Các chuyên gia kinh tế cho rằng cái giá Trung Quốc phải trả cho Zero COVID là quá đắt so với hiệu quả mà chính sách này đem lại.

Biện pháp chống dịch COVID-19 không khoan nhượng của Trung Quốc đang là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận mới của các nhà kinh tế học. Nhiều chuyên gia cho rằng cái giá mà nền kinh tế phải gánh để duy trì chính sách Zero COVID càng ngày càng “không thể chịu nổi”.

Chính sách Zero COVID khiến Trung Quốc phải 'trả nhiều giá đắt' - 1
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Thời gian đầu, Zero COVID đem lại kết quả rất khả quan trong việc ngăn chặn COVID-19. Nhưng khi biến thể Omicron với khả năng lây lan mạnh xuất hiện, Trung Quốc buộc phải tiến hành một loạt biện pháp tăng cường, dẫn đến chi phí phát sinh tăng cao trong khi mức tiêu dùng nội địa sụt giảm và tình hình tài chính của quốc gia lao dốc. Một loạt ảnh hưởng này khiến người dân ngày càng bất mãn. Theo các nhà kinh tế, nhìn chung, lợi ích mà Zero COVID đem lại cho Trung Quốc đang giảm dần.

Cần phải có một biện pháp khác cho tương lai. Trung Quốc không thể cứ tiếp tục đi theo những gì mà chính sách (Zero COVID) đang thực hiện”, ông Chen Xingdong, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại BNP Paribas, cho biết.

Bài học từ Tây An

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát COVID-19, đi kèm là mối đe dọa tiềm tàng từ biến thể Omicron. Tâm chấn của đợt dịch lần này là thành phố Tây An ở phía Bắc tỉnh Thiểm Tây.

Theo chính sách không khoan nhượng của chính phủ Trung Quốc, toàn thành phố này bị phong tỏa kể từ ngày 23/12. 13 triệu dân ở đây phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, họ không được phép ra khỏi nhà và không thể tự mua nhu yếu phẩm. Các quy định này dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và khiến nhiều người gặp nguy hiểm vì không thể tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời. Các quan chức địa phương đã bị chỉ trích nặng nề vì không giải quyết được nhu cầu của người dân trong thời gian phong tỏa.

Ông Chen Xingdong đã dùng Tây An làm ví dụ tại hội thảo về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2022 do BNP Paribas tổ chức vào hôm 6/1: “Có vẻ như chính quyền trung ương đã nhận ra cái giá phải trả cho chính sách Zero COVID - đó là những cái giá rất đáng tiếc, và rất khó để duy trì”.

Chúng ta cần rút ra bài học từ Tây An”.

Chuyên gia từ BNP Paribas nói thêm, Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên được tổ chức vào tháng trước đã hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ đạt được “sự cân bằng giữa kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế”. Điều này tiếp thêm hy vọng cho việc giảm bớt các biện pháp chống dịch khắt khe hiện nay.

Chúng tôi hy vọng chính sách Zero COVID sẽ được nới lỏng, nhưng chưa rõ việc nới lỏng sẽ được thực hiện như thế nào và vào thời điểm nào”.

Ông Chen cho biết, các nhà kinh tế kỳ vọng rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ điều chỉnh các hạn chế chống COVID-19 sau Thế vận hội mùa đông.

Chính sách Zero COVID khiến Trung Quốc phải 'trả nhiều giá đắt' - 2
Thành phố Tây An bị phong tỏa kể từ ngày 23/12. (Ảnh: Getty Images)

Zero COVID là rủi ro hàng đầu của Trung Quốc

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Mỹ Eurasia Group đã đưa chính sách Zero COVID của Trung Quốc lên đầu danh sách các rủi ro chính trị trong năm. Theo đó, việc duy trì chính sách này sẽ gây phản tác dụng cho Trung Quốc và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo phân tích của Eurasia Group, Trung Quốc vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức như mối quan hệ căng thẳng với phương Tây, mức tăng trưởng thấp, mất cân bằng kinh tế và dân số già nhanh chóng. Tuy nhiên, Zero COVID mới là yếu tố gây ra rủi ro nghiêm trọng nhất vì nó có ảnh hưởng lớn đến mức tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vậy, chính sách này còn thúc đẩy những các mâu thuẫn trong xã hội.

Trung Quốc đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất vì chính sách Zero COVID chỉ có vẻ thành công vào năm 2020. Giờ đây, quốc gia này phải chống lại một biến thể dễ lây lan hơn cùng các đợt phong tỏa rộng hơn, trong khi hiệu quả của vaccine thì có hạn”, báo cáo của Eurasia Group viết.

Công ty tư vấn của Mỹ cho rằng Zero COVID sẽ không ngăn chặn được COVID-19 lây lan. Khi các đợt dịch lớn hơn bùng phát, Trung Quốc sẽ phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa và tạo thêm áp lực cho kinh tế-xã hội, đi ngược với khẩu hiệu chiến thắng “Trung Quốc đã đánh bại COVID” của các kênh truyền thông nhà nước.

Điều này sẽ làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, đồng thời, nhà nước sẽ can thiệp ngày càng nhiều và khiến người dân bất mãn”, Eurasia Group phân tích.

Chuyên gia kinh tế tại công ty Nomura Lu Ting cho biết, trong bối cảnh hầu hết các quốc gia lựa chọn "sống chung với COVID" và Trung Quốc là nước duy nhất quyết tâm loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, việc duy trì chính sách Zero COVID sẽ ngày càng tốn kém. Đồng thời, chính sách này cũng đẩy Trung Quốc vào nguy cơ bị gạt khỏi ngành thương mại dịch vụ toàn cầu, chẳng hạn như ngành du lịch. Khi đó, chi phí cho Zero COVID sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại.

Tuy nhiên, ông Lu lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc có thể thận trọng trong quyết định điều chỉnh chính sách chống dịch không khoan nhượng, do “việc từ bỏ Zero COVID vào thời điểm này có thể bị coi là thừa nhận rằng chiến lược này không hiệu quả ngay từ đầu”.

Đến thời điểm này, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021, 2022 lần lượt từ 8,5% và 5,4% xuống còn 8% và 5,1%.

TRẦN TRANG(Nguồn: SCMP)

Nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận đánh cắp bí mật thương mại Mỹ Nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận đánh cắp bí mật thương mại Mỹ
Danh sách tuyển Việt Nam đấu Australia, Trung Quốc: Tuấn Anh vắng mặt Danh sách tuyển Việt Nam đấu Australia, Trung Quốc: Tuấn Anh vắng mặt
Trung Quốc bác bỏ các buộc lôi kéo châu Phi vào bẫy nợ Trung Quốc bác bỏ các buộc lôi kéo châu Phi vào bẫy nợ

Ngày đăng: 07:24 | 08/01/2022

/ vtc.vn