Phải đồng thời thực hiện nhiều mục tiêu khiến điều hành CSTT sẽ gặp khó khăn

Tín dụng tăng dễ, đảm bảo hiệu quả mới khó

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, một lần nữa những yêu cầu giảm lãi suất thêm 0,5%/năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng 21-22% góp phần hỗ trợ thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7% lại được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Trong khi đó, đến 21/8, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 10,06% so với tháng 12/2016. Liệu từ nay đến cuối năm, tín dụng có đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao phó? Trao đổi với phóng viên các chuyên gia NH, lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới trên 22% hoàn toàn có thể đạt được. Bởi, Thống đốc NHNN vừa chấp thuận tăng room cho một số NH dao động trung bình ở mức từ 20 – 22%. Như vậy, về phía các TCTD đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tín dụng đến 22% điều đó đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng chủ động nguồn vốn đủ cung ứng cho nền kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Thứ hai, theo các chuyên gia hiện nhu cầu vay vốn lưu động, đầu tư của DN rất lớn. Do đó tăng trưởng tín dụng sẽ cao, thậm chí có thể cao hơn mức 22%. “Vấn đề quan trọng ở đây là vốn chảy đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích, chứ thời điểm này tăng bao nhiêu cũng có thể tăng được”, một chuyên gia bình luận và nhắc tới câu chuyện của cách đây 7 - 8 năm. Khi đó Chính phủ cũng thúc tăng trưởng tín dụng để đẩy tăng trưởng kinh tế lên. Nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn.

Dòng vốn chảy nhiều vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán… nên chẳng những không hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt mà còn tác động đến lạm phát tăng, kéo theo NH phải tăng lãi suất huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng… Lúc bấy giờ, để tránh rủi ro cho nền kinh tế, NHNN buộc phải áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng. Hậu quả của việc siết tín dụng đột ngột khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn, tài chính kiệt quệ, di chứng vẫn còn đến tận bây giờ.

“22% nên là mức trần chặn chứ không nên nhất định phải đạt bằng được mức chỉ tiêu này. Bởi nếu đẩy tăng tín dụng quá nhiều mà không kiểm soát được dẫn đến xảy ra tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư lĩnh vực rủi ro sẽ làm méo mó dòng vốn, NH lại đối diện với nợ xấu, áp lực cung tiền, lạm phát”, vị chuyên gia cảnh báo. Mặt khác nếu bơm tín dụng mạnh vào những tháng cuối năm, hệ quả là gây áp lực lên lạm phát, lãi suất năm sau.

Không nên nới lỏng chính sách

Ngoài tăng trưởng tín dụng ở mức cao, Chính phủ cũng giao thêm nhiệm vụ cho NH giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay. Tham vấn các NH, một số lãnh đạo NH cho hay, giảm lãi suất là định hướng chung của Chính phủ cũng là mong muốn của NH hỗ trợ cho DN. Còn chuyện giảm hay không và ở mức nào thì phải phụ thuộc nhiều yếu tố, sử dụng nhiều công cụ trực tiếp lẫn gián tiếp…

Ở góc độ thị trường, qua những chỉ đạo trên, dường như Chính phủ phát đi thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ (CSTT). Điều này có thể tạo thêm gánh nặng cho NHNN khi đang giao nhiều nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cải cách thị trường tài chính NH lành mạnh, minh bạch… Việc đề xuất giãn lộ trình thực hiện sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% tại dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là một ví dụ. Điều chỉnh này có phần hợp lý nhằm góp phần giảm áp lực bất lợi lên lãi suất, cũng là một giải pháp để các TCTD có điều kiện mở rộng tín dụng. Nhưng mặt trái là tính kỷ luật thị trường cũng bị “nới lỏng”.

Thấu hiểu thế khó của NHNN trong bối cảnh phải đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (thời gian qua cơ quan này đã làm tròn vai) nhưng, theo đánh giá TS. Võ Trí Thành, dù có xoay xở tốt thế nào đi chăng nữa thì một mình NHNN cũng không thể lúc nào cũng hoàn thành trọn vẹn được cùng lúc nhiều mục tiêu: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị đồng tiền… nên sẽ có lúc rơi vào thế kẹt.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì khá thận trọng khi cho rằng, thông điệp nới lỏng chính sách của Chính phủ có thể là con dao hai lưỡi. Thời điểm này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, nhưng trong dài hạn lại tiềm ẩn hậu quả khó lường bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển chưa bền vững. Mặc dù, nhìn lại từ đầu năm đến nay, tỷ giá đang ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, thị trường vàng yên ắng… Nhưng thị trường trong nước và thế giới đang tiềm ẩn nhiều biến động. Ví như, giá vàng thế giới đang tăng mạnh khiến thị trường trong nước xao động. Hay tỷ giá, tuy đang duy trì ổn định nhưng nếu không có được nguồn cung dồi dào từ kiều hối, nguồn vốn FDI, ODA trong khi nhập siêu tăng lên… sẽ rất dễ tác động lên tỷ giá.

Lạm phát cũng đang là một ẩn số đối với nhà điều hành. Chỉ số CPI trong tháng 8 đã bất ngờ tăng tới 0,92% so với tháng 7, kéo theo chỉ số CPI tăng từ mức 2,52% lên mức 3,35% so với cùng kỳ của năm 2016. Dự báo, xu hướng tăng của lạm phát sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do hàng loạt mặt hàng Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục... sẽ phải điều chỉnh tăng giá. Sự biến động khó lường của giá xăng, dầu thế giới cũng đã khiến cho giá xăng, dầu trong nước tăng tới 8,9% chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua. Ngoài ra, đang có xu hướng tăng giá của giá lương thực, thực phẩm cả ở trong nước và quốc tế… Với sự ổn định không bền vững như thế thì chính sách nới lỏng tiền tệ là khá rủi ro, một chuyên gia cảnh báo.

Ngày đăng: 16:30 | 13/09/2017

/ Theo Thời báo Ngân hàng