn quốc tế (được Bộ Công thương yêu cầu) khảo sát 41 "ông lớn" về nhu cầu mua điện tái tạo trực tiếp, có tới 20 khách hàng muốn được tham gia DPPA. Khảo sát 95 dự án điện tái tạo có công suất trên 30MW, có 67 dự án phản hồi; Trong đó, 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia, 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng, 26 dự án không có nhu cầu.
DPPA là cơ sở để thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, song Bộ Công thương cho biết, do hệ thống chính sách chưa đồng bộ và hoàn chỉnh nên đến nay vẫn chưa có cơ sở thực hiện.
Tại báo cáo mới nhất, Bộ Công thương đề xuất 2 giải pháp. Đó là mua bán điện thông qua đường dây riêng (do tư nhân đầu tư) và mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.
Với trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, dự kiến sẽ áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát, giá điện được thỏa thuận giữa bên phát điện và người mua. Tuy nhiên, phải đảm bảo cấp phép về hoạt động điện lực, đầu tư, quy hoạch…
Người mua, người bán đều phải đợi
Còn khi mua qua lưới điện quốc gia - tức là bên phát điện và bên mua điện vẫn phải thông qua đơn vị bán lẻ điện (hiện EVN đang độc quyền kinh doanh lưới truyền tải điện quốc gia), yêu cầu đặt ra là đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10 MW trở lên. Khách hàng sẽ thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay, cộng các loại giá dịch vụ và các chi phí khác.
Tuy nhiên, để triển khai cơ chế này khả thi, Bộ Công thương cho rằng, cần phải hoàn thiện một số quy định liên quan. Trong đó, cần tính toán các loại giá điện phân phối, điều độ vận hành hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện. Vì vậy, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xây dựng nghị định quy định cơ chế DPPA.
Nhận xét về 2 đề xuất trên, ông Phạm Đăng An cho rằng, việc mua - bán qua đường dây riêng có thể sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được, do các rào cản về chi phí đầu tư cũng như kinh nghiệm vận hành truyền tải. Như vậy, phương án thông qua lưới điện quốc gia sẽ khả thi hơn. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi sẽ còn dài khi EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ. Các loại chi phí sẽ phải xây dựng lại.
Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư điện tái tạo cũng đồng tình quan điểm trên. Một nhà đầu tư cho hay, họ rất khó cam kết sẽ cung cấp đủ 100% nguồn điện cho nhà xưởng bởi còn phụ thuộc vào thời tiết như nắng, gió. Do đó, khi triển khai DPPA cũng cần sử dụng nguồn điện từ EVN - tức là vẫn dùng điện lưới. Vì thế, họ mong muốn cơ chế DPPA phải bàn kỹ lưỡng về kỹ thuật. Ngoài ra, khi tham gia DPPA, nhà đầu tư không muốn bị can thiệp nhiều về giá điện khi dự thảo hiện đang đưa ra khung giá trần.
Hoàn thành DPPA trong tháng 5
Giữa tháng 3, Thường trực Chính phủ đã bàn về cơ chế DPPA. Tại kết luận cuộc họp mới được công bố, Thường trực Chính phủ phê bình Bộ Công thương chậm trễ triển khai. Bộ Công thương được yêu cầu xây dựng nghị định theo trình tự rút gọn, hoàn thành trong tháng 5 này.
Việc ban hành cơ chế DPPA phải đảm bảo phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch, hiệu quả đối với các chủ trương, chính sách này. Trong đó, nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; Quy định rõ trách nhiệm của bên mua, bên bán, trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.
https://www.baogiaothong.vn/cho-duoc-mua-dien-sach-khong-qua-evn-192240409091003416.htm
Ngày đăng: 13:32 | 11/04/2024
Hồng Hạnh / Giao thông