“Cho chữ đầu xuân là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Ý nghĩa của việc cho chữ như việc chỉ đường, chỉ lối, tìm ra phương hướng giúp mọi người có một năm mới thuận buồm xuôi gió, tài lộc hanh thông. Do vậy người ta mới so sánh chữ quý như vàng” - Thư pháp gia, TS Cung Khắc Lược - người được xem là một trong “tứ trụ thư pháp Việt Nam - nói.
Một chữ đáng nghìn vàng
Thư pháp gia, TS Cung Khắc Lược phân tích ý nghĩa của việc cho chữ đầu xuân với góc nhìn đa chiều khác nhau. Theo ông, cho tức là giúp cho, san sẻ cho, gợi mở cho một sự hiểu biết đúng đắn nhất, cho nên đó là cho. Cũng như là người đói thì được san sẻ bát cơm, người thiếu thì được trợ giúp cho đủ đầy.
“Cho chữ, con chữ nó gắn với lá phổi, với tâm hồn, với tư duy, nên nó gắn với từ vựng, gắn với mẹ ta, với cha ta và khi ta phát âm ra thì ta thấy ngay có một ý niệm ở đại não. Do đó cái chữ rất quan trọng. Chữ nó đi thẳng vào não, thẳng vào tim và ta khẳng định ngay ý niệm của đầu năm. Bởi vậy con chữ đầu năm là cực kỳ quan trọng.
Trong tư tưởng, trong tình cảm và trong tâm hồn bao giờ cũng được biểu hiện bằng lời, bằng từ vựng, bằng văn bản. Có những giá trị văn bản làm tư liệu lịch sử bền bỉ tới hàng nghìn năm. Nhân loại trân trọng cái chuẩn của văn bản. Vậy thì một chữ trên văn bản, một chữ của tim, của óc nêu ra cho nhau, tặng nhau đáng nghìn vàng là vô cùng xứng đáng, quý hơn tiền của nhiều” - Thư pháp gia - TS Cung Khắc Lược chia sẻ.
Ông đồ thuộc hàng “tứ trụ thư pháp” Việt phân tích: “Ông bà ta đã có câu “nhất tự thiên kim” tức “một chữ đáng nghìn vàng”, chữ chính là vàng. Hơn thế nữa, người xưa đã từng nói “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi” thì cái cho chữ đầu xuân chính là chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi. Do đó, không có thời điểm nào thích hợp hơn thời điểm đầu xuân.
Cho chữ đầu năm đó còn là một mong ước đi đúng đường, đúng lối, thuận buồm xuôi gió cũng như sự hanh thông, tài lộc suốt một năm. Người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút”.
Theo đó người Việt Nam đều hướng về con chữ như một lời chúc tụng tốt đẹp nhất với mỗi người. Đó cũng là lý do thư pháp, các con chữ luôn được mọi người hướng tới mỗi dịp tết đến xuân về.
“Một minh chứng khác cho thấy tầm quan trọng của con chữ mà chúng ta có thể quan sát thấy đó là tất cả những vĩ nhân đều có những lời ăn tiếng nói rất hay, rất trong sáng, rất rõ ràng. Tư tưởng tình cảm của các vị đó rất rõ, rất chính niệm, người ta không nói gì lẫn, người ta rất trong sáng và tôi cho rằng trong sáng thì cũng phần lớn từ mối liên hệ của các con chữ và không thể tách khỏi các con chữ.
Sự sống của tư duy, của tim óc phải gắn lấy lời. Dù kẻ nào dùng thuốc hay súng đạn thế nào thì chữ cũng luôn sống. Quốc gia nào cũng trọng chữ” - TS Cung Khắc Lược cho biết thêm.
Phát huy nét đẹp từ Hội chữ xuân
TS Cung Khắc Lược nhìn nhận, từ nhiều năm trở lại đây, Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng khá nhiều ban, ngành của Hà Nội đã tổ chức, gây dựng lại Hội chữ xuân ngay tại Hồ Văn quả là một điều rất đẹp, thể hiện truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc ta.
Thư pháp gia Cung Khắc Lược tâm sự: “Tôi nhìn thấy nhiều người bộc lộ tinh thần hoan nghênh, tôi tin rằng mỗi một ngày chúng ta sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Người ta chăm chút cho nhau và tôi thấy trên gương mặt mỗi người đón chào hội xuân rất hay.
Tôi rất thích cách người ta tập trung các lều chõng như các hội thi cử ngày trước. Nó rất có tính chất quê hương. Nó gợi lại thời xa xưa của đất nước, của quê hương chúng ta, như thế là rất tốt. Điều này giúp mọi người tìm về cội nguồn để hiểu sâu dân tộc mình, mối quan hệ giữa các làng quê, những người từ quê hương lên Thăng Long để thi cử và trở thành hiền tài để bảo vệ quốc gia”.
Theo ông đồ này, từ khi có văn hiến, từ khi có thi tại Quốc Tử Giám để chọn Tiến sĩ và trạng nguyên, cái việc cho chữ trở thành một thông tin, thông tin mang tính chất chiến lược đối với một năm, một làng, một xã, một huyện, một tổng và đối với Thăng Long. Vua quan cũng cho chữ, các làng xã cũng cho chữ, các dòng họ cũng cho chữ, các cháu học sinh học thế nào cũng được thầy cô giáo tổ chức ở trường để cho chữ. Cho nên việc cho chữ là một trong những truyền thống tuyệt vời nhất của dân tộc Việt Nam.
5 ngôi chùa cho chuyến hành hương ngày xuân ở Đà Lạt
Chùa Linh Phước, Linh Sơn hay Thiền Viện Trúc Lâm là nơi du khách có thể cầu may mắn, sức khỏe và bình an trong ... |
Thưởng Tết cho giáo viên: Tư thục cao ngất, công lập ngậm ngùi
Tết Nguyên đán đang cận kề. Trái với mọi năm, những giáo viên (GV) trường công lập không bao giờ trông chờ chuyện thưởng tết ... |
Chủ tịch Cần Thơ nói về xe công chở cán bộ nghỉ hưu đi ăn cưới
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói rằng nên thông cảm cho chuyện cán bộ nghỉ hưu mượn xe công đi ... |
Ngày đăng: 16:00 | 22/02/2018
/ https://laodong.vn