Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển KTXH. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. "Có thể thấy, chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển KTXH đã đề ra", ông đánh giá.
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống như Đoàn giám sát đã nêu, dư nợ tín dụng đến tháng 12/2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm; các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn.
"Qua thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất" - ĐBQH Vũ Tuấn Anh phân tích.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) dẫn phản ánh của cử tri và thực tiễn giám sát của địa phương cho thấy, các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn so với nhu cầu thực tế, nhất là chương trình cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là cho vay nhà ở chính sách xã hội trên địa bàn các tỉnh này.
"Hà Giang còn 27 thôn "trắng" sóng và 155 thôn ở khu vực đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia" - đại biểu nói và đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ số, nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quyết liệt triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất từ Trung ương xuống địa phương; tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác...
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đánh giá, thời điểm ban hành Nghị quyết 43 đã chậm so với thế giới một nhịp, khi đó thế giới bắt đầu thu hồi gói phục hồi. "Trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng vậy, hình như luôn có một bước chậm. Chúng ta vẫn đang tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng, nhưng quốc tế đã có hướng áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt. Vậy Việt Nam nằm ở đâu trong nền kinh tế thế giới?", đại biểu cho rằng, để chính sách của Việt Nam hiệu quả hơn, chúng ta nên đặt mình vào tình hình chung của thế giới.
Phát biểu giải trình thêm tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ rằng, bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43, kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị...
Sau khi có Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31. "Chưa có một chương trình nào mà NHNN dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương...", Thống đốc thông tin.
Lý giải nguyên nhân kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn. "Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách Nhà nước. Các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng", Thống đốc NHNN cho hay.
Ngày đăng: 18:50 | 25/05/2024
Quỳnh Vinh / CAND